Các nhà sử học đã xác định Hưng Hà ngày nay là đất phát tích khởi nghiệp của nhà Trần cách đây hơn 700 năm...
>>>CẢM XÚC XUÂN: Thả hồn vào mây núi Ngũ Chỉ Sơn
Chỉ thực hiện nghi lễ
Đền thờ các vua Trần - người xưa gọi là Thái Đường Lăng, được coi là nơi phát tích, nơi sinh tồn phát triển và dựng nghiệp của triều đại nhà Trần. Cách đây hơn 700 năm, tại đây, các vị vua khai nghiệp nhà Trần sinh ra và khởi nghiệp.
Trong khuôn khổ lễ hội, phần lễ sẽ được tổ chức với lễ dâng hương tại mộ, tế mở cửa, lễ rước bộ, rước thủy, lễ bái yết, lễ giỗ Tổ. Phần hội diễn ra các hoạt động dân gian đặc sắc như: Thi cỗ cá, thi pháo đất, thi kéo lửa nấu cơm cần, thi gói bánh chưng, thi vật cầu...
Đây là dịp để các tầng lớp nhân dân, du khách thập phương tưởng niệm và tỏ lòng tri ân công lao của các vua Trần, Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cùng hoàng thân, quốc thích nhà Trần trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quốc gia Đại Việt.
Lễ hội đền Trần Thái Bình được tổ chức hằng năm góp phần đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh của du khách thập phương, tưởng nhớ, tri ân công lao của các thế hệ cha ông, nguyện cầu cho mưa thuận, gió hòa, mọi người được bình an, hạnh phúc, đất nước thái bình.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, UBND tỉnh Thái Bình có công văn gửi Sở Văn hóa - thể thao và du lịch và UBND huyện Hưng Hà thống nhất dừng tổ chức lễ hội đền Trần và Ngày hội Văn hóa - thể thao và du lịch năm 2022 do dịch COVID-19 còn phức tạp.
UBND tỉnh Thái Bình giao UBND huyện Hưng Hà tham mưu thực hiện các nghi lễ truyền thống của lễ hội đền Trần ở quy mô phù hợp, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý, kiểm soát, phòng dịch COVID-19 theo chỉ đạo của trung ương, của tỉnh và hướng dẫn của ngành y tế.
Bà Trần Thị Bích Hằng - phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - cho biết việc dừng tổ chức các hoạt động nói trên để tránh xảy ra hiện tượng tập trung đông người, không đảm bảo an toàn khi số ca COVID-19 cộng đồng có chiều hướng gia tăng.
Thi cỗ cá - phong tục "đặc biệt bậc nhất trời Nam"
Lễ hội Đền Trần - Thái Bình diễn ra từ ngày 13 - 18 tháng Giêng (ÂL) hằng năm với nhiều trò chơi dân gian độc đáo, mang đậm nét văn hóa truyền thống của vùng đất Long Hưng xưa, Hưng Hà ngày nay và gắn liền với Tổ tiên thời Trần; trong đó có hội thi cỗ cá ngoài ý nghĩa sâu sắc về văn hóa ẩm thực, thì tục thi cỗ cá còn để cho con cháu nhớ về thuở hàn vi của Nhà Trần làm nghề chài lưới.
Chính vì gắn bó với sông nước nên các vị Tiên tổ nhà Trần ghép tên mình với các loại cá như: Trần Kinh - Cá Kình, Trần Hấp - Cá Trắm, Trần Lý - Cá Chép, Trần Thừa - Cá Nheo, Trần Thị Dung - Cá Ngừ…
Hội thi cỗ cá hàng năm 8 thôn làng của xã Tiến Đức đều tham gia, chia làm các giáp. Cá dùng để làm cỗ trong hội thi là loại cá to, được nuôi từ đầu năm, khi bắt cá không được trật vẩy, gẫy đuôi, gẫy vây, khi làm cỗ cá được để nguyên vẩy.
Theo các cụ cao niên kể lại, cỗ cá có 2 loại: Cỗ cá đơn và cỗ cá kép, được bày trang trọng trên giá, mỗi giá có 8 vổ, mỗi vổ gồm có cá chép, cá mè, cá trắm, giò, chả, nem, mọc…
>>>CẢM XÚC XUÂN: Giữ một nét gì rất Huế...
Trước lễ hội đền Trần một ngày, những người thợ làm cỗ cá lành nghề đã tất bật với mâm cỗ cá kỳ công. Để có cá tiến vua, trước ngày thi từ nhiều tháng trời, các làng đã cử người có kinh nghiệm đi khắp nơi lựa chọn, tìm mua cá to, thường là cá trắm, cá chép, cá mè đem về ao thả. Người được chọn nuôi cá phải là người có uy tín trong làng, gia đình hòa thuận. Ngoài ra, ao thả nuôi cá phải sạch sẽ, thoáng mát, nước trong ao không ô nhiễm, sao cho cá đủ lớn theo trọng lượng mà làng quy định.
Cá để làm cỗ dâng lên vua phải đáp ứng đủ các tiêu chí như không được trật vẩy, gẫy vây, gẫy đuôi, phải nặng ít nhất từ 3,5kg trở lên và được lựa chọn cẩn thận, đặc biệt khi đã bắt lên thì cần bọc riêng từng con. Trước đây, cá không được cân mà các cụ cao niên tính trọng lượng của cá bằng vổ, mỗi vổ bằng độ dài ngang bàn tay, đo theo độ dài thân cá, từ mép đến chóp đuôi. Cá đạt tiêu chuẩn có độ dài bằng ba vổ.
Sau khi đã được mổ sạch, xát muối khử mùi tanh, những người làm cỗ cá lành nghề bắt tay vào khâu quan trọng nhất, đó là tạo hình cho cá. Có nhiều loại lá được lựa chọn như lá riềng, lá ổi, rau thơm... để nhồi vào bụng cá, qua đó cá trông không bị óp, giống như chưa mổ. Sau khi bụng cá đã căng tròn, lúc này, những người thợ lành nghề sẽ thực hiện công việc như của một bác sĩ phẫu thuật, khéo léo khâu lại vết vổ, làm cho bụng cá như liền lại. Chính bởi vậy, dù đã được làm sạch, cá vẫn có hình dạng như lúc ban đầu.
Các bậc cao niên trong làng Tam Đường kể lại: Kỳ công là vậy nhưng trước đây cá còn được làm ở mức độ khó, mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao hơn rất nhiều. Đã có nghệ nhân cẩn trọng đặt từng hạt gạo nếp cái dưới từng chiếc vẩy của thân cá. Sau khi hấp hoặc luộc cá, hạt gạo nếp tới độ chín, nở bung ra như những chấm hoa trắng nõn dưới vẩy cá, trông rất đẹp mắt. Kỹ năng làm cỗ cá như vậy cho đến nay chỉ còn lại qua truyền tụng.
Vào ngày thi cỗ cá, 8 giáp thuộc 8 thôn của xã Tiến Đức đều chuẩn bị những mâm cỗ cá thịnh soạn. Cá trắm, cá chép, cá mè được đặt trên gắng đóng bằng gỗ, tầng dưới là giò, nem, ninh, mọc, mỗi thứ 4 bát như tứ linh chầu xung quanh. Cỗ cá được kiệu bởi 4 nam thanh nữ tú, đi theo sau là các cụ cao niên và đội tế của thôn. Đoàn rước với trống rong cờ mở rợp trời đã tạo nên không khí náo nức, rộn ràng của làng quê trong ngày hội.
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phát động diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” khởi tạo không gian để bạn đọc viết lên những cảm xúc chất chứa tâm tư tiễn đưa năm cũ, đón năm mới; nguyện vọng, sáng kiến, hiến kế để thích ứng tốt hơn với dịch bệnh; phản ánh cô đọng các vấn đề của cuộc sống địa phương cũng như đất nước.
Bài viết có thể dưới dạng thơ hoặc văn xuôi, bút ký, tùy bút, tản văn,… gửi về địa chỉ email camxucxuan@dddn.com.vn.
Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.
Trân trọng cảm ơn.
Có thể bạn quan tâm
02:00, 07/02/2022
11:00, 06/02/2022
02:02, 06/02/2022
07:04, 05/02/2022
04:50, 05/02/2022
02:00, 05/02/2022
22:37, 04/02/2022
15:00, 04/02/2022
03:02, 04/02/2022
16:54, 03/02/2022
11:00, 03/02/2022
04:00, 03/02/2022
04:00, 03/02/2022