Nêu thực trạng về việc phát triển và bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực hiện nay chưa được thực hiện hiệu quả, nhiều đại biểu đề nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ hơn về vấn đề này.
Tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tham gia chất vấn sáng 21/8, đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước nêu rõ, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu của các nông sản chủ lực nhằm tăng giá trị và sức cạnh tranh của nông sản, góp phần ổn định hoạt động xuất khẩu, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc phát triển và bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực của nước ta hiện nay chưa thực hiện hiệu quả.
Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian tới sẽ có giải pháp như nào để bảo đảm giá trị thương hiệu hạt điều, sầu riêng cũng như bảo vệ được quyền lợi và cải thiện đời sống của người dân?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, giải pháp trồng điều trong thời gian tới, cần phải ứng biến theo quy luật thị trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tổ chức mô hình khuyến nông, bản thân cây điều có đa tầng giá trị, bên cạnh đó, Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Bình Phước chế biến điều rất đa dạng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh Bình Phước cần đẩy mạnh sản phẩm OCOP về điều. Đồng thời, cần xây dựng chuỗi chia sẻ, liên kết giữa người trồng điều và doanh nghiệp chế biến điều.
Còn liên quan đến vấn đề sầu riêng, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thời gian tới Bình Phước sẽ tái cơ cấu lại ngành hàng sầu riêng.
“Không còn con đường nào khác, muốn xây dựng thương hiệu sầu riêng thì phải có Hiệp hội ngành hàng, trong đó có sự liên kết của các doanh nghiệp, các nhà vựa với bà con nông dân trồng sầu riêng để bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ký Hiệp định thư thứ 2 về sầu riêng chế biến như cơm sầu riêng, hạt sầu riêng, sầu riêng đông lạnh…
“Hiện chúng ta đã mở cửa ngành hàng sầu riêng với thị trường Trung Quốc. Do đó, chúng ta cần phải đưa sầu riêng trở thành sản phẩm quốc gia, xây dựng, thiết kế chính sách chung về sầu riêng cho nông dân, doanh nghiệp, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng… vì chúng ta hiện đang đi sau thị trường Thái Lan, Malaysia xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.
Tham gia trong phần tranh luận, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho biết, cử tri và Nhân dân tỉnh Bình Phước bày tỏ sự cảm ơn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quan tâm và có những hoạt động khảo sát thực địa tại Bình Phước. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đã có ý kiến trả lời đối với việc phát triển nông sản chủ lực của tỉnh Bình Phước nói riêng và của cả nước nói chung.
Tuy nhiên, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ ngành liên quan quan tâm hơn đến những chính sách đối với nông sản chủ lực là hạt điều và sầu riêng ở tỉnh Bình Phước cũng như trên cả nước nói chung.
Liên quan đến vấn đề này, tham gia tranh luận, đại biểu Leo Thị Lịch - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cũng cho hay, trong Báo cáo về làm rõ các vấn đề và trả lời chất vấn tại Kỳ họp trước, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đưa ra 04 giải pháp, chính sách hỗ trợ cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay 04 giải pháp này chưa được thể chế hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật là Nghị định trong thực hiện nội dung về thương hiệu nông sản.
Bên cạnh đó, ngày 8/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và phê duyệt Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam; và đến tháng 10/2024 tới đây cũng đã tròn 05 năm, nhưng ngành nông nghiệp vẫn chưa ban hành hướng dẫn để các cá nhân, nông dân và doanh nghiệp thực hiện.
Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cần có giải pháp rõ ràng hơn đối với phần trả lời của mình về vấn đề này.