“Cánh cửa tỷ đô” cho dệt may Việt Nam

Bảo Loan 03/12/2018 09:29

Hiệp định CPTPP vừa đươc Quốc hội thông qua được coi là cánh cửa mở ra một cuộc chơi lớn không chỉ với cả nền kinh tế nói chung mà ngoài những thách thức còn mở ra cho ngành dệt may nhiều cơ hội.

Năm 2018 được coi là năm bản lề của ngành dệt may Việt Nam, mở ra cánh cửa mới với nhiều cơ hội và thách thức khi có những hiệp định có giá trị lên đến nghìn tỷ USD. Đây được xác định là một cuộc chơi lớn dành cho cả nền kinh tế nói chung và ngành dệt may nói riêng.

Cánh cửa tỷ đô

Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) đã kết thúc phiên họp và thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), dự kiến cuối năm 2018, và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào đầu năm 2019, đây là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU.

Ngoài ra, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP đã chính thức được ký kết ngày 9/3/2018giữa 11 quốc gia, mở ra cánh cửa bước vào thị trường khoảng 499 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 10,1 nghìn tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU đạt 31,2 tỉ USD, tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017 và nhập khẩu gần 10 tỉ USD từ thị trường này. Việt Nam xuất siêu tới 21,2 tỉ USD từ EU.

Như vậy, CPTPP và EVFTA là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay, cũng là cánh cửa để Việt Nam thu hút dòng vốn FDI lớn không chỉ với Nhật Bản, Hàn Quốc mà phải là Mỹ và EU.

Bên cạnh đó, các nước cũng đang nỗ lực hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand đúng hẹn vào năm 2019. RECEP dự kiến sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với khoảng 3,5 tỷ dân và chiếm 30% GDP toàn cầu.

Dệt may vẫn là ngành xuất khẩu chủ lực

Ngành may mặc triển vọng tăng trưởng khả quan và đồng thời vẫn là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong thời gian sắp tới với nhiều lợi thế cạnh tranh. Theo ông Cao Hoài Thanh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý Quỹ Bông Sen cho biết, ngành dệt may đang được chính phủ hỗ trợđể đón nhận các cơ hội đầu tư từ các hiệp định FTA như Nghị định 115/2015/NĐ-CP để phát triển công nghiệp hỗ trợ và chính sách tăng lương tối thiểu hàng năm. Ngoài ra, nước ta có cơ cấu lao động trẻ chăm chỉ, khéo léo với mức lương trung bình cho người lao động thấy trong khu vực ASEAN. Đây là lợi thế cạnh tranh mà hiếm có nước nào có được như Việt Nam để tận dụng phát triển và cạnh tranh trong chi phí nhân công.

Cao Hoài Thanh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý Quỹ Bông Sen (Phó chủ tịch tập đoàn Trường Tiền).

Ông Cao Hoài Thanh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý Quỹ Bông Sen (Phó chủ tịch tập đoàn Trường Tiền).

Bên cạnh đó, các sản phẩm may mặc của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu may mặc của Việt Nam tăng đều qua các năm và trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của cả nước. Trong 9 tháng đầu năm 2018 kim ngạch xuất khẩu dệt may mang về 22,6 tỷ USD,tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước, đặt mục tiêu phấn đấu năm 2019 kim ngạch xuất khẩu đạt trên 40 tỷ USD, tăng khoảng 14% – 15% so với năm 2018.

Các doanh nghiệp dệt may niêm yết

Hiện nay trên sàn chứng khoán có khoảng 21 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may với các cái tên nổi bật như: Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VGT), May Việt Tiến (VGG), Dệt may Thành Công (TCM), Sợi Thế Kỷ (STK), May Phú Thành (đã đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Trường Tiền).

Kết quả kinh doanh của ngành dệt may thuộc nhóm ngành tăng trưởng tốt nhất của TTCK 9 tháng đầu năm với nhