Tôi với con trai đi chân trần, xắn quần lội xuống ruộng. Lùa bàn chân xuống nước, sục sâu dưới bùn, đồng đất quê hương không lạnh mà nghe hơi ấm của đất lan tỏa.
>>>CẢM XÚC XUÂN: Thanh tịnh Tam Chúc những ngày đầu năm
Năm nay không nhuận, Tết đến sớm hơn so với mọi năm gần một tháng. 29 tháng chạp đã là 30 Tết, tính theo âm lịch, trời vẫn còn đổ mưa rào. Ngọn gió đông se thắt mang theo cái lạnh lắt léo qua từng góc phố, con đường. Thời buổi dịch dã, ăn Tết "bình thường mới" nên người dân dường như cũng giản tiện hơn trong việc mua sắm. Bọn trẻ được nghỉ học trước một tuần sớm hơn dự định và phòng, chống dịch. 28 Tết, người lớn cũng đã được nghỉ việc công sở tập trung dọn dẹp nhà cửa, sắm sanh chuẩn bị đón Tết.
Chiều 29, sau khi làm mâm cơm cúng, thắp nén hương thơm lên ban thờ mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu, cậu ấm năm nay học lớp 7 đi ra đi vào nhìn tôi như chờ đợi. Trong năm, tôi có giao kèo nếu học kỳ một đạt điểm cao, chăm ngoan, không mắc lỗi tôi sẽ cho về ăn Tết quê ngoại. Bây giờ chính là lúc tôi thực hiện lời hứa, vì kết thúc học kỳ một, điểm số, hạnh kiểm, kĩ năng sống, hoạt động ngoại khóa... cậu ấm chẳng có gì khiến cho tôi phải phàn nàn.
Quê ngoại không phải bên nhà vợ mà là quê ngoại của tôi. Vùng quê nghèo đất pha cát một năm người nông dân cần mẫn gieo trồng cấy gặt trên cánh đồng hai vụ lúa một vụ màu.
Quê ngoại nơi tôi gắn bó suốt tuổi ấu thơ khi bố đi bộ đội đóng quân xa nhà, mẹ tôi một nách ba đứa con lại bận việc cơ quan nên phải gửi bớt về để ông bà và các dì trông hộ. Tôi đã đón bao nhiêu cái Tết cả ở đấy. Ông bà giờ đã trăm tuổi khuất nẻo khói sương. Các bác các cậu cũng mỗi người chọn mỗi nơi lập nghiệp, nhận nơi mình đang sinh sống làm quê hương thứ hai.
Thổ đất ở quê được sửa sang lại làm nơi thờ tự, giờ còn hai dì không lấy chồng nương tựa vào nhau sớm tối trông coi, năm vài bận rộn lên là những khi nhà có đám giỗ chạp, cháu con đi xa tề tựu về gặp mặt còn ngày thường vắng lặng, có phần quạnh quẽ. Hai chín tháng Chạp là ba mươi Tết, tôi quyết định cho cậu ấm về ăn Tết quê ngoại. Vợ tôi ở lại thành phố vì phải trực cơ quan, phần lo mâm cơm cúng, khói nhang cho ông bà tổ tiên. Tôi sẽ chạy đi chạy về vì nhà quê chỉ cách thành phố chừng hơn ba mươi cây số.
Ba mươi Tết, tôi cùng cậu ấm về quê. Xe vừa ra khỏi ngoại ô thành phố, không khí đã khác. Con đường hai bên là cánh đồng đang mùa lấy nước đổ ải chuẩn bị cho vụ lúa xuân. Trên những ô ruộng trồng màu xanh rì những su hào, sà lách, cải cúc, súp lơ... người nông dân đang hối hả thu hoạch mang ra chợ bán lấy tiền sắm Tết. Người đi lại đông vui nhộn nhịp hơn ngày thường. Năm hết, các gia đình kéo nhau về quê ăn Tết là về với mẹ cha, ông bà, nguồn cội. Gương mặt ai cũng lấp lánh niềm vui. Cậu ấm lần đầu tiên được ăn Tết ở quê nên cái gì đối với đứa trẻ lớp bảy cũng lạ lẫm, mới mẻ, hỏi han đủ điều bên hai dì tôi nói cười rạng rỡ. Chiều ba mươi, khi mọi việc đã được sửa soạn chu toàn, tươm tất, đốt lửa chất nồi bánh chưng chờ đón giao thừa trong mùi khói hương ấm áp. Sau khi gọi điện cho mẹ, cậu ấm cuộn tròn trong lòng tôi say ngủ trong tiếng rì rầm truyện trò của người lớn. Trong câu chuyện có bóng dáng ông bà, những cái tết xưa, những người, những đồ vật... thân quen thuở thời tôi còn thơ ấu.
>>CẢM XÚC XUÂN: Cá nướng Thái Xuyên… vị của Tết
Giao thừa, tôi đánh thức cậu ấm dậy thắp hương cúng ông bà, đón năm mới sang. Giao thừa ở quê, không gian vắng lặng, thanh thoát trong ngan ngát nhang trầm. Tôi chắp tay khấn ông bà tổ tiên cầu xin một năm mới bình an, mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, tai ương dịch bện... sớm qua.
