Theo thống kê sơ bộ, chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2021, có tới 25 dự án khu công nghiệp được phê duyệt cho thấy “sức nóng” của phân khúc này vẫn luôn dẫn đầu thị trường địa ốc.
Trong đó, các dự án khu công nghiệp được phê duyệt trong thời gian qua chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Bắc như Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình.
Cụ thể, tại Hải Dương, 4 dự án khu công nghiệp đã được Thủ tướng duyệt chủ trương đầu tư đầu năm nay đó là khu công nghiệp Gia Lộc của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Nam Quang với quy mô 197,94ha; khu công nghiệp Quốc Tuấn - An Bình với quy mô 80ha, tổng vốn 1.947 tỷ đồng; khu công nghiệp Phúc Điền với quy mô 214,57ha, tổng vốn 1.802 tỷ đồng và khu công nghiệp Kim Thành diện tích 164,98ha.
Tương tự, tại Bắc Ninh được phê duyêt 4 dự án là khu công nghiệp Thuận Thành I của Viglacera; khu công nghiệp Yên Phong II-A của Công ty Cổ phần hạ tầng Western Pacific; khu công nghiệp Gia Bình của Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Bắc Ninh; khu công nghiệp Gia Bình II.
Ở Vĩnh Phúc, 4 dự án được phê duyệt gồm khu công nghiệp Sông Lô I; khu công nghiệp Sông Lô II; khu công nghiệp Tam Dương I - khu vực 2; khu công nghiệp Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa khu vực II - giai đoạn 1.
Tại các tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, mỗi tỉnh được phê duyệt 2 dự án khu công nghiệp với quy mô từ 90 – 588ha.
Trong khi đó, tại khu vực miền Trung, có 6 dự án khu công nghiệp được duyệt lần lượt nằm tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Tại Bình Thuận, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Tân Đức có quy mô 300ha, tổng vốn 1.200 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Sonadezi Bình Thuận.
Ngoài ra, tại miền Nam, Thủ tướng đã duyệt chủ trương đầu tư dự án khu công nghiệp Đông Bình (Vĩnh Long) của Công ty Cổ phần Đầu tư TNI Vĩnh Long có diện tích 350ha, tổng vốn hơn 3.026 tỷ đồng.
Thống kê sơ bộ, tổng 25 dự án khu công nghiệp được phê duyệt có tổng vốn đầu tư hơn 46.584 tỷ đồng và tổng diện tích hơn 5.824ha.
Trên thực tế, trải qua các làn sóng dịch, bất động sản công nghiệp vẫn luôn là ngành được đánh giá có sự tăng trưởng lớn và triển vọng bậc nhất thị trường địa ốc. Theo báo cáo năm 2020 của Bộ Xây dựng, bất động sản khu công nghiệp là loại hình có sự tăng trưởng tích cực về cả giá thuê và tỷ lệ lấp đầy.
Trong đó, tại quý IV/2020, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các Khu công nghiệp 5 tỉnh, thành phố công nghiệp chính tại miền Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng) đạt 89,7%. Tương tự, tỷ lệ lấp đầy tại 4 tỉnh, thành phố công nghiệp chính tại miền Nam (Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An) đạt 87,0%.
Theo đó, bất động sản công nghiệp được kỳ vọng sẽ “dọn tổ đón đại bàng” của làn sóng di dời nhà máy khỏi Trung Quốc.
Tuy nhiên, dù đứng trước nhiều cơ hội, nhưng theo các chuyên gia, việc thu hút đầu tư nước ngoài vào bất động sản công nghiệp Việt Nam còn một số nút thắt cần tháo gỡ, như vấn đề liên quan đến hạ tầng và chi phí logistics; cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư lớn; thực hiện đủ các thủ tục về pháp lý…
Bên cạnh đó, một thực trạng đã và đang diễn ra quanh khu vực các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đó là tình trạng “sốt đất”, đẩy giá ăn theo quy hoạch.
Trong đó trường hợp mới nhất có thể kể đến là khu vực Cụm công nghiệp Lan Sơn 2 thuộc địa bàn 2 xã Lan Mẫu, Yên Sơn (huyện Lục Nam). Ngay trước khi có quyết định chính thức thành lập cụm công nghiệp, thị trường bất động sản tại địa bàn 2 xã trên đã trở nên cực kỳ sôi động với việc hình thành một số công ty môi giới, mua bán bất động sản ngay trên địa bàn xã.
Trước thực tế trên, Sở Xây dựng Bắc Giang đã yêu cầu UBDN các huyện, TP cần tăng cường công tác quản lý để đảm bảo ổn định thị trường bất động sản.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), nguồn lực các KCN ở nước ta hiện tại chỉ đủ phục vụ, thu hút các DN trong điều kiện bình thường. Nếu có một làn sóng vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam trong giai đoạn tới thì diện tích các KCN như hiện tại sẽ không đáp ứng đủ. Do đó, việc Chính phủ đồng ý phê duyệt nhiều KCN mới là rất cần thiết và kịp thời.
"Song, các địa phương có dự án khu công nghiệp vừa được phê duyệt cần “quản” chặt thị trường bất động sản, tránh các làn sóng đầu cơ, ôm đất, đẩy giá lũng loạn thị trường, gây khó khăn cho quá trình đền bù giải phóng mặt bằng xây dựng khu công nghiệp" - vị chuyên gia cảnh báo.
Có thể bạn quan tâm
Bất động sản công nghiệp vẫn trên đà tăng giá
08:00, 10/01/2021
Dự báo tích cực cho bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2021
06:20, 30/12/2020
Triển vọng tăng trưởng từ các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp
05:00, 25/12/2020
Đa dạng hóa địa điểm đầu tư bất động sản công nghiệp
15:14, 24/11/2020
Bất động sản công nghiệp: “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”
05:30, 24/11/2020