Việc sáp nhập đơn vị hành chính không chỉ là thay đổi về địa giới, mà còn là một bước đi có ý nghĩa chiến lược trong cải cách thể chế, thúc đẩy mô hình quản trị hiện đại và hiệu quả hơn.
Đây là chia sẻ của PGS, TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế quốc dân với DĐDN.
Tôi cho rằng, đợt sáp nhập đơn vị hành chính lần này có thể xem là một cuộc cách mạng trong cải cách bộ máy nhà nước, phục vụ trực tiếp cho mục tiêu tạo đột phá chiến lược về thể chế. Việc sáp nhập đơn vị hành chính không đơn thuần là tái cơ cấu địa giới, mà còn là một bước đi quan trọng trong cải cách thể chế, góp phần tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, thúc đẩy mô hình quản trị hiện đại hơn và gần doanh nghiệp, gần người dân hơn.
Việc rút gọn mô hình chính quyền địa phương xuống còn 2 cấp sẽ tạo ra một môi trường thông thoáng hơn cho doanh nghiệp. Các thủ tục pháp lý, hành chính sẽ được xử lý nhanh gọn hơn nhờ sự phân cấp, phân quyền rõ ràng và minh bạch. Doanh nghiệp không còn phải đi qua nhiều “cửa”, nhiều cấp như trước, giảm được chi phí thời gian, chi phí không chính thức, gánh nặng thủ tục, đồng thời giảm thiểu đáng kể tình trạng "xin-cho", “quan liêu”. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn nhạy cảm với những rào cản hành chính.
Quan trọng hơn, cải cách lần này cho thấy Nhà nước đang chuyển mình mạnh mẽ sang vai trò kiến tạo phát triển, lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong quá trình thiết kế và vận hành thể chế. Khi chính quyền cấp cơ sở được trao quyền nhiều hơn, họ cũng có điều kiện để chủ động hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn, thúc đẩy sáng tạo, mở rộng quy mô và thu hút đầu tư.
Tuy vậy, doanh nghiệp cũng sẽ gặp một số khó khăn sau quá trình sáp nhập địa giới hành chính, chủ yếu liên quan đến các vấn đề kỹ thuật và hành chính còn tồn tại từ trước, đòi hỏi cần có sự điều chỉnh đồng bộ để theo kịp thực tiễn sáp nhập.
Việc thay đổi địa bàn quản lý đòi hỏi phải rà soát, điều chỉnh lại nhiều giấy tờ pháp lý như con dấu, địa chỉ, hợp đồng, đăng ký doanh nghiệp… Nếu không có hướng dẫn cụ thể và đồng bộ, những thủ tục này có thể khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian và chi phí để hoàn thiện lại hồ sơ cho phù hợp với đơn vị hành chính mới.
Bên cạnh đó, quy trình xử lý công việc vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi hệ thống cũ, vốn được thiết kế cho bộ máy nhiều tầng nấc. Nếu quy trình này không được điều chỉnh phù hợp với mô hình tinh gọn sau sáp nhập, thì hiệu quả cải cách có thể chưa đạt như kỳ vọng. Điều cần thiết là tổ chức lại quy trình theo hướng đơn giản, minh bạch, rõ ràng và tiết kiệm thời gian cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Ngoài vấn đề về quy trình, tôi cho rằng, cần sớm định hình lại một văn hóa hành chính mới, đặt doanh nghiệp làm trung tâm trong thiết kế chính sách và quá trình thực thi. Cơ quan công quyền cần thể hiện tinh thần hỗ trợ, đồng hành, minh bạch và có trách nhiệm giải trình rõ ràng. Đây là điều kiện quan trọng để xây dựng niềm tin và khuyến khích doanh nghiệp phát triển dài hạn.
Đặc biệt, việc xây dựng lại quy hoạch phát triển phù hợp với không gian hành chính mới là yêu cầu cấp thiết. Sau sáp nhập, các địa phương có quy mô dân số lớn, không gian phát triển rộng mở, do đó rất cần một quy hoạch mới làm cơ sở cho việc phân bổ nguồn lực, xác lập vùng phát triển và định hướng thu hút đầu tư. Cùng với đó, cần ban hành các cơ chế đặc thù phù hợp với điều kiện mới, trao quyền tự chủ cao hơn cho chính quyền địa phương cũng như tạo dư địa ưu đãi rõ ràng cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đang rất mong chờ các chính sách, quy hoạch và quy trình hành chính mới được triển khai một cách kịp thời. Nếu chậm trễ, chi phí cơ hội sẽ bị bỏ lỡ, năng lực cạnh tranh suy giảm và nguồn lực như đất đai, cơ sở vật chất, nhân lực… sẽ không được sử dụng hiệu quả.
Với doanh nghiệp, điều quan trọng là cần chủ động nắm bắt thông tin để thích nghi với những thay đổi về mô hình tổ chức quản lý, đồng thời coi đây là cơ hội để cơ cấu lại chiến lược phát triển cho phù hợp với không gian và điều kiện mới. Trước hết, cần rà soát lại toàn bộ hồ sơ pháp lý liên quan để kịp thời điều chỉnh theo địa giới hành chính mới. Việc này giúp bảo đảm tính hợp lệ trong giao dịch và tránh rủi ro pháp lý về sau.
Thứ hai, doanh nghiệp nên tích cực tiếp cận và sử dụng các hệ thống dịch vụ công trực tuyến do địa phương cung cấp. Việc số hóa thủ tục không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn tăng khả năng giám sát và minh bạch trong quá trình giải quyết hành chính.
Thứ ba, doanh nghiệp cần chủ động tăng cường kết nối với chính quyền cấp tỉnh hoặc cấp cơ sở tùy theo việc phân quyền mới để nắm bắt quy trình, đầu mối phụ trách, cũng như phản ánh vướng mắc khi cần. Việc tham gia vào các hiệp hội doanh nghiệp tại địa phương cũng là cách hữu hiệu để kết nối, cập nhật chính sách và đóng góp ý kiến xây dựng cơ chế.
Khi cả hai phía chính quyền và doanh nghiệp cùng hành động, sự chuyển động của bộ máy hành chính sẽ thực sự tạo ra môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch và thúc đẩy phát triển bền vững.