Đợi cháy hết gần tuần nhang, tôi hạ mâm cúng sau khi thắp thêm một tuần nhang nữa, bố con tôi và hai dì quây quần bên nhau ăn xôi gà, chè hoa cau. Điều này con tôi chưa từng được trải nghiệm vì tết ở thành phố, giao thừa mọi người cùng nhau lên chùa thắp hương, hái lộc rồi loanh quanh đi chúc Tết nhà người thân, tang tảng mặt người ra về ngủ vùi đến gần trưa ngày mùng một.
Cậu ấm lúc này đã tỉnh ngủ hẳn, sau khi vòng tay chúc tuổi hai bà và bố sà vào mâm đùa tếu: "Con tuổi sửu, đón tết con hổ, ăn cái đùi gà...". Hai dì tôi nhìn tôi rồi nhìn cháu cười vui. Tôi nhìn con lặng người vì nhận ra rằng con đã lớn chứ không còn bé dại như trong suy nghĩ của mình. Tôi xoa đầu con. Không gian thiêng lắng lại, như lặng đi. Bất ngờ, đang ăn cậu ấm bỏ dở cái đùi gà òa lên khóc, mếu máo kêu nhớ mẹ. Tôi xoa đầu con. Hai dì tôi vỗ về cháu ngoại, con trai lớn rồi giao thừa năm mới ai lại khóc, sẽ bị "dông" cả năm..
Trọn ngày mùng một tôi dắt cậu ấm đi chúc Tết họ hàng, người thân, láng giềng. Ngày Tết ở quê với trẻ con điều gì cũng mới mẻ khiến cậu ấm hỏi han luôn mồm. Đi cả ngày chừng như thấm mệt nên sau khi ăn bữa cơm tối con lên giường đi ngủ sớm. Tôi lái xe về thành phố thắp hương, ăn bữa cơm với vợ rồi sang chúc tết hàng xóm. Sáng hôm sau vợ chồng kéo nhau về quê.
Mùng 2 Tết ở quê cũng khác. Sau khi bày mâm cơm cúng ông bà tổ tiên, thắp tuần hương vòng, dì tôi chuẩn bị cầm cuốc ra đồng. Ở quê tôi ngày đầu năm mới, đã thành phong tục, chọn ngày mùng 2 tết người nông dân cầm cuốc ra đồng khai xuân. Năm nay, ngày tết trùng với lịch lấy nước đổ ải cấy vụ lúa xuân. Cậu ấm cũng theo ra đồng. Dọc đường làng, trên những bức tường vôi trắng là những ô bảng "lịch gieo cấy vụ chiêm xuân" kẻ bằng mực đỏ, trên đấy ghi rõ ngày làm đất, ngày gieo mạ, ngày nào bón phân, ngày nào phun thuốc trừ sâu...
Sáng mùng 2 Tết tốt ngày, người làng quê tôi cũng rủ nhau tranh thủ ra đồng bổ những nhát cuốc đầu tiên hi vọng mùa màng bội thu, ít thiên tai dịch bệnh. Dì tôi vác cuốc đi trước, tôi dắt con trai theo sau. Tiếng chào hỏi nhau, tiếng mọi người chúc Tết vang trong gió lộng. Cánh đồng vừa qua đợt lấy nước đổ ải mặt ruộng sâm sấp nước.
Dì tôi cuốc bùn, vạt cỏ. Tôi với con trai đi chân trần, xắn quần lội xuống ruộng. Lùa bàn chân xuống nước, sục sâu dưới bùn, đồng đất quê hương không lạnh mà nghe hơi ấm của đất lan tỏa.
Ngày xuân nắng đẹp trải vàng khắp mặt ruộng, ấm áp. Cậu ấm từ giây phút ban đầu còn bỡ ngỡ, xa lạ đã trở nên dạn dĩ, hòa cùng đám trẻ quê nghịch bùn, tiếng cười đùa rạng rỡ, trong trẻo. Sau khi bổ những nhát cuốc mở đồng, chúng tôi ra về. Cậu ấm nhanh nhảu theo đám trẻ chạy đằng trước, tôi vác cuốc cùng dì thong thả đi sau. Dọc đường làng, tiếng nói cười rộn rã, mọi người chào nhau, hẹn hò sang chơi chúc Tết. Làng quê ăm ắp xuân.
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phát động diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” khởi tạo không gian để bạn đọc viết lên những cảm xúc chất chứa tâm tư tiễn đưa năm cũ, đón năm mới; nguyện vọng, sáng kiến, hiến kế để thích ứng tốt hơn với dịch bệnh; phản ánh cô đọng các vấn đề của cuộc sống địa phương cũng như đất nước.
Bài viết có thể dưới dạng thơ hoặc văn xuôi, bút ký, tùy bút, tản văn,… gửi về địa chỉ email camxucxuan@dddn.com.vn.
Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.
Trân trọng cảm ơn.
Có thể bạn quan tâm