Cách nào quản lý Mobile Money?

Hà Anh 22/05/2020 11:30

Mobile Money sẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và tài chính toàn diện, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Dịch vụ Mobile Money dự kiến sẽ được cấp phép

NHNN và Bộ Thông tin – Truyền thông dự kiến cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông triển khai Mobile Money trong tháng 6/2020.

Sau một thời gian tranh cãi và chờ đợi, cuối cùng thì tiền di động (Mobile Money) cũng sẽ được triển khai. Phát biểu tại Hội nghị giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp vừa diễn ra mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, cơ quan này đã trình Chính phủ quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ. Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định chậm nhất là đến tháng 6/2020, NHNN và Bộ sẽ cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông triển khai Mobile Money.

Không phủ nhận những lợi ích mà phương thức thanh toán này mang lại khi được triển khai trên thực tế như chi phí thấp do tận dụng hạ tầng viễn thông; hay như nó có thể thâm nhập thị trường nông thôn, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa, nơi mà nhiều người dân chưa có tài khoản ngân hàng, qua đó sẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và tài chính toàn diện theo đúng mục tiêu mà Chính phủ đề ra.

Tuy nhiên tấm huân chương nào cũng có hai mặt, Mobile Money cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả các nhà quản lý và người dùng. Đó đang là một bài toán khó cho các nhà hoạch định chính sách trong việc xây dựng hành lang pháp lý cho loại hình thanh toán mới này.

Theo như những gì mà người đứng đầu ngành Ngân hàng nói, thì việc triển khai Mobile Money mới chỉ ở dạng thí điểm, có nghĩa khung pháp lý cho hoạt động này mới chỉ ở dạng sandbox. Thế nhưng, dù mới chỉ triển khai thí điểm đi chăng nữa, hành lang pháp lý cho Mobile Money cũng phải đảm bảo được mấy yêu cầu sau.

Thứ nhất là việc định danh, xác thực khách hàng (KYC) bởi có thể sẽ có các hành vi mạo danh khách hàng trong việc mở và sử dụng Mobile Money để thực hiện các giao dịch giả mạo, gian lận.

Rõ ràng việc xác thực khách hàng sẽ khó có thể đảm bảo sự chính xác nếu như tình trạng SIM rác và việc mua bán SIM kích hoạt sẵn vẫn còn khá phổ biến như hiện nay. Vì lẽ đó, cần phải siết chặt việc sở hữu SIM điện thoại tương tự như vấn đề mở thẻ ngân hàng. Theo đó, một người có thể được sở hữu nhiều SIM điện thoại tùy theo nhu cầu của mình, nhưng phải “chính chủ” và khi không có nhu cầu sử dụng nữa phải báo cho các nhà mạng để hủy bỏ.

Thứ hai là phải ngăn chặn được hành vi lợi dụng hình thức thanh toán này cho các giao dịch bất hợp pháp như cờ bạc, cá độ…; cũng như đảm bảo mục tiêu phòng, chống rửa tiền. Đây là bài toán không hề đơn giản bởi Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt cho phép các doanh nghiệp viễn thông định danh tài khoản Mobile Money thông qua tài khoản viễn thông mà không cần tài khoản ngân hàng; trong khi cũng rất khó để kiểm soát mục đích thanh toán của người sử dụng với hình thức này.

Vì lẽ đó, để giảm thiểu rủi ro nói trên, cần phải khống chế giá trị thanh toán qua Mobile Money tương tự như với ví điện tử. Thậm chí, nên khống chế ở mức thấp hơn do mục tiêu của Mobile Money là để thanh toán các khoản nhỏ lẻ và phục vụ các đối tượng người dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa chưa có tài khoản ngân hàng. Điều này cũng sẽ làm giảm đi sự cạnh tranh không công bằng giữa hai loại hình tiền đi động và ví điện tử do theo quy định, Mobile Money không cần có tài khoản ngân hàng, còn ví điện tử bắt buộc phải có tài khoản ngân hàng.

Thứ ba là phải có quy định để đảm bảo các doanh nghiêp viễn thông tuân thủ nghiêm nguyên tắc 1:1 để không làm phát sinh lượng tiền tệ, gây khó cho công tác điều hành chính sách tiền tệ.

Nguyên nhân do tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt có quy định hoạt động đại lý thanh toán. Theo đó, ngân hàng được giao cho bên đại lý cung ứng một phần các dịch vụ thanh toán như nộp/rút tiền mặt vào/ra tài khoản, thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ,... Tuy nhiên rất khó để kiểm tra, kiểm soát lượng tiền mặt các điểm giao dịch đã nhận của khách hàng, rất dễ xảy ra trường hợp lợi dụng để tăng giá trị nạp tiền (làm thay đổi tỷ lệ 1:1) dẫn đến khó khăn trong việc quản lý lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế.

Cuối cùng, do đây là hình thức thanh toán liên quan nhiều đến công nghệ nên cần phải có các quy định liên quan đến an toàn, bảo mật, đặc biệt là với thông tin cá nhân của khách hàng; đồng thời cũng cần có các quy định bảo vệ quyền và lợi ích của người sử dụng.

Có thể bạn quan tâm

  • Lưu ý gì khi thí điểm triển khai Mobile Money?

    Lưu ý gì khi thí điểm triển khai Mobile Money?

    05:00, 13/05/2020

  • Rộng cửa đón Mobile Money

    Rộng cửa đón Mobile Money

    11:00, 02/03/2020

  • Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Mobile Money sẽ góp phần bùng nổ các startup Việt Nam

    Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Mobile Money sẽ góp phần bùng nổ các startup Việt Nam

    04:03, 24/05/2019

  • “Bỏ tiền giấy” nhờ Mobile Money

    “Bỏ tiền giấy” nhờ Mobile Money

    05:22, 14/04/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cách nào quản lý Mobile Money?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO