Cái chết của một quỹ đầu tư “mộng mơ”

QUÂN BẢO 10/03/2021 05:08

Sau 6 năm hoạt động với tầm nhìn đem đến mô hình mới lạ hơn cho thị trường đầu tư mạo hiểm, Indie.vc đã phải thông báo ngừng hoạt động.

Có thể nói vốn đầu tư mạo hiểm là tiền dành cho những startup, cho những sự đổi mới. Trong khi đó, chính bản thân các quỹ đầu tư mạo hiểm lại không hề đổi mới. Vậy nên việc một mô hình sáng tạo như Indie.vc đóng cửa có lẽ khiến nhiều người tiếc nuối.

Năm 2015, Indie.vc ra đời dưới dạng một chương trình thử nghiệm của đơn vị O’Reilly AlphaTech Ventures (OATV) - một quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu. Theo đó, điểm mới lạ trong mô hình hoạt động của Indie là tập trung đầu tư vào những startup bền vững, giúp các startup kiếm được lợi nhuận, chứ không phải tăng quy mô. Trong khi đó, đa số những quỹ đầu tư mạo hiểm truyền thống sẽ chỉ tập trung vào mở rộng quy mô.

Ngoài ra, với Indie.vc, các nhà sáng lập startups cũng có thể mua lại cổ phần thông qua các đợt redemption (trả tiền để lấy chứng khoán có thu nhập cố định tại thời điểm đáo hạn hoặc trước khi đáo hạn).

Mục tiêu của Indie là có thể tạo ra những startup như GitHub, Qualtrics hoặc Zapier - những đơn vị tập trung xây dựng quy trình phục vụ nhu cầu khách hàng và kiếm về lợi nhuận từ rất sớm. Chẳng hạn GitHub đã sử dụng lợi nhuận để hoạt động doanh nghiệp và không cần sử dụng bất kỳ số tiền đầu tư mạo hiểm nào trong 4 năm đầu tiên.

Indie.vc chính thức hoạt động với 85 triệu USD đợt gọi vốn lần 3 của OATV và đầu tư vào gần 40 công ty.

Tuy nhiên, mô hình kinh doanh của Indie lại không được lòng các đối tác trong thời đại startup kỳ lân xuất hiện rất nhiều hiện nay. Indie theo nguyên tắc “chậm mà chắc”, trong khi các đối tác của họ lại muốn “nhanh”, muốn biến các startup thành kỳ lân trong thời gian ngắn.

Vậy nên trong vòng gọi vốn thứ 4, số tiền huy động đã giảm đến 80%, chỉ còn 25 triệu USD so với 85 triệu USD của vòng thứ 3. Một trong những lý do là vì các startup trong danh sách của Indie.vc không tăng trưởng nhanh như các startup của những đơn vị đầu tư mạo hiểm truyền thống khác.

Điều này dẫn đến mark-up (tăng giá) ít hơn và tỷ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) cũng phát triển chậm hơn. Bên cạnh đó, mô hình của Indie.vc còn làm mờ khoảng cách giữa vốn chủ sở hữu (equity) và nợ (debt), mà các đối tác của Indie.vc sẽ không thích điều này.

Sau đó, vòng gọi vốn thứ 5 không thể tiến hành, dẫn đến kết quả cuối cùng là thông báo ngừng hoạt động của Indie.vc

Mặc dù không thành công, thế nhưng Indie.vc vẫn xứng đáng được nhìn nhận và đánh giá cao vì nỗ lực sáng tạo trong mô hình đầu tư của mình. Đầu tư mạo hiểm kiểu truyền thống có thể hiệu quả với một số startup, nhưng không phải là tất cả. Vậy nên nhiều người vẫn hy vọng sự thất bại của Indie.vc không phải là dấu chấm hết cho những nỗ lực tạo ra các mô hình đầu tư kiểu mới.

Có thể bạn quan tâm

  • Các quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động tích cực tại Việt Nam

    Các quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động tích cực tại Việt Nam

    12:23, 27/10/2020

  • Bài học khởi nghiệp cho các “nhà đầu tư mạo hiểm”

    Bài học khởi nghiệp cho các “nhà đầu tư mạo hiểm”

    04:53, 28/05/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cái chết của một quỹ đầu tư “mộng mơ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO