Cách 'rich kid lừa đảo' kiếm tiền trong thời gian ngồi tù

Theo zingnews 29/03/2022 03:23

Sau khi bán câu chuyện của mình cho Netflix với giá 320.000 USD, Anna Sorokin tiếp tục kiếm tiền bằng các tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ cô.

>>Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp: Nơi ươm mầm từ ý tưởng đến sản phẩm

Khoảng 150 người đã có mặt tại sự kiện khai mạc triển lãm nghệ thuật Free Anna Delvey ở khu Lower East Side (New York, Mỹ) hôm 17/3, theo New York Times.

Triển lãm trưng bày các tác phẩm lấy cảm hứng từ "rich kid lừa đảo" khét tiếng Anna Sorokin của 33 nghệ sĩ.

Đến với Free Anna Delvey, khán giả chiêm ngưỡng từ những bức vẽ bằng bút chì cho đến các tác phẩm điêu khắc cầu kỳ, trong khi nhâm nhi đồ uống có cồn và nghe nhạc rock.

Những fan trung thành của Inventing Anna - bộ phim kể về quá trình phạm tội của Anna Sorokin - nói rằng sự kiện thành công ngoài mong đợi, nhưng cảm thấy tiếc vì Sorokin không thể trực tiếp chứng kiến điều này.

Anna Sorokin hầu tòa vì tội mạo danh, lừa đảo. Ảnh: Steven Hirsch.

Anna Sorokin hầu tòa vì tội mạo danh, lừa đảo. Ảnh: Steven Hirsch.

"Rich kid lừa đảo" đang bị cơ quan nhập cảnh giam giữ tại cơ sở cải huấn quận Cam (Goshen, New York) vì quá hạn thị thực. Năm ngoái, cô đã được thả tự do sau khi hoàn thành bản án 4 năm tù cho 8 tội danh lừa đảo.

"Tôi rất thích triển lãm. Hình ảnh miêu tả về tôi trong loạt phim Netflix không được chính xác như vậy", Sorokin nói từ trại giam.

Thu tiền từ bức vẽ của người khác

Không có tác phẩm nào được trưng bày tại Free Anna Delvey thực sự thuộc về Sorokin. Chỉ có 5 bức vẽ được mô phỏng lại từ tranh do cô sáng tác khi ở trong tù.

Khi ra tù vào tháng 2/2021, Sorokin đã thuê Martinez, người từng ngồi tù vì tội giả mạo các bức tranh của Jean-Michel Basquiat, sao chép các tác phẩm của mình, theo Insider.

"Nếu muốn ai đó sao chép tác phẩm nghệ thuật của mình, Sorokin tốt nhất nên thuê một người chuyên giả mạo tranh Basquiat như tôi. Cô ấy điều phối mọi thứ từ phòng giam để mang đến những khía cạnh mới cho công chúng", Martinez nói với Forbes.

Martinez đã phóng to các bức vẽ của Sorokin, đồng thời sử dụng thêm cả màu nước. Những tác phẩm này được bán với giá 10.000 USD/bức tại triển lãm.

Các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm Free Anna Delvey. Ảnh: Anna Sorokin/Alfredo Martinez, Julia Morrison, Rina Oh.

Các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm Free Anna Delvey. Ảnh: Anna Sorokin/Alfredo Martinez, Julia Morrison, Rina Oh.

Sorokin tuyên bố 15% tiền bán tranh sẽ được quyên góp cho một tổ chức từ thiện dành cho trẻ em. Còn theo Martinez, 25% số tiền thu được từ triển lãm sẽ được sử dụng để "bảo vệ pháp lý" cho Sorokin.

Sorokin đứng trước nguy cơ bị trục xuất khỏi Mỹ sau khi ra tù. Đội pháp lý của cô đang tìm mọi cách để xoay chuyển tình hình.

Đầu tháng 3, luật sư Sorokin đệ đơn kháng cáo lên các cơ quan quản lý nhập cư, chỉ vài giờ trước khi "rich kid lừa đảo" bị trục xuất về Đức theo đúng kế hoạch. Với lý do đưa ra là "các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng", Sorokin đã được cấp cứu.

Sau đó, cô tiếp tục kiện Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (Ice) với cáo buộc các quan chức của Ice đã từ chối yêu cầu tiêm vaccine tăng cường khiến cô nhiễm Covid-19 trong khi bị giam giữ.

Biến câu chuyện lừa đảo thành phim

Anna Sorokin lần đầu tiên trở thành tâm điểm chú ý vào mùa xuân năm 2018 sau một câu chuyện trên tạp chí New York của nhà báo Jessica Pressler.

Theo Pressler, Sorokin đã sử dụng danh tính giả là "người thừa kế Anna Delvey sinh ra tại Đức" để thâm nhập giới giàu có ở Manhattan và sống xa hoa trong các khách sạn Soho.

Cô đã lên kế hoạch huy động vốn từ các ngân hàng để phát triển Quỹ Anna Delvey, một không gian nhà hàng và nghệ thuật hỗn hợp.

Sorokin cuối cùng bị bắt vào năm 2017 và bị xét xử vào năm 2019. Cô bị kết tội 8 tội danh và được trắng án 2 tội - bao gồm cả tội nghiêm trọng nhất là cố gắng ăn cắp hơn 1 triệu USD từ City National Bank.

Đầu năm 2021, Netflix được cho đã trả 320.000 USD cho Sorokin để đưa cuộc đời "rich kid giả mạo" lên một bộ phim "nửa thật nửa hư cấu".

Sorokin đã sử dụng 199.000 USD trong số tiền này để bồi thường cho các ngân hàng, cộng với 24.000 USD để giải quyết các khoản phạt khác của tiểu bang. Ngoài ra, cô còn tốn phí luật sư và các thủ tục pháp lý.

Theo Insider, Sorokin có thể còn lại khoảng 22.000 USD trong khoản thỏa thuận 320.000 USD với Netflix.

Bộ phim của Netflix lấy tên là Inventing Anna được công chiếu hôm 11/2. Rachel Williams, nạn nhân đã bị kẻ lừa đảo Sorokin chiếm đoạt 62.000 USD, đã rất sốc và khó chịu vì nhiều chi tiết trong câu chuyện bị biến tấu theo hướng đồng cảm với tội phạm lừa đảo.

Williams cho rằng Netflix và nhà sản xuất phim Shonda Rhimes đã nhìn nhận Sorokin là một người đặc biệt và thậm chí truyền cảm hứng.

"Họ không coi cô ta là một kẻ phạm tội đã bị kết án với 8 tội danh, bao gồm tội trộm cắp cấp độ hai và cố gắng thực hiện hành vi trộm cắp cấp độ một", Williams nói với Vanity Fair.

https://zingnews.vn/cach-rich-kid-lua-dao-kiem-tien-trong-thoi-gian-ngoi-tu-post1305225.html

Có thể bạn quan tâm

  • ThinkZone Ventures hợp tác Deloitte hỗ trợ startup thuế, quản trị và tài chính

    ThinkZone Ventures hợp tác Deloitte hỗ trợ startup thuế, quản trị và tài chính

    05:26, 28/03/2022

  • Startup M Village gọi vốn thành công 1,7 triệu USD tại vòng hạt giống

    Startup M Village gọi vốn thành công 1,7 triệu USD tại vòng hạt giống

    05:23, 26/03/2022

  • Viva Republica startup fintech Hàn Quốc muốn cạnh tranh Grab và Momo

    Viva Republica startup fintech Hàn Quốc muốn cạnh tranh Grab và Momo

    04:35, 26/03/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cách 'rich kid lừa đảo' kiếm tiền trong thời gian ngồi tù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO