Cộng đồng doanh nghiệp Việt đang gặp nhiều khó khăn khi gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu như cơ chế, chính sách riêng cho phát triển logistics xuất khẩu.
>>“Hộ chiếu xanh” để doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam đánh giá về việc doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo TS. Lê Duy Bình, hiện nay Việt Nam chưa có những cơ chế, chính sách riêng cho khuyến khích phát triển logistics xuất khẩu. Chuỗi sản xuất, xuất khẩu còn gặp vướng mắc theo các quy định của pháp luật hiện hành.
“Nhận thức và năng lực thực thi chính sách thúc đẩy xuất khẩu từ phía các doanh nghiệp cũng là hạn chế”, TS. Lê Duy Bình nói.
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, hiện Việt Nam có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng.
Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) Nguyễn Văn Hội đánh giá, mặc dù chuỗi cung ứng để tăng cường xuất khẩu đã dần được tái cấu trúc, nhưng đa số các doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam còn nhỏ lẻ, chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, Việt Nam được lựa chọn trở thành địa chỉ mới, từ cuối năm 2023 đến nay nhiều tập đoàn công nghệ lớn đã đặt sự quan tâm và đang dần chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam.
Có một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn tuy chưa đầu tư trực tiếp nhưng đã hướng đến khu vực sản xuất của Việt Nam để đặt hàng cung ứng nguyên liệu, thiết bị đầu vào cho sản xuất, bao gồm các doanh nghiệp công nghệ cao có uy tín toàn cầu như Apple, Amazon...
Tuy nhiên, dù có nhiều cơ hội nhưng việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp còn gặp không ít thách thức. Đơn cử, giá trị tăng trong các ngành công nghiệp, như chế biến chế tạo trình độ cao, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng còn thấp.
>>Công nghệ số Make in VietNam trong chuỗi giá trị toàn cầu
>>Doanh nghiệp Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu
“Ngành dệt may phần giá trị tăng có thể đạt 50%, nhưng ngành điện tử, máy móc thiết bị lại chưa đạt được con số này. Những ngành sản xuất công nghệ cao, thiết bị thông minh chỉ tham gia được khoảng 10%, đầu vào, còn lại chủ yếu phải nhập khẩu từ các nước Đông Bắc Á, Trung Quốc phục vụ cho lắp ráp, chế tạo và xuất khẩu”, TS. Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.
Để doanh nghiệp Việt Nam có thể gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, TS. Lê Duy Bình cho rằng điều này hoàn toàn phụ thuộc nhiều vào nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Tuy nhiên, những nỗ lực tự thân đó sẽ thuận lợi hơn nếu như các điều kiện về thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh thông thoáng, an toàn, để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư về công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, từ đó có thể tiếp cận sâu rộng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu”, TS. Lê Duy Bình bày tỏ.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics Trường Đại học RMIT cho rằng, “xanh hóa” trong sản xuất là chìa khóa để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá bền vững.
Theo khảo sát của Rakuten Insight năm 2023, có đến 84% người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm bền vững. Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, điển hình như Liên minh châu Âu đang triển khai các quy định và tiêu chuẩn môi trường chặt chẽ hơn đối với các sản phẩm và dịch vụ nhập khẩu vào khu vực này.
“Xanh hóa không còn là một lựa chọn mà là yếu tố thắng đơn hàng khi xuất khẩu. Xét trên góc độ chuỗi cung ứng, người mua đóng vai trò rất quan trọng trong việc giám sát và hợp tác để thúc đẩy xanh hóa”, TS. Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
01:06, 20/07/2023
14:40, 22/12/2022
01:18, 17/12/2022