Sở KH&ĐT thành phố Cần Thơ vừa có báo cáo cho biết, tình hình quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau thành lập còn lạc hậu, kém hiệu quả.
Thành phố Cần Thơ hiện có trên 8.500 doanh nghiệp đang hoạt động, Sở KH&ĐT cho biết, mặc dù đã có quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhưng sự quan tâm thực hiện của các sở ngành và UBND các quận, huyện chưa nhiều. Mỗi địa phương quản lý một dữ liệu riêng, chưa có hệ thống điện tử tập trung nên việc quản lý doanh nghiệp còn lạc hậu, kém hiệu quả. Nhất là việc xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý của các cơ quan chức năng chưa thực hiện, chủ yếu sử dụng thông tin dữ liệu từ Sở KH&ĐT cung cấp.
Điển hình như Sở KH&ĐT và Cục Thuế thành phố đã chú trọng phối hợp rà soát, xử lý để thu hồi giấy chứng nhận doanh nghiệp của các doanh nghiệp vi phạm thuế. Trong năm 2019, đã thu hồi 15 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo yêu cầu của cơ quan thuế. Hiện tại, hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia và hệ thống thông tin đăng ký thuế đã liên thông điện tử để trao đổi dữ liệu. Tuy nhiên, dữ liệu vẫn chưa đồng bộ, việc lệch tình trạng hoạt động của doanh nghiệp giữa hai hệ thống xảy ra liên tục. Bởi vì tình trạng hoạt động của doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh do doanh nghiệp đăng ký (đang hoạt động, giải thể, tạm ngừng), còn tình trạng hoạt động của doanh nghiệp tại cơ quan thuế thực hiện theo quy định về thuế, hai loại tình trạng hoạt động này không thống nhất do quy định khác nhau.
Trong năm 2019, Sở KH&ĐT cung cấp thông tin cho 210 lượt cơ quan quản lý nhà nước (tòa án, công an, cục thi hành án dân sự...), 50 lượt tổ chức (doanh nghiệp, văn phòng luật sư) và cá nhân, chủ yếu bằng văn bản vừa lạc hậu vừa chậm. Quy định tại Điều 19 Nghị định số 96/2015/NĐ-CP: “UBND cấp tỉnh chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, phương án, cách thức trao đổi thông tin với cơ quan có liên quan và công khai thông tin; xây dựng hệ thống quản lý rủi ro về theo dõi và giám sát hoạt động của doanh nghiệp trong phạm vi chức năng quản lý nhà nước của mình.”. Sở KH&ĐT đánh giá, đây là nội dung rất mới, các địa phương đều lúng túng thực hiện, hiệu quả phối hợp quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập chưa cao.
Điển hình như đối với các doanh nghiệp FDI trước đây hoạt động theo giấy chứng nhận đầu tư chưa đăng ký cấp đổi nội dung đăng ký kinh doanh sang giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhưng đã bỏ trốn, ngừng kinh doanh đang rất khó xử lý. Bởi lẽ, dữ liệu doanh nghiệp chưa có trên hệ thống nên không thể áp dụng quy trình để thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Ngoài các loại hình doanh nghiệp do Sở KH&ĐT cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp còn có các loại hình doanh nghiệp khác (công ty đấu giá, công ty luật, văn phòng luật sư, công ty bảo hiểm…) không có trên hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia. Từ đó dẫn đến việc đối chiếu dữ liệu giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh cũng gặp khó vì không có thông tin.
Ngoài ra, thông tin phối hợp kém, trong lúc công tác thanh tra, kiểm tra được tất cả các cấp, các ngành thực hiện nên theo Sở KH&ĐT, dẫn đến số lượng trùng lặp của các ngành, lĩnh vực đối với một doanh nghiệp là rất nhiều. Nhất là chưa có quy định trình tự, cách thức, nội dung tiến hành kiểm tra, quyền và trách nhiệm của cơ quan kiểm tra và đối tượng được kiểm tra dẫn đến khâu triển khai thực hiện gặp khó khăn, lúng túng; dẫn đến tình trạng kiểm tra doanh nghiệp tràn lan, kiểm tra quá nhiều không có chất lượng làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Năm 2019, Cần Thơ tổng kiểm tra 630 lượt cơ sở thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; phát hiện 22 cơ sở vi phạm, phạt 143 triệu đồng, nhắc nhở 245 cơ sở; liên ngành kiểm tra 46 lượt cơ sở (vũ trường, quán bar, karaoke, massage, game bắn cá), phạt hành chính 11 cơ sở 158 triệu đồng. Bên cạnh, tiến hành 15 cuộc thanh tra, kiểm tra về đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường như xăng dầu, vàng trang sức mỹ nghệ, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, hàng đóng gói sẵn, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), điện – điện tử, nhãn hàng hóa; sở hữu công nghiệp: an toàn bức xạ và hạt nhân đối với 284 tổ chức, cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính 40 cơ sở hơn 251 triệu đồng.
Tuy nhiên, việc xử lý sau kiểm tra, thanh tra còn rất khó khăn. Chẳng hạn, doanh nghiệp có vi phạm về thuế, vi phạm điều kiện kinh doanh nhiều lần nhưng chủ sở hữu, thành viên, cổ đông lại tiếp tục thành lập doanh nghiệp mới để hoạt động. Hiện tượng sử dụng giấy chứng thực cá nhân (chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu) của người khác để đăng ký doanh nghiệp nhưng chủ giấy tờ đó không ký hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp hiện nay xuất hiện rất nhiều. “Những vấn đề này chưa có quy định xử lý”, báo cáo của Sở KH&ĐT cho biết.
Có thể bạn quan tâm