Việc hoàn thiện môi trường, cải cách thể chế sẽ thúc đẩy hơn nữa minh bạch hóa của Việt Nam.
“Trước hết, cần tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, không được để chậm trễ, không để tình trạng “ngâm lâu”, giữ một số quy định gây ách tắc, khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Có một số nghị định cần làm ngay, như nghị định về quy hoạch hay đầu tư xây dựng. Thể chế là số một, cần rà lại, cụ thể hóa vấn đề này, có danh mục kèm theo”.
Đó là lời khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc với một số Bộ/Ngành ngày 18/3 vừa qua để bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của năm “bứt phá” 2019.
Đây chỉ là một trong nhiều lần gần đây Thủ tướng nói về sự cần thiết của một thể chế tốt nhằm giúp kinh tế “bứt phá”. Vấn đề ở đây là lần này “Cần có danh mục kèm theo”, điều này cho thấy Thủ tướng là người rất quan tâm đến cắt giảm điều kiện kinh doanh, một tinh thần chỉ đạo rất đúng và trúng.
Khách quan mà nói, Hiến pháp năm 2013 với những điều khoản đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân, hàng loạt các bộ luật đã được ban hành, sửa đổi nhằm hiện thực hóa tinh thần đó như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Việc làm, Luật Phá sản…
Kế tiếp là Nghị quyết 19 của Chính phủ với nỗ lực phá bỏ những rào cản hành chính, tệ quan liêu, nhũng nhiễu nhằm đưa môi trường kinh doanh Việt Nam vào top 4 trong ASEAN cũng là những nỗ lực làm giới doanh nghiệp ấm lòng thời gian qua.
Thế nhưng, dù đã có những bước đi dài đầy tích cực, cải cách thể chế vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Bởi đang tồn tại một thức tế rất đáng lo ngại là doanh nghiệp tư nhân càng lớn thì chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao, doanh nghiệp quy mô càng lớn và kinh doanh càng thành công thì bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều. Điều này là một trong những nguyên nhân làm các doanh nghiệp Việt Nam không lớn lên được.
Có thể bạn quan tâm
15:30, 18/03/2019
14:08, 15/03/2019
00:00, 09/03/2019
11:42, 03/03/2019
11:05, 17/02/2019
12:50, 16/02/2019
14:30, 28/01/2019
Tức là, mặc dù đã có những điều kiện kinh doanh thực sự được cắt bỏ, song vẫn thấy sự cắt bỏ ấy có phần rụt rè, thiếu mạnh dạn, chưa hiệu quả. Trong đó, có một số Bộ mặc dù tinh thần cắt giảm điều kiện kinh doanh khá mạnh mẽ, song thực tế lại không “mạnh” như tinh thần.
Nói vậy không sai tí nào khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cho biết, với các doanh nghiệp, việc phải xin các giấy phép con vẫn diễn ra phổ biến và gặp nhiều khó khăn. Có đến 58% trên tổng số doanh nghiệp phản hồi phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện. Trong đó, có 42% doanh nghiệp cho biết có gặp khó khăn khi xin những giấy phép loại này.
Một hướng đánh giá khác về môi trường kinh doanh thời gian qua, theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, mặc dù các Bộ, ngành đã nỗ lực vào cuộc để thực hiện cắt bỏ điều kiện kinh doanh, giấy phép con… song số điều kiện kinh doanh thực sự được bãi bỏ chỉ là 771, trong khi đó có tới 29 điều kiện kinh doanh phát sinh. Nếu tính tổng số các điều kiện kinh doanh hiện hành, thì việc cắt giảm là không đạt 50% như yêu cầu của Chính phủ.
Những con số này cho thấy, bàn tay hữu hình của Nhà nước trong quản lý điều hành còn khá nặng nề. Nó phần nào tạo ra cơ chế xin-cho, lây lan triệu chứng “tham nhũng vặt”. “Chúng ta vẫn thấy dấu ấn của bàn tay Nhà nước trong các quy định, điều kiện kinh doanh, thậm chí có bàn tay nhà nước trong các phương án kinh doanh mà đáng lẽ ra, Nhà nước chỉ cần đưa ra các quy chuẩn, còn phương án kinh doanh phải để thị trường quyết định” - ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nói.
Theo đó, không thể đổ lỗi cho thể chế hạn chế vì mọi chính sách đều do cán bộ nhà nước làm ra. Vậy nên, cần hoàn thiện môi trường, cải cách thể chế sẽ thúc đẩy hơn nữa minh bạch hóa của Việt Nam. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam là nước hội nhập muộn hơn so với các nước đàm phán CPTPP, khoảng cách giữa đòi hỏi của CPTPP và năng lực thực tế của Việt Nam là không nhỏ.
Có thể nói, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã được củng cố, chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này. Điều này thêm một lần nữa khẳng định con đường chúng ta chọn là đúng, đưa đến cho chúng ta khả năng chủ động trong điều hành nền kinh tế đất nước.
Chính vì vậy, một việc rất quan trọng hiện nay của cấp cao là phải tập trung làm “chuyển động” cho được ở cấp dưới và cái gọi là “thể chế là số một cùng danh mục kèm theo” của Thủ tướng càng cho thấy: Nếu cứ để các Bộ,/Ngành tự cắt giảm điều kiện kinh doanh thì không biết đến bao giờ họ mới làm. Có ai tự “lấy đá ghè chân mình” bao giờ đâu?