Cần những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp

Bài và Ảnh: NGÂN GIANG 29/02/2024 03:00

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch FFA, Phó chủ tịch Huba cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó các chính sách kích cầu, hỗ trợ trực tiếp, ưu tiên hướng đến người dân và doanh nghiệp.

>>Kích cầu tăng trưởng - Cần thực chất bằng chính sách thuế

Đó là chia sẻ của bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA), Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba), với PV Diễn đàn doanh nghiệp, xoay quanh các giải pháp hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn để ổn định lâu dài, bền vững.

bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA), Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba)

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA), Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba).

- Năm 2024, khó khăn và thách thức vẫn tiếp tục dồn lên vai các doanh nghiệp. Đâu là giải pháp căn cơ để các doanh nghiệp có thể tiếp tục vượt qua, thưa bà?

Nhiều dự báo từ đầu năm cho thấy năm 2024 sẽ bớt khó khăn khi kinh tế thế giới phục hồi. Tuy nhiên, hậu quả dai dẳng của đại dịch Covid-19, bất ổn địa chính trị … báo hiệu nguy cơ kinh tế thế giới tiếp tục trải qua nhiều khó khăn, thách thức.

Để vượt qua bối cảnh này, tôi cho rằng trong ngắn hạn các doanh nghiệp cần ưu tiên tập trung các giải pháp, như: linh hoạt điều chỉnh trong cung ứng sản phẩm cho phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, nhất là đáp ứng cho các thị trường trọng điểm. Bên cạnh đó, tăng cường các dịch vụ sau bán hàng; Kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào để chất lượng sản phẩm sau chế biến đảm bảo yêu cầu; Tăng cường đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ quản lý và điều hành; Đa dạng hóa nguồn cung ứng; Điều chỉnh và thiết kế hoặc đổi mới việc cung cấp sản phẩm để mở rộng sang các thị trường lân cận; tăng cường đầu tư hình ảnh thương hiệu và đẩy mạnh marketing; thiết kế lại các chương trình khách hàng thân thiết...

Đặc biệt, việc quản lý dòng tiền là một phần rất quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải cân đối các khoản đầu tư, thanh toán, công nợ, tồn kho và tiền mặt một cách chặt chẽ và hiệu quả nhằm tránh rủi ro đứt gẫy dòng tiền và giảm thiểu chi phí tài chính.

- Năm 2024 TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5%. Với vai trò là Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, bà có bình luận gì?

Tôi cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 7,5% của TP.HCM cho năm nay là một thách thức rất lớn, nhất là khi năm 2023 tăng trưởng Thành phố chỉ đạt 5,8%. Tuy nhiên, tôi rất kì vọng và tin tưởng Thành phố sẽ hoàn thành được mục tiêu này, nếu Lãnh đạo Thành phố vẫn tiếp tục giữ được tinh thần, quyết tâm cao độ và chủ động chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ ở hầu hết các sở ban ngành, địa phương như từ đầu năm đến nay.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó các chính sách hỗ trợ trực tiếp và cần ưu tiên hướng đến người dân và doanh nghiệp để ổn định, lâu dài và hiệu quả cho nền kinh tế.

TP.HCM cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó các chính sách hỗ trợ trực tiếp và cần ưu tiên hướng đến người dân và doanh nghiệp để ổn định, lâu dài và hiệu quả cho nền kinh tế.

Trên thực tế, Thành phố đã xây dựng kịch bản tăng trưởng cho từng quý và đã triển khai các giải pháp, biện pháp thúc đẩy tăng trưởng ngay từ đầu năm. Trong đó, chú trọng tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu cũng như là tìm kiếm và thực hiện các giải pháp mới thông qua việc triển khai Nghị quyết 98; thu hút nguồn lực đầu tư xã hội, mở rộng thị trường và đa dạng hóa các hình thức thương mại.

Ngoài ra, Thành phố cũng đang tập trung vào cải cách hành chính cho công tác điều hành để làm sao tăng hiệu quả của nền hành chính cũng như giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Với những nỗ lực này, trong tháng 1/2024, TP.HCM đã có kết quả đáng mừng khi chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 26,9% so với cùng kỳ 2023, doanh số bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 24,4 %, tổng vốn FDI đầu tư vào Thành phố tăng 48,5%, xuất nhập khẩu tăng 23,3%, giải ngân vốn đầu tư công cũng tăng 3,2 lần so với tháng 1/2023. Nhờ vậy, thu ngân sách của thành phố đã đạt được 16,7 % so với dự toán.

Dựa trên những con số tích cực vừa nêu cùng với các giải pháp đồng bộ và quyết liệt như vậy, chúng ta có thể kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Thành phố sẽ đạt mục tiêu 7,5% trong năm nay.

>>Dự án Vành đai 4 TP.HCM cần chính sách đặc thù

- Sản xuất - xuất khẩu, kích thích tiêu dùng nội địa và đẩy mạnh đầu tư công là mục tiêu xuyên suốt của TP trong năm 2024. Vậy, bà có hiến kế gì cho lãnh đạo TP để hoàn thành mục tiêu nêu trên? Các giải pháp đẩy mạnh sản xuất đối với các doanh nghiệp thực phẩm để kích cầu tiêu dùng, thưa bà?

Với vai trò Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) và Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba), thời gian qua, bản thân tôi và và hội đã tích cực và thường xuyên tham gia xây dựng và góp ý các chính sách, chiến lược, đề án phát triển của Thành phố cũng như phát triển ngành công nghiệp thực phẩm Thành phố. Hiện tại TP đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để tạo động lực hoàn thành mục tiêu chung nêu trên. Song, năm 2024, TP.HCM cũng cần có chính sách căn cơ hơn để tạo hiệu ứng kích cầu ổn định và lâu dài, như:

Một là, tăng cường những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và người dân để kích cầu sản xuất, tiêu dùng làm trọng tâm. Chẳng hạn, Nhà nước có thể có chính sách giảm giá trực tiếp cho thuê mặt bằng sản xuất, bán lẻ cho doanh nghiệp; tăng thêm mức hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế (chi phí vận chuyển, lưu trú, được tự túc đi thông qua các đơn vị dịch vụ lữ hành do doanh nghiệp chọn,….), giảm giá điện, nước và các mặt hàng tiêu dùng cho người dân…

Hai là, triển khai mạnh mẽ thực thi Nghị quyết 98 bằng việc: “phân cấp phân quyền rõ ràng trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, trong đầu tư công để bơm vốn vào thị trường ngay từ thời điểm đầu năm, bởi vốn đầu tư công sẽ là nguồn vốn dẫn dắt phát triển”. Song song đó, Thành phố cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp được tham gia dự thầu các dự án đầu tư công và được vay vốn từ chương trình kích cầu.

Ba là, chính sách quan trọng mà chính quyền Thành phố cần chú trọng nhiều hơn là hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp của Thành phố tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường mới, thị trường ngách ngoài Trung Quốc và Mỹ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, trong khi đây là những quốc gia có hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Đặc biệt, TP.HCM phải dẫn đường cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường này.

Bốn là, tiếp tục cải cách bộ máy quản lý hành chính theo hướng tinh giản thủ tục nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong việc đăng ký đầu tư, sản xuất và kinh doanh. Đặc biệt, đối với những quy định ngoài thẩm quyền của Thành phố nhưng đang gây khó khăn, bất cập cho doanh nghiệp thì Thành phố cần kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ để tháo gỡ triệt để cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó các chính sách cần ưu tiên hướng đến người dân và doanh nghiệp thì hiệu quả cho nền kinh tế mới rõ ràng và thành công được.

Trân trọng cảm ơn bà!

Có thể bạn quan tâm

  • Kích cầu tiêu dùng – Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

    05:00, 22/02/2024

  • Kích cầu tăng trưởng - Cần thực chất bằng chính sách thuế

    04:00, 26/12/2023

  • Kích cầu tiêu dùng

    03:05, 24/12/2023

  • Hàn Quốc kích cầu, hút khách du lịch Việt Nam

    01:20, 15/12/2023

  • Ngân hàng tung gói vay ưu đãi, kích cầu tiêu dùng cuối năm

    13:35, 12/12/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO