Nghiên cứu - Trao đổi

Cần thiết ứng dụng công nghệ trong công tác hậu kiểm

Yến Nhung 19/05/2025 11:05

Để công tác hậu kiểm hiệu quả và giảm thiểu rủi ro việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt big data, AI và nền tảng số hóa quản lý doanh nghiệp là rất cần thiết.

Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đánh dấu bước ngoặt trong định hướng phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Nghị quyết không chỉ khẳng định vai trò then chốt của doanh nghiệp tư nhân trong tăng trưởng và đổi mới sáng tạo, mà còn thể hiện quyết tâm cải cách thể chế khi nhấn mạnh “chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nếu hậu kiểm chỉ là hình thức, thiếu công cụ giám sát hiệu quả và trách nhiệm giải trình rõ ràng, chính sách này có thể bị lợi dụng, gây ra hệ lụy nghiêm trọng.

Liên quan đến nội dung này, Luật sư Dương Văn Quý, Công Ty Luật TNHH First Counsel cho biết, trong một số lĩnh vực như an toàn thực phẩm hay xây dựng, việc áp dụng cơ chế hậu kiểm đã bộc lộ không ít hạn chế.

may10_2_5113d.jpg
Trong một số lĩnh vực như an toàn thực phẩm hay xây dựng, việc áp dụng cơ chế hậu kiểm đã bộc lộ không ít hạn chế - Ảnh: ITN

“Đã từng có những doanh nghiệp đưa thực phẩm bẩn ra thị trường, công trình xây dựng chưa đủ điều kiện nhưng vẫn được triển khai - tất cả chỉ bị phát hiện khi xảy ra sự cố nghiêm trọng. Những vụ việc như vậy cho thấy hậu kiểm, nếu không đi kèm kiểm tra đột xuất, dữ liệu minh bạch và phản hồi xã hội mạnh mẽ, thì rất khó tạo ra tác dụng răn đe. Tương tự, trong lĩnh vực giáo dục, y tế tư nhân hay môi trường, việc thiếu quy chuẩn giám sát và năng lực thanh tra đã khiến một số cơ sở hoạt động “trôi nổi”, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người dân mà không bị phát hiện kịp thời”, luật sư này chia sẻ,

Vì vậy, để hậu kiểm phát huy đúng vai trò là một bước tiến trong cải cách thể chế, Luật sư Dương Văn Quý đề nghị, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp bao gồm hoàn thiện pháp luật chuyên ngành; ràng buộc trách nhiệm giải trình; cơ chế phản hồi từ doanh nghiệp và xã hội; phân loại ngành nghề theo mức độ rủi ro.

“Đặc biệt là ứng dụng công nghệ quản lý, sử dụng dữ liệu lớn (big data), AI và hệ thống thông tin tích hợp để theo dõi tuân thủ theo thời gian thực, thay cho kiểm tra định kỳ thủ công”, luật sư Quý nhấn mạnh.

Đưa ra đề xuất cụ thể trong việc ứng dụng công nghệ quản lý để tránh “thả nổi” doanh nghiệp, đặc biệt là trong không gian công nghệ cao, PGS, TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế cho rằng, các cơ quan quản lý cần một cách tiếp cận linh hoạt nhưng chủ động, bao gồm áp dụng mô hình sandbox (vùng thử nghiệm có kiểm soát), đây là công cụ quản lý rủi ro hiệu quả được nhiều quốc gia áp dụng, như Anh, Singapore hay UAE. Việt Nam hiện cũng đang triển khai sandbox trong lĩnh vực fintech theo Quyết định số 1447/QĐ-TTg (năm 2023). Sandbox giúp doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới trong môi trường được giám sát chặt chẽ, từ đó vừa khuyến khích đổi mới vừa tránh rủi ro trên diện rộng.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nên phát triển khung pháp lý mềm (soft-law) như quy tắc đạo đức, tiêu chuẩn kỹ thuật và hướng dẫn tự nguyện để doanh nghiệp chủ động tuân thủ. Song song với đó, cần tăng cường năng lực dự báo và cảnh báo sớm, xây dựng cơ sở dữ liệu về rủi ro công nghệ và triển khai hệ thống giám sát thông minh có thể giúp nhà quản lý phát hiện sớm sai lệch.

“Đặc biệt trong AI, hệ thống đánh giá tác động (AI Impact Assessment) với sự tham gia của doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước. Cần khuyến khích cơ chế đồng quản trị, tạo diễn đàn đối thoại chính sách thường xuyên để cập nhật công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng bộ công cụ quản trị rủi ro phù hợp theo từng ngành”, chuyên gia này chia sẻ.

Đồng quan điểm, nhiều ý kiến nhấn mạnh, để công tác hậu kiểm hiệu quả và giảm thiểu rủi ro cho cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp, việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt big data, AI và nền tảng số hóa quản lý doanh nghiệp là rất cần thiết. Cơ quan quản lý có thể sử dụng công nghệ để theo dõi các chỉ số rủi ro, phân loại mức độ tuân thủ của doanh nghiệp theo ngành, từ đó triển khai hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm thay vì kiểm tra dàn trải. Về phía doanh nghiệp cũng cần đầu tư hệ thống lưu trữ điện tử, phần mềm kế toán, quản trị minh bạch để dễ dàng cung cấp dữ liệu, hạn chế sai sót và giảm thời gian thanh tra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần thiết ứng dụng công nghệ trong công tác hậu kiểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO