Để đảm bảo phù hợp thực tiễn, góp ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, VCCI đề nghị, cân nhắc tính phù hợp trong một số quy định...
Trả lời Công văn số 3986/BXD-TTr của Bộ Xây dựng về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng (Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, khoản 3 Điều 3 Dự thảo liệt kê các tổ chức là đối tượng chịu tác động của Dự thảo, bao gồm: “Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp: …. và các đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện)”.
Theo VCCI, quy định này là chưa phù hợp, bởi chi nhánh, văn phòng đại diện không phải là các chủ thể pháp lý độc lập, thực hiện hoạt động nhân danh doanh nghiệp. Trong trường hợp này, đối tượng xử phạt vẫn phải là doanh nghiệp.
Do đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bỏ “các đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện)” tại quy d dịnh tại điểm a khoản 3 Điều 3 Dự thảo.
Bên cạnh đó, cũng theo VCCI, quy định: “Tổ chức được thành lập theo quy định của Luật Đầu tư gồm: Nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài” (điểm c khoản 3) về nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài là “tổ chức được thành lập theo quy định của Luật Đầu tư” là chưa phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư.
Bởi, nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài có thể là “cá nhân”. Luật Đầu tư không quy định về việc thành lập các tổ chức như quy định tại điểm c khoản 3 Điều 3 Dự thảo, Luật Đầu tư xác định như thế nào được xem là nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài. Khi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, có thể thành lập doanh nghiệp theo quy định của luật doanh nghiệp, lúc đó trở thành tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 Dự thảo.
Để đảm bảo tính phù hợp, VCCI đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định tại điểm c khoản 3 Điều 3 theo hướng là “nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư”.
Góp ý nội dung về vi phạm quy định ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực khi tham gia hoạt động xây dựng (Điều 7), VCCI cho hay, Điều 7 Dự thảo quy định xử phạt đối với chủ đầu tư có sử dụng nhà thầu nước ngoài đối với hành vi “để nhà thầu nước ngoài không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc không sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam theo quy định” (điểm b khoản 2) và “buộc chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu nước ngoài khắc phục, thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng liên danh với nhà thầu chính Việt Nam, sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam theo đúng quy định… đối với công trình chưa khởi công hoặc đang thi công xây dựng”.
Do đó, VCCI đề nghị cân nhắc lại quy định xử phạt đối với chủ đầu tư trong trường hợp này, bởi vì các nhà thầu thực hiện dựa trên hợp đồng. Chủ đầu tư không thể can thiệp để yêu cầu các nhà thầu thực hiện đúng theo cam kết trong các hợp đồng này được vì chủ đầu tư không phải là một bên trong hợp đồng này. Đồng thời, đề nghị bỏ quy định tại điểm b khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 7 Dự thảo.
Không chỉ có vậy, liên quan vi phạm quy định về đầu tư phát triển đô thị (Điều 14), theo VCCI, về hành vi thực hiện dự án đầu tư chậm so với tiến độ, khoản 1 Điều 14 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “Thực hiện dự án đầu tư phát triển khu đô thị chậm so với tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt”, “Chậm bàn giao công trình, hạng mục công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng, dự án đầu tư phát triển khu đô thị theo tiến độ đã được phê duyệt”.
“Theo quy định của pháp luật về đầu tư, bất động sản thì dự án đầu tư có thể thực hiện chậm so với tiến độ nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép gia hạn thời gian thực hiện dự án đầu tư. Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo loại trừ trường hợp các dự án đầu tư này được phép gia hạn”, VCCI góp ý.
Đồng thời, liên quan hành vi vi phạm về báo cáo, điểm d khoản 2 Điều 14 Dự thảo quy định xử phạt đối với “chủ đầu tư dự án khu đô thị không thực hiện giám sát, kiểm tra kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp người dân tự xây dựng nhà ở …”.
Theo VCCI, “kịp thời” là khái niệm chưa đủ rõ ràng, chưa tạo cách hiểu thống nhất giữa các đối tượng áp dụng, đề nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng định lượng hơn đối với quy định này.
Cùng với các nội dung đã nêu, góp ý Dự thảo VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc một số nội dụng liên quan đến quy định về: Vi phạm quy định về khởi công xây dựng công trình (Điều 15); Vi phạm quy định khi xảy ra sự cố công trình xây dựng, sự cố về máy, thiết bị (Điều 22); Vi phạm quy định về điều kiện năng lực hoạt động xây dựng (Điều 24); Vi phạm quy định về hoạt động kiến trúc (Điều 28); Vi phạm quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình đối với nhà thầu tư vấn quản lý dự án (Điều 37); Vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ bất động sản (Điều 60).