Nhiều CTCK dự báo nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng trong 2023, do khó khăn của thị trường bất động sản, trái phiếu và tăng trưởng kinh tế chậm lại.
>>Giải bài toán nợ xấu giai đoạn cuối năm
Tại cuối 2022, theo số liệu của NHNN công bố, nợ xấu nội bảng dưới 2% (1,92%). Tuy nhiên, trong hệ thống, nhiều ngân hàng vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2022, cho thấy nợ xấu đang có diễn biến gia tăng.
Cụ thể, nếu như ở cuối quý III, những ngân hàng có nợ xấu cao vọt trong hệ thống và ở trên mức 2% là NCB (14,7%), VPBank (5,01%); VietBank (4,3%); BaoVietBank (3,2%), PGBank (2,98%); Bản Việt (2,80%); OCB (2,47%); AnBinh Bank (2,35%); VIB (2,35%); SHB (2,33%); Sài Gòn Bank (2,13%); Nam Á Bank (2,03%); thì những cái tên đáng chú ý về nợ xấu cũng đang lần lượt lộ diện trong quý IV.
Nếu loại trừ ngân hàng SCB do được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ giữa tháng 10, đến hiện tại, tỷ lệ nợ xấu NCB vẫn tăng cao. Tại cuối 2022, tổng dư nợ cho vay khách hàng của NCB ghi nhận tăng 14,6% so với đầu năm lên 47.722 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu vẫn cao do ngân hàng thực hiện phân loại lại nợ xấu, nợ quá hạn theo đúng tình trạng khoản nợ theo quy định của NHNN, đặc biệt là sau khi Thông tư 14/2021 hết hạn.
Trong khi đó, cùng với kết quả kinh doanh ghi nhận lợi nhuận vẫn ở nhóm đầu dù không có khoản thu nhập đột biến, và giữ “điểm son” về dẫn đầu vốn điều lệ, VPBank vẫn khó tránh nợ xấu hợp nhất (gồm Fe Credit) duy trì ở mức cao 4,73% tại cuối 2022. Theo báo cáo tài chính quý IV của VPBank, tách bạch nợ xấu riêng lẻ của ngân hàng mẹ chỉ 2,19%. Nợ nhóm 4 (nghi ngờ) và 5 (có khả năng mất vốn) cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước…
>>Nợ xấu nội bảng tăng cao, ngân hàng ráo riết rao bán nhiều khoản nợ
Tuy nhiên, bên cạnh những ngân hàng có nợ xấu tăng cao mà kết quả chưa cập nhật đầy đủ, một số NHTM đã công bố BCTC cũng cho thấy vẫn giữ được tỷ lệ nợ xấu nội bảng thấp.
Dẫn đầu nhóm chất lượng tài sản đẹp, nợ xấu “đẹp” vẫn là Vietcombank với 0,67%, bao phủ nợ xấu cao nhất hệ thống ngân hàng với khoảng 465%. BIDV cũng ghi nhận có tỷ lệ nợ xấu 0,9%, với tỷ lệ trang trải nợ xấu cũng được tăng lên đạt 245%, mức cao nhất của BIDV trong các năm gần đây. Techcombank, ngân hàng có phần được “săm soi” về câu chuyện trái phiếu, có tỷ lệ nợ xấu cũng ở mức 0,9%, tăng so với năm 2021 nhưng vẫn nằm trong nhóm thấp nhất toàn ngành, giữ tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu tích cực đạt 125%. Tương tự MBB cũng được cho có hệ lụy trái phiếu, đã ghi nhận số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 54% lên 5.030 tỷ đồng, trong đó dư nợ nhóm 5 ở mức 2.293 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với cuối năm 2021 (819 tỷ đồng), qua đó tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,9% lên 1,09% nhưng ở mức thấp hơn so với nhiều ngân hàng tại cuối năm. Sacombank nếu tính gộp nợ trái phiếu VAMC sẽ ở mức cao song chỉ tính tỷ lệ nợ xấu nội bảng, thì đã giảm từ 1,47% xuống còn 0,98%...
Nhìn chung, tại cuối 2022, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá, nhờ tích cực triển khai các giải pháp đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh nên tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn ở mức an toàn. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết dù nợ xấu được kiểm soát cơ bản nhưng vẫn có nguy cơ tăng trong năm 2023.
Trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng 2023, SSI Research dự báo tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng 26 điểm cơ bản, lên 1,71% tại các ngân hàng mà CTCK này phân tích (nhóm niêm yết), với tỷ lệ hình thành nợ xấu tăng lên 1,3% (từ khoảng 1% trong giai đoạn 2020~2022) dưới tác động của lãi suất cho vay cao hơn.
SSI Research cho rằng tuy nhiên, chi phí tín dụng vẫn đang có xu hướng thấp hơn khi giảm xuống 1,3% (từ 1,5% trong năm 2022) do bộ đệm dự phòng tín dụng vững chắc. Theo đó, trong kịch bản cơ sở của CTCK này, khi Nghị định 65 sửa đổi được ban hành, nợ xấu liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp sẽ không xuất hiện ngay trong năm 2023, nhưng vẫn là một rủi ro lớn cần theo dõi trong cả năm.
CTCK Yuanta Việt Nam cũng nhận định năm 2023, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành sẽ tăng nhẹ lên 1,65% (+10 điểm cơ bản YoY), một phần do Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hiệu lực. Ngoài ra, nợ xấu còn có thể tăng lên do các vấn đề liên quan đến ngành bất động sản, khi các điều kiện thanh khoản bị thắt chặt và thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt chẽ.
Thực tế Thông tư 14 đã hết hiệu lực từ tháng 6/2022 và nhiều ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ tái cơ cấu do ảnh hưởng Covid-19 vượt qua cả 3 năm theo lộ trình.
Rủi ro nợ xấu liên quan chặt với tình hình thanh khoản của các doanh nghiệp bao gồm bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp có thể nói, cùng với lãi suất cao trong môi trường thắt chặt tiền tệ chung, sẽ mang đến những thách thức “chuỗi” cho các ngân hàng bao gồm đảm bảo chất lượng tài sản lẫn giữ đà tăng trưởng.
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV và nhóm chuyên gia Viện Nghiên cứu & Đào tạo BIDV tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam cuối năm 2022 thậm chí còn nhận định: Dự báo nợ xấu của nền kinh tế năm 2023 sẽ gia tăng cùng với chính sách tiền tệ thận trọng của NHNN. Nợ xấu nội bảng có thể ở mức trên 2%, nợ xấu gộp khoảng 4%.
“Triển vọng năm 2023, lãi suất tăng sẽ làm tăng nghĩa vụ trả nợ của bên vay (cá nhân và doanh nghiệp), trong khi kinh tế phục hồi chậm lại, tăng trưởng thấp hơn, doanh nghiệp trong một số lĩnh vực khó khăn hơn do đơn hàng giảm, thị trường xuất khẩu thu hẹp (nhất là dệt may, da giày, điện tử, gỗ…) dẫn đến nợ xấu tiềm ẩn gia tăng”, các chuyên gia Viện BIDV dự báo. Đồng thời, xếp nợ xấu vào 1 trong nhóm 6 thách thức của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng trong năm nay.
Có thể bạn quan tâm
Cần chấp nhận nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp như một phần… “cuộc chơi”
04:00, 10/10/2022
Nguy cơ tăng nợ xấu
04:00, 04/09/2022
Điểm tựa nào thúc đẩy giải phóng nợ xấu cho ngân hàng?
05:00, 16/07/2022
Hết cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nợ xấu sẽ ra sao?
05:15, 29/06/2022