CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH: Ba đề xuất liên quan quy định pháp lý trong văn bản Luật

NGUYÊN AN 30/11/2021 14:19

Tổng Công ty cổ phần Vinaconex đã đưa ra một số đề xuất đáng lưu ý.

Trong văn bản gửi tới VCCI của Tổng Công ty cổ phần Vinaconex trước thềm Hội nghị đối thoại doanh nghiệp" Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và lĩnh vực liên quan: Giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế" đã đưa ra một số đề xuất đáng lưu ý.

Trong công tác đầu thầu, Vinaconex đề nghị các Chủ đầu tư/Bên mời thầu tăng cường đẩy mạnh việc tổ chức đấu thầu và các hình thức lựa chọn nhà thầu qua mạng và chấp thuận các hồ sơ, chứng thực qua mạng của Nhà thầu, các cuộc họp làm rõ được thực hiện trực tuyến thay cho trực tiếp. Cùng với đó cần nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin mạng đấu thầu quốc gia cho phù hợp và bắt kịp sự phát triển chung của hạ tầng mạng toàn xã hội đáp ứng nhu cầu trao đổi, tìm kiếm thông tin, tải về và nộp hồ sơ khi đấu qua mạng.

Bên cạnh đó, theo vinaconex cũng cần đơn giản và khách quan trong việc yêu cầu về năng lực kinh nghiệm tương tự của nhà thầu. Về chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề: Rà soát lại để sửa đổi lược bỏ các chứng chỉ đào tạo không cần thiết, thực hiện việc cấp đổi, thi lấy chứng chỉ trên cổng dịch vụ công (tương tự như đã áp dụng cho các giấy tờ khác). Vừa qua dịch Covid đã làm cho việc thi cấp chứng chỉ bị dừng lại mất gần 2 năm dẫn đến khó khăn cho việc bổ sung năng lực cho cán bộ tham gia.

Với công tác thanh toán trong quá trình triển khai thi công xây dựng, Vinaconex đề xuất cần công khai kế hoạch giải ngân vốn của Chủ đầu tư theo từng tháng/quý/năm; từng hợp đồng, tình trạng giải quyết hồ sơ thanh toán;  Xem xét ứng dụng CNTT trong công tác nghiệm thu thanh toán như: Phần mềm quản lý hồ sơ nghiệm thu thanh toán; Cho phép bảo vệ online, file mềm, chữ ký số,… thay cho hồ sơ bản in, trao đổi trực tuyến thay cho trao đổi trực tiếp, để đẩy nhanh công tác hồ sơ nghiệm thu phục vụ giải ngân; Quy định rõ thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết hồ sơ (tiếp nhận, kiểm tra, phản hồi, phê duyệt).

Theo Vinaconex cũng cần bổ sung áp dụng chính sách tạm ứng khối lượng hoàn thành (hiện chưa có quy định rõ ràng), áp dụng tạm ứng vật liệu dự trữ, cấu kiện bán thành phẩm một cách linh hoạt để hỗ trợ nhà thầu (ví dụ trong tình trạng ảnh hưởng bởi dịch covid, khan hiếm nguồn cung ứng cho phép nhà thầu tạm ứng bổ sung để thực hiện mua vật liệu tạm trữ)

Cùng với đó, cần tăng cường sử dụng Hồ sơ mềm trong quá trình tập hợp. Về hồ sơ quản lý chất lượng: Sửa đổi bổ sung thành quy định Pháp lý về thành phần, chủng loại, nội dung hồ sơ được sử dụng hồ sơ điện tử (file mềm, chữ ký số) như các biên bản nghiệm thu công việc xây dựng, CO, CQ, hồ sơ pháp lý doanh nghiệp (scan), phê duyệt vật liệu, kết quả thí nghiệm,… thay cho hồ sơ giấy từ đó sẽ giảm lược được số lượng hồ sơ gốc (hiện nay thông thường nhà thầu phải ký từ 10-12 bộ hồ sơ gốc, >> đề xuất chỉ ký 02-03 bộ gốc, còn lại hoặc sử dụng tiếp lần sau thì tham chiếu hồ sơ scan) và đẩy nhanh, hạn chế được ảnh hưởng bởi dịch covid tới việc giao tiếp trực tiếp soát xét, ký hồ sơ như hiện nay. Về ủy quyền, phân cấp: Triệt để ủy quyền và phần cấp tới cấp trực tiếp trong phê duyệt hồ sơ (ví dụ Giám đốc Ban QLDA của gói thầu tại dự án được quyền phê duyệt, chịu trách nhiệm hồ sơ thanh toán), ưu tiên áp dụng hoặc lược bỏ việc đóng dấu trong các tài liệu, biên bản nghiệm thu (chỉ cần có chữ ký phê duyệt, hoặc chứ ký số ) như tinh thần Luật doanh nghiệp sửa đổi hiện.

Với một số các nội dung quy định pháp lý trong văn bản Luật, văn bản Vinaconex nêu đề xuất:

Thứ nhất, Pháp luật đất đai và pháp luật đầu tư chưa có quy định thống nhất trong việc quyết định chủ trương thực hiện dự án (đối với dự án ngoài ngân sách) với kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện: Tại điểm a khoản 3 điều 33 Luật Đầu tư 2020 quy định: “Nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm: a) Đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (nếu có); b) Đánh giá nhu cầu sử dụng đất;”.

Tại khoản b khoản 4 điều 33 quy định: “Nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư bao gồm:...b) Khả năng đáp ứng điều kiện giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; khả năng đáp ứng điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất”.

Việc xác định dự án cần có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện được phê duyệt mới quyết định chủ trương đầu tư. Quy định này không rõ quyết định chủ trương đầu tư trước, sau đó mới phê duyệt hồ sơ dự án vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, hay dự án phải có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện do UBND tỉnh phê duyệt thì mới được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Ý kiến đề xuất sửa đổi: Trong khi chưa sửa đổi Luật đất đai 2013, quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt, thì bổ sung quy định của Luật đầu tư 2020, đối với dự án chưa có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì vẫn được chấp thuận chủ trương đầu tư sau đó cập nhật bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện.

Thứ hai, vướng mắc giữa Luật Đầu tư 2020 và Luật nhà ở liên quan đến chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở:
Tại điểm c, khoản 1, điều 75 Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 sửa đổi bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở số 65/2014/QH13: “Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở”.

Theo quy định này thì tất cả dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở hoặc không có một phần diện tích đất ở, mặc dù phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thì cũng không được chấp thuận là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại. Đây là một vấn đề vướng mắc cho nhiều doanh nghiệp không được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư.

Ý kiến đề xuất sửa đổi: Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp hoặc các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở.

Thứ ba, vướng mắc Lập hồ sơ đề xuất xin chủ trương đầu tư dự án:

Theo Điều 12 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư” được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 108 Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26/03/2021 “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư” như sau:

“Điều 12. Danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất 1. Dự án quy định tại Điều 11 Nghị định này được tổng hợp vào danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất, cụ thể như sau:

a) Đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời là văn bản quyết định phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất.

Căn cứ Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan có liên quan xác định yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt trước khi công bố danh mục dự án. Đối với dự án thực hiện tại khu kinh tế, Ban quản lý khu kinh tế tổ chức xác định, phê duyệt yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư trước khi công bố danh mục dự án.

b) Đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, việc lập, phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất thực hiện theo quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này”.
Tuy nhiên, điều kiện để dự án được đưa vào danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất và được chấp thuận chủ trương đầu tư phải đáp ứng yêu cầu tại điều 11 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP và điều 11 này được sửa đổi tại mục 4 điều 108 nghị định số 31/2021/NĐ-CP như sau:

“Điều 11. Điều kiện xác định dự án đầu tư có sử dụng đất

Dự án đầu tư có sử dụng đất phải lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Nghị định này khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Thuộc các dự án quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị định này mà không sử dụng vốn đầu tư công để xây dựng công trình. Dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở thương mại; trụ sở văn phòng làm việc; công trình thương mại, dịch vụ được phân loại theo quy định của pháp luật về xây dựng. Trường hợp dự án có nhiều công năng, dự án đầu tư có sử dụng đất được xác định căn cứ công trình chính của dự án hoặc công trình chính có cấp cao nhất trong trường hợp dự án có nhiều công trình chính theo quy định của pháp luật về xây dựng.

2. Thuộc danh mục dự án cần thu hồi đất được duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, thuộc khu đất do Nhà nước đang quản lý, sử dụng mà sẽ được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ban quản lý khu kinh tế giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư được chấp thuận.

3. Thuộc chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở; chương trình phát triển đô thị (nếu có) theo quy định của pháp luật về phát triển đô thị.

4. Phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng có tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/500 (nếu có) hoặc quy hoạch phân khu đô thị có tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/5.000 theo quy định của pháp luật.

5. Không đủ điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

6. Không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 22 và Điều 26 của Luật Đấu thầu.”

Như vậy, để có cơ sở lập hồ sơ đề xuất xin chủ trương đầu tư dự án, dự án phải phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng có tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/500 (nếu có) hoặc quy hoạch phân khu đô thị có tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/5.000 theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, đối với các vùng huyện nông thôn hiện nay thì các xã phải có quy hoạch chung xây dựng xã tỷ lệ 1/5.000 rồi trên cơ sở đó lập QHCT 1/500 xây dựng điểm dân cư nông thôn. Như vậy, theo khoản 4 điều 11 trên thì các dự án thuộc các vùng huyện nông thôn thì áp dụng như thế nào?

Có thể bạn quan tâm

  • CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH: Thực trạng và giải pháp cho hạ tầng an sinh cho các khu công nghiệp

    CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH: Thực trạng và giải pháp cho hạ tầng an sinh cho các khu công nghiệp

    16:42, 30/11/2021

  • CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH: 4 đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế

    CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH: 4 đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế

    16:18, 30/11/2021

  • CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH: Đề xuất cơ chế đầu tư theo hình thức BLT

    CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH: Đề xuất cơ chế đầu tư theo hình thức BLT

    11:46, 30/11/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH: Ba đề xuất liên quan quy định pháp lý trong văn bản Luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO