Cán cân thương mại đảo chiều ngoạn mục từ thâm hụt sang xuất siêu

LINH NGA 11/11/2021 04:00

Xuất khẩu tăng mạnh trong nửa cuối tháng 10 đã giúp cho cán cân thương mại đảo chiều ngoạn mục từ thâm hụt sang xuất siêu.

dfds

Mặc dù kết quả xuất siêu còn khiêm tốn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng là dấu hiệu hết sức tích cực trong bối cảnh nhập siêu nhiều tháng liên tiếp trước đó.

Số liệu thống kê sơ bộ mới được Tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy, kỳ 2 tháng 10 (từ ngày 16 đến ngày 31/10) đạt 28,72 tỷ USD, tăng 9,9% (tương ứng tăng 2,58 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 10/2021.

Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 10/2021 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 10 tháng đầu năm đạt 539,42 tỷ USD, tăng 22,6% (tương ứng tăng 99,54 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.

Trong kỳ 2 tháng 10, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,64 tỷ USD, qua đó đưa con số xuất siêu trong 10 tháng đầu năm đạt hơn 120 triệu USD. Mặc dù kết quả xuất siêu còn khiêm tốn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng là dấu hiệu hết sức tích cực trong bối cảnh nhập siêu nhiều tháng liên tiếp trước đó.

Sự bứt phá của hoạt động xuất khẩu được thể hiện ở: xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 10 đạt 15,68 tỷ USD, tăng 19,2% (tương ứng tăng 2,52 tỷ USD) so với kỳ 1 tháng 10/2021.

Các nhóm hàng xuất khẩu tăng mạnh như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 704 triệu USD, tương ứng tăng 40,1%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 629 triệu USD, tương ứng tăng 25,5%; giày dép các loại tăng 166 triệu USD, tương ứng tăng 43,1%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 153 triệu USD, tương ứng tăng 38,4%, thủy sản tăng 120 triệu USD, tương ứng tăng 31%...

ds

Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 153 triệu USD, tương ứng tăng 38,4% là một trong nhóm hàng xuất khẩu tăng mạnh.

Hết tháng 10, xuất khẩu của Việt Nam đạt 269,77 tỷ USD, tăng 17,4%, tương ứng tăng 40,02 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.

Về nhập khẩu, kỳ 2 tháng 10 đạt 13,04 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5% (tương ứng tăng 59 triệu USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 10/2021. Nhập khẩu kỳ 2 tháng 10 tăng ở một số nhóm hàng quan trọng như: điện thoại các loại và linh kiện tăng 286 triệu USD, tương ứng tăng 33,3%; xăng dầu các loại tăng 72 triệu USD, tương ứng tăng 53,1%...

Tính hết tháng 10, nhập khẩu của cả nước đạt gần 269,65 tỷ USD, tăng 28,3% (tương ứng tăng 59,5 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.

Trước đó, Tổng cục Thống kê cho rằng trong chu kỳ sản xuất, doanh nghiệp thường tập trung ký kết hợp đồng vào cuối năm trước hoặc đầu năm mới, đến quý 1, quý 2 là thời gian tăng nhập nguyên liệu và đến quý 3, quý 4 tập trung cho sản xuất.

Trên thực tế doanh nghiệp đã tăng nhập khẩu trong các tháng vừa qua là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhập siêu. Đến giai đoạn này doanh nghiệp đã giảm nhập khẩu tư liệu sản xuất và tập trung sản xuất để hoàn thành các đơn hàng nên việc xuất siêu thời gian qua một phần cũng do quy luật kinh doanh này.

Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam đang có trạng thái thuận lợi mặc dù không ít đứt gãy chuỗi xuất khẩu diễn ra. Giai đoạn tới chắc chắn sẽ tiếp tục mở rộng nếu nhu cầu thị trường thế giới bùng nổ như điện thoại, linh kiện, thiết bị điện tử. 

Cùng với đó, nhóm hàng nông sản có khả năng tiếp tục cán mức giá xuất khẩu cao hơn. Nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng, khoáng sản đặc biệt dầu khí xuất khẩu sẽ tăng giá do mùa đông đến nhu cầu năng lượng nhiên liệu tăng cao.

Do đó, cần tạo nguồn hàng, tăng tốc kiểm soát triệt để dịch bệnh để nối lại nguồn hàng, mở rộng quy mô sản xuất và thậm chí tăng quy mô xuất khẩu để bù lại cho thời gian gián đoạn, nhằm tận dụng triệt để cơ hội xuất khẩu, thậm chí tranh thủ khi các đối tác khác đang phải tập trung đối phó với dịch bệnh.

Bộ Công thương đã đưa ra dự báo xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt 600 tỉ USD trong năm nay, tức tăng hơn 10% so với năm 2020 (đạt 545,4 tỷ USD). Để đạt được con số này, Bộ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến thương mại ra các nước đặc biệt từ nay đến cuối năm. Việt Nam đang có thuận lợi khi khai thác hiệu quả các hiệp định tự do thương mại (FTA) và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng doanh nghiệp trong nước đang có lợi thế. Dự kiến từ nay đến cuối năm, Bộ Công thương sẽ tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách.

“Đặc biệt, Bộ sẽ làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía bắc. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước”, Bộ Công thương thông tin.

Có thể bạn quan tâm

  • Xây dựng các giải pháp đồng bộ  thông quan hàng xuất nhập khẩu

    Xây dựng các giải pháp đồng bộ thông quan hàng xuất nhập khẩu

    20:41, 26/10/2021

  • Động lực tăng trưởng xuất nhập khẩu những tháng cuối năm

    Động lực tăng trưởng xuất nhập khẩu những tháng cuối năm

    04:00, 25/10/2021

  • Xuất nhập khẩu 2021: 600 tỷ USD có trong tầm tay?

    Xuất nhập khẩu 2021: 600 tỷ USD có trong tầm tay?

    04:00, 18/10/2021

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Tháo gỡ khó khăn về thuế xuất nhập khẩu

    KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Tháo gỡ khó khăn về thuế xuất nhập khẩu

    04:10, 04/10/2021

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản gặp khó vì cước vận tải tăng

    KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản gặp khó vì cước vận tải tăng

    12:31, 25/09/2021

  • [Infographic]: Xuất nhập khẩu 8 tháng năm 2021 có gì đáng chú ý?

    [Infographic]: Xuất nhập khẩu 8 tháng năm 2021 có gì đáng chú ý?

    11:00, 16/09/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cán cân thương mại đảo chiều ngoạn mục từ thâm hụt sang xuất siêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO