CẢM XÚC XUÂN: Tiếng khèn nghiêng ngả đêm tình Sapa

KHÁNH LINH 08/02/2022 11:00

Không dền dứ trước sau, chẳng ngại ngùng e thẹn, đêm trăng mờ mờ sáng, những bài dân ca Mông cất lên giữa vẳng vẳng núi rừng nghe da diết.

>>>CẢM XÚC XUÂN: Thả hồn vào mây núi Ngũ Chỉ Sơn

Và mùa con trai hát gọi con gái...”

Đêm Sa Pa nghiêng 23 độ 5. Xin nói ngay kẻo bạn hiểu nhầm, Sa Pa nghiêng không phải do động đất được đo bằng số độ richte mà đo bằng nồng độ rượu San Lùng. Làng nướng - trời ạ! - nghe thấy cứ giông giống cái địa danh người Hà Nội hay người Sài Gòn đặt cho những con phố lúc nào cũng khói mù khói mịt "thịt cháy xèo xèo, mỡ bắn vèo vèo".

Đây không phải lần đầu tiên tôi đặt chân đến Sa Pa, cũng chẳng ham hố để "rình" xem chợ tình phiên bản mới như các báo vẫn viết. Chẳng dại gì mà thấy đám đông xúm đen xúm đỏ trước sân nhà thờ mình cũng chen vào. Có gì đâu, hai vợ chồng người Mông tối thứ bảy nào cũng lặn lội từ đội 4, bản Tả Phìn bắt xe ôm vào thị trấn chồng khèn, vợ kèn (lá) kiêm cả hát để... "móc túi" khách du lịch, ấy là tôi nghe mấy tay hướng dẫn viên bỏ nhỏ với nhau như thế...

Diễn tấu khèn Mông

Rượu đã ngà ngà, anh chồng lấy cái khèn trong chiếc túi thổ cẩm đeo bên hông, nhìn vợ

Càng về khuya, tiết trời càng lạnh mặc dù bây giờ đang là giữa mùa hè. Tôi ngồi co ro trong một góc quán của chị Viễn giữa làng nướng, làm ấm bụng bằng mấy chén San Lùng trắng, thầm cười vào mũi thằng bạn ngốc nghếch đã từ chối đi cùng để bây giờ nhắn tin chiu chíu than vãn kể lể Hà Nội lúc này nhiệt độ ngoài trời còn cao hơn nhiệt độ cơ thể. Dường như khách du lịch cũng không còn bị chợ tình thời công nghiệp hấp dẫn nữa nên đã trở về khách sạn.

Hai vợ chồng người Mông đã kiếm đủ chắc cũng chẳng thèm buồn vì không còn việc để làm líu ríu đưa nhau vào chợ, dắt theo cậu con trai. Không cần phải mời mọc khách sáo nhiều, họ kéo ghế ngồi cùng với tôi, chào mâm luôn bằng đơn vị bát.

Người chồng bảo: "Vợ chồng mình gặp nhau chợ tình. Sa Pa đấy, vài phiên chợ là đồng ý lấy nhau luôn. Chợ tình ngày xưa khác với chợ tình bây giờ nhiều lắm...". Chị vợ thêm vào: "Đến chợ vì vui thôi, cả tuần đi làm nương nên thứ bảy nào cũng lên đây uống rượu chứ không phải biểu diễn để lấy tiền. Nhưng khách du lịch cứ cho nên lấy! Không cho cũng chẳng sao mà...".

Rượu vào, câu chuyện càng thêm mặn. Anh chồng 28, chị vợ 29 tuổi và đã có với nhau hai mặt con nhưng anh chồng Giàng A Vàng thỉnh thoảng vẫn nhìn trộm chị vợ Vàng Thị Ly nghe chừng đắm đuối. Cả cậu con trai lên 9 ít lời nãy giờ cứ ngồi lặng yên nghe chuyện nhưng rượu tuyệt nhiên không bỏ một vòng nào.

>>>CẢM XÚC XUÂN: Ăn Tết với đồng bào Cơ Tu

Chị chủ quán bảo tôi: "Đôi này yêu nhau lắm, nhưng thằng chồng tính hay ghen. Biểu diễn ở chợ tình, có hôm gặp phải ông khách du lịch hưng phấn quá nhảy vào bắt tay bắt chân lại còn hôn nhẹ lên má là thế nào dân Sa Pa cũng được chứng kiến cảnh thằng chồng say rượu chửi vợ bằng thổ ngữ líu ra líu ríu như chim. Chửi chán lại kéo nhau vào uống rượu, chẳng tối thứ bảy nào mà không say khật khưỡng...". Anh chồng nghe người khác "nói xấu" vợ chồng mình thì quay ra chống chế: "Tại nó đẹp quá ấy mà, phải giữ chứ không nó đi theo người khác thì sao?"...

Biểu diễn nghệ thuật tại SaPa

Biểu diễn nghệ thuật tại SaPa

Anh chồng thổ lộ: "Khách du lịch cho tiền vợ chồng mình cũng không vui lắm đâu!". Tôi hỏi vì sao? Chị vợ trả lời: "Cho rồi họ bắt vợ chồng mình biểu diễn hết bài này đến bài khác. Kêu mệt thì họ bảo trả lại tiền vì biểu diễn như vậy chưa đủ với số tiền họ đã cho...". Anh chồng tợp một ngụm rượu rồi cắt ngang lời vợ: "Mình bảo nó đừng lên đây nữa mấy lần nhưng nó không nghe. Nó bảo quen rồi, ở nhà buồn chân không chịu được!". Chị chủ quán mang thêm ra một chai rượu, góp lời: "Chai này tặng, không tính tiền đâu!", rồi quay sang tôi: "Nó nói đúng đấy!"...

Khuya. Rượu đã ngà ngà, anh chồng lấy cái khèn trong chiếc túi thổ cẩm đeo bên hông, nhìn vợ. Chị vợ hiểu ý thò tay vào vạt áo trước ngực lôi ra mấy chiếc lá cây rừng. Không dền dữ trước sau, chẳng ngại ngùng e thẹn. Đêm trăng mờ mờ sáng, những bài dân ca Mông cất lên giữa vẳng vẳng núi rừng nghe da diết: "Đã lên ngựa là không sợ sấm. Đã lên ngựa là không sợ gió. Đã đi là suốt đường vui. Đã hát là hát lời hay. Đôi ta không hát thì thôi. Đã hát là hát như cây nứa, cây vầu thi nhau mọc...".

Một đêm như thế, chẳng lý do gì để tôi từ chối lời mời của vợ chồng anh Giàng A Vàng, không "Căm pâu!", hết bát rượu chị chủ quán ham vui quên cả dọn hàng vừa rót tràn cung mây, có cớ để mà say chếnh choáng...

Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phát động diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” khởi tạo không gian để bạn đọc viết lên những cảm xúc chất chứa tâm tư tiễn đưa năm cũ, đón năm mới; nguyện vọng, sáng kiến, hiến kế để thích ứng tốt hơn với dịch bệnh; phản ánh cô đọng các vấn đề của cuộc sống địa phương cũng như đất nước.

Bài viết có thể dưới dạng thơ hoặc văn xuôi, bút ký, tùy bút, tản văn,… gửi về địa chỉ email camxucxuan@dddn.com.vn.

Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.

Trân trọng cảm ơn.

Có thể bạn quan tâm

  • CẢM XÚC XUÂN: Về đền Trần Thái Bình xem thi cỗ cá

    CẢM XÚC XUÂN: Về đền Trần Thái Bình xem thi cỗ cá "đặc biệt nhất trời Nam"

    09:47, 07/02/2022

  • CẢM XÚC XUÂN: Giữ một nét gì rất Huế...

    CẢM XÚC XUÂN: Giữ một nét gì rất Huế...

    02:00, 07/02/2022

  • CẢM XÚC XUÂN: Thả hồn vào mây núi Ngũ Chỉ Sơn

    CẢM XÚC XUÂN: Thả hồn vào mây núi Ngũ Chỉ Sơn

    11:00, 06/02/2022

  • CẢM XÚC XUÂN: Làng hoa giấy Thanh Tiên mang sắc xuân về cho xứ Huế

    CẢM XÚC XUÂN: Làng hoa giấy Thanh Tiên mang sắc xuân về cho xứ Huế

    02:02, 06/02/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
CẢM XÚC XUÂN: Tiếng khèn nghiêng ngả đêm tình Sapa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO