Sau lạm phát đã hạ nhiệt, các ngân hàng Trung ương trên thế giới lên kế hoạch giảm tốc độ tăng lãi suất thì trên TTCK VN, dòng vốn ngoại tiếp tục rót vào thị trường...
>>Dòng vốn ngoại tiếp tục chuyển dịch sang Việt Nam
Theo các chuyên gia, sau khi chỉ số sức mạnh đồng USD - DXY hạ nhiệt và kích thích đầu tư vào các tài sản rủi ro, dòng vốn ngoại tấp nập đổ vào thị trường chứng khoán VN (TTCK VN). Vì sao lại có hiện tượng lạ này?
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn - Chuyên gia tài chính, Việt Nam với tư cách là một thị trường cận biên, có mức định giá hấp dẫn (P/E 9,5 vào ngày 15/11/2022 so với P/E trung bình 5 năm là 14,75) sau một đợt điều chỉnh mạnh của thị trường trong năm 2022, đã hút dòng vốn mạnh từ khối ngoại.
Trong tháng 10, TTCK VN giảm mạnh đã kích hoạt dòng tiền giải ngân từ nhóm quỹ ETF và quỹ chủ động. Báo cáo của SSI Research cho biết, nhiều quỹ ETF lớn đã ghi nhận sự đảo chiều của dòng tiền sau nhiều tháng bị rút ròng và đón nhận lượng vốn vào khá tốt như VNDiamond (+835 tỷ đồng), VFM VN30 (+566 tỷ đồng), VanEck (+516 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, quỹ Fubon vẫn duy trì tốc độ giải ngân liên tục kể từ đầu năm 2022 và ghi nhận giá trị vào ròng 1.314 tỷ đồng trong tháng 10. Nhờ vậy, tháng 10/2022 được đánh giá là một trong những tháng thành công của các quỹ ETF với tổng giá trị dòng vốn vào ròng lên đến 3.134 tỷ đồng, cao thứ hai kể từ đầu năm 2022. Lũy kế từ đầu năm, các quỹ ETF đã thu hút thêm 11.412 tỷ đồng.
Tính riêng trong vòng tháng 11/2022, khối ngoại mua ròng 16.000 tỷ đồng gồm cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trên thị trường. Đây là một tháng gom ròng kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại của nhóm nhà đầu tư nước ngoài. Có thể nói, dòng tiền của khối ngoại đã phần nào kích hoạt tâm lý của nhà đầu tư trong nước, thanh khoản thị trường cải thiện mạnh thời gian gần đây có những phiên gấp đôi so với trước đó khi đạt ngưỡng gần 1 tỷ USD.
Trong những ngày đầu năm 2023, các nhà đầu tư Thái Lan tiếp tục gom chứng chỉ quỹ trên TTCK VN. Theo Sở GDCK Thái Lan (SET), tính đến hết ngày 4/1, lượng chứng chỉ lưu ký DR FUEVFVND (FUEVFVND01) dựa trên chứng chỉ quỹ DCVFM VNDiamond ETF do Bualuang Securities phát hành đã lập kỷ lục mới với gần 174 triệu đơn vị, tương ứng giá trị vốn hóa 5,83 tỷ Bath (~4.000 tỷ đồng). Tỷ lệ chuyển đổi giữa DR và chứng chỉ quỹ cơ sở là 1:1 đồng nghĩa với việc nhà đầu tư Thái Lan hiện đang gián tiếp sở hữu 174 triệu chứng chỉ FUEVFVND.
>>Cẩn trọng dòng vốn ngoại tháo chạy
Tiếp đó, chứng chỉ quỹ DCVFM VN30 ETF cũng được dòng tiền từ xứ Chùa Vàng gom mạnh thông qua kênh DR. Đến ngày 4/1, lượng DR E1VFVN30 (E1VFVN3001) do Bualuang Securities phát hành đã lên đến hơn 246 triệu đơn vị, tương ứng giá trị vốn hóa 6,4 tỷ Bath (~4.400 tỷ đồng). Tỷ lệ chuyển đổi cũng là 1:1 đồng nghĩa với việc nhà đầu tư Thái Lan đang gián tiếp nắm giữ hơn 246 triệu chứng chỉ quỹ E1VFVN30.
Theo ông Dương Văn Chung-Giám đốc Đầu tư CTCK MBS, nhà đầu tư nước ngoài là những người có vốn lớn, do đó họ có chiến lược đầu tư dài hạn, chứ không đầu tư ngắn hạn như nhà đầu tư cá nhân. Với lượng vốn lớn, nhà đầu tư ngoại sẽ thực hiện chiến lược mua gom dần để nắm giữ cho trung và dài hạn. Từ đó, khi thị trường hồi phục, biên lợi nhuận của họ sẽ tốt hơn những nhà đầu tư có tầm nhìn ngắn hạn.
Nếu như cách đây khoảng 20 năm, vốn ngoại là khái niệm khá xa lạ thì trong những năm gần đây, dòng vốn này đang dần khẳng định được vai trò quan trọng, có ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán. Theo thống kê, dòng vốn này một phần do 19 quỹ ETF đang đầu tư trên TTCK VN hiện có quy mô danh mục lên đến 3,3 tỷ USD. Khi các quỹ này giải ngân đã chấm dứt chuỗi bán ròng của nhà đầu tư nội lẫn ngoại trên TTCK VN
Trên những cơ sở vĩ mô này, các chuyên gia của chứng khoán Rồng Việt cho rằng, việc mua ròng của khối ngoại sẽ còn tiếp diễn cho tới khi nhà đầu tư nước ngoài mua đủ số lượng cần giải ngân. Ngoài ra, sắp tới nhà đầu tư sẽ chứng kiến quỹ đầu tư khác sẽ bắt đầu giải ngân, hiện nay hai nhóm chính đến từ quỹ đầu tư Đài Loan và Thái Lan, tuy nhiên thời gian tới còn một số nhà đầu tư đến từ Châu Âu, Mỹ sẽ giải ngân tiếp trong thời gian tới.
Theo đó, hoạt động mua ròng của các nhà đầu tư tổ chức kỳ vọng có thể kéo dài đến Quý 2/2023.
Theo số liệu thống kê của Fiinpro, trong giai đoạn từ tháng 08-10/2022, tỷ trọng nắm giữ tiền của các tổ chức là hai con số. Cuối tháng 10 con số này đang ở mức 12,7%, đây là mức khá cao so với bình quân thường ở mức dưới 5%. Trong quá khứ các năm 2019 và 2020 trung bình phải mất 6-8 tháng để tỷ trọng tiền mặt của các tổ chức cân đối quay trở lại …
Bên cạnh đó, theo dự báo của các tổ chức kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng khả quan 6-7% trong năm 2023. Trong khi đó, các nền tảng về vĩ mô khác bao gồm lãi suất, lạm phát và tỷ giá được kỳ vọng sẽ ổn định so với các quốc gia khác trong khu vực.
Nền kinh tế Trung Quốc phát tín hiệu sẽ mở cửa từng bước trong năm 2023. Sự trở lại của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng trái chiều lên triển vọng kinh doanh của các ngành nghề. Như vậy, giá cả các loại nguyên vật liệu mà Trung Quốc đóng vai trò cung ứng sẽ hạ nhiệt. Một số nhóm ngành sẽ có biên lợi nhuận cải thiện mạnh, bao gồm dầu khí, thực phẩm, dược phẩm, điện, thép, dệt may, thực phẩm và dược phẩm. Dự kiến dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy vào thị trường Việt Nam trong những tháng đầu năm…
Năm mới đã gõ cửa, hy vọng dòng vốn ngoại vẫn đang trỗi dậy sẽ cùng dòng vốn nội tiếp tục thăng hoa trên TTCK VN…
Có thể bạn quan tâm