Công ty chứng khoán khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và có thể xem xét đưa margin về mức thấp hoặc đưa tỷ lệ margin về mức an toàn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/11, chỉ số VN-Index giảm 2,67 điểm (-0,18%) xuống 1.462,35 điểm. HNX-Index tăng 0,49 điểm (0,11%) lên 438,73 điểm. UPCoM-Index giảm 0,45 điểm (-0,41%) xuống 109,21 điểm.
Thanh khoản thị trường chứng khoán ở mức rất cao, tổng giá trị khớp lệnh đạt 42.957 tỷ đồng, tăng 23% so với phiên trước. Giá trị khớp lệnh sàn HoSE tăng 26% lên 35.848 tỷ đồng. Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng khoảng 1.200 tỷ đồng trên sàn HoSE ở phiên này.
Thị trường chứng khoán giảm điểm tương đồng với diễn biến thị trường chứng khoán thế giới khi các nhà đầu tư lo ngại trước thông tin chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng 10 đạt 6,2% YoY, ở mức cao nhất trong 30 năm qua.
Bộ Xây dựng cho biết bất động sản công nghiệp vốn là phân khúc tiềm năng của thị trường bất động sản, do Việt Nam đang dần trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp nước ngoài, giúp cổ phiếu ngành bất động sản khu công nghiệp tăng ở KBC (+4,1%), SZC (+2,8%).
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết nhu cầu nhập khẩu thủy sản nuôi của Brazil tăng rất mạnh, nửa đầu tháng 10/2021 tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Brazil đạt 47,4 triệu USD (+150% YoY), giúp cổ phiếu ngành thủy sản tăng ở ANV (+4,5%). Savills Việt Nam dự báo nhu cầu mạnh mẽ đối với bất động sản nhà ở trong quý 4 nhờ tăng trưởng nguồn cung, phục hồi tỷ lệ hấp thụ, giá bán sơ cấp duy trì ổn định, giúp cổ phiếu ngành bất động sản tăng ở NLG (+6,9%), KDH (+3,1%). Khối ngoại bán ròng ở HPG (-2,4%), VHM (-1,3%), GEX (+1,2%).
Nhận định xu hướng thị trường chứng khoán trong ngắn hạn, CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, áp lực điều chỉnh có thể gia tăng lên nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, đặc biệt YSVN tiếp tục cảnh báo rủi ro ngắn hạn tiếp tục gia tăng.
Điểm tích cực là dòng tiền vẫn chưa có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường chứng khoán mà dòng tiền đang phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu cho nên khi nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ điều chỉnh mạnh thì dòng tiền có thể dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Mức hỗ trợ gần nhất của chỉ số VN-Index là 1.434 – 1.439 điểm, đây là vùng hỗ trợ quan trọng trong ngắn hạn.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, YSVN khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và có thể xem xét đưa margin về mức thấp hoặc đưa tỷ lệ margin về mức an toàn. Đồng thời, các nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên xem xét mua mới ở tỷ trọng thấp để thăm dò cơ hội ngắn hạn.
Phân tích kỹ thuật, CTCK KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, vùng hỗ trợ quanh 1.450 (+-5) điểm đã tạo lực đỡ cho chỉ số và giúp trạng thái thị trường trở nên cân bằng hơn. Mặc dù vậy, thanh khoản gia tăng trong những phiên giảm điểm gần đây cho thấy rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh vẫn còn hiện hữu. Chỉ số cần sớm vượt vùng cản gần quanh 1.475 (+-5) điểm nhằm tránh rủi ro hình thành mẫu hình hai đỉnh. Do vậy, KBSV khuyến nghị nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ một phần vị thế bám theo xu hướng chính ở mức cân bằng và linh hoạt trading quay vòng phần còn lại, mua tại hỗ trợ - bán tại kháng cự để tăng hiệu quả cho danh mục.
CTCK MB (MBS) đánh giá, thị trường chung đã đi ngang ở vùng 1.470 điểm sang phiên thứ 4 liên tiếp. Dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường khi giá trị khớp lệnh ngày càng cao, bên cạnh đó khối lượng giao dịch khớp lệnh cũng vượt ngưỡng 1 tỷ cổ phiếu được trao tay trong vòng 10 phiên vừa qua.
Cơ hội trên thị trường vẫn tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khi các chỉ số Midcap và Smallcap đều lập các đỉnh cao mới. Với diễn biến như trên, khả năng dòng tiền còn tiếp tục dịch chuyển khỏi nhóm VN30, do vậy chỉ số chung vẫn ở trạng thái dao động trong khi độ rộng thị trường vẫn tích cực, nhóm cổ phiếu bất động sản, bất động sản khu công nghiệp, dầu khí,… tiếp tục đóng vai trò là nhóm dẫn dắt thị trường trong các phiên sắp tới.
CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận định, chu kỳ đi lên của thị trường đang vấp phải khó khăn bởi lượng hàng chốt lãi khá nhiều của nhà đầu tư. Tuy nhiên vẫn đang có sự phân hóa rõ nét và xuất hiện nhiều cổ phiếu vẫn tăng giá bất chấp thị trường điều chỉnh. “Chúng tôi vẫn theo quan điểm thị trường chưa xuất hiện tín hiệu tiêu cực, cũng như khuyến nghị nhà đầu tư cần tập trung nhiều hơn vào những nhóm ngành đang thu hút dòng tiền để tìm kiếm cơ hội đầu tư”, chuyên gia của VDSC khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm