Nhiều doanh nghiệp FDI muốn rời khỏi Trung Quốc nhưng còn do dự vì so sánh lợi thế với các quốc gia khác. Vậy cần làm gì để đón làn sóng dịch chuyển của các doanh nghiệp FDI.
Thuế quan và căng thẳng chính trị Trung Quốc - Mỹ ngày càng “phả hơi nóng” vào nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc. Khá nhiều doanh nghiệp chọn dời đi một phần, một bộ phận còn lừng khừng cân nhắc điểm đến.
Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy: Tâm lý bất an về môi trường đầu tư tại Trung Quốc đang tăng lên, tuy vậy, họ chưa bao giờ phủ nhận những lợi thế tuyệt vời tại đây. Thậm chí, thị trường Trung Quốc vẫn đóng góp doanh số chủ đạo với nhiều ngành nghề.
Nhiều chủ doanh nghiệp chọn Bangladesh, Campuchia, Myanmar, Việt Nam đầu tư cho tương lai. Tuy nhiên, vẫn có một số vấn đề hạn chế tại Đông Nam Á và Nam Á: Bất ổn chính trị, thiếu cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng thiếu đồng bộ, nguồn nguyên liệu thô kém phong phú, hoặc cơ sở vật chất chưa hoàn thiện.
Ngoài các yếu tố trên, mọi cuộc dịch chuyển hệ thống sản xuất đều khiến chi phí gia tăng đáng kể. Bài toán đặt ra là doanh nghiệp cần cân nhắc giữa chi phí di chuyển có thể bù trừ đáng kể chi phí thuế - nếu phía Mỹ hiện thực hóa đe dọa tăng thuế của ông Donald Trump.
Hơn nữa, một số doanh nghiệp cân nhắc thời hạn nhiệm kỳ của ông Trump, họ có thể chịu đựng 4-5 năm, sau đó tình trạng ổn định sẽ tái lập. Bởi theo đánh giá, những lợi thế gần như tuyệt đối tại Trung Quốc vẫn có thể duy trì tới vài thập kỷ.
Tình hình trên cho thấy, mỗi một quốc gia riêng lẻ khó lòng đáp ứng đòi hỏi từ nhà đầu tư, vì thế một số mô hình liên kết đã xuất hiện tại Đông Nam Á: mô hình kết hợp SG+ của Singapore để tận dụng lợi thế kinh doanh khi thiết lập các địa điểm sản xuất kép tại quốc gia này.
Cùng liên kết với các nước cận biên: Johor ở Malaysia; và các đảo Batam, Bintan và Karimun ở Indonesia, điều này sẽ cho phép họ khởi động các cơ sở sản xuất có tính hiệp lực, đa dạng hóa chuỗi cung ứng và mở rộng hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á.
Để đón làn sóng dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp FDI, nhiều quốc gia trong khu vực tiếp tục cải cách khuôn khổ pháp lý và thương mại để cải thiện điều kiện đầu tư kinh doanh; đồng thời đầu tư vào cơ sở hạ tầng và năng lực sản xuất tiên tiến. Các ưu đãi như kỳ hạn miễn thuế và trợ cấp tiền mặt cho các công ty muốn di dời các trung tâm sản xuất hoặc chuỗi cung ứng của mình sang Đông Nam Á.
Đơn cử, Singapore đang hiện đại hóa chuỗi cung ứng ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe. Môi trường kinh doanh thuận lợi, luật sở hữu trí tuệ chặt chẽ, mạng lưới nghiên cứu rộng lớn và các ưu đãi tạo ra điểm hấp dẫn để các công ty theo đuổi các cơ hội mới tại quốc gia này. Đáng chú ý, 6 trong số 10 công ty EMS hàng đầu thế giới hiện diện tại Singapore.
Nhiều công ty trong khu vực đang tận dụng các công nghệ kỹ thuật số như phương pháp sản xuất hiện đại, tương tác giữa người và máy, phân tích tiên tiến và trí tuệ nhân tạo để khắc phục những lo ngại về năng suất thấp.
Khi người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm xanh, bền vững, các nhà sản xuất phải tự tin rằng toàn bộ chuỗi cung ứng của họ tuân thủ các tiêu chuẩn mới. Cam kết thực hiện các hoạt động bền vững sẽ gây áp lực lên biên lợi nhuận và đòi hỏi các nhà sản xuất phải xem xét lại nhiều bộ phận trong chuỗi cung ứng của mình để cân bằng giữa kỳ vọng của người tiêu dùng và lợi nhuận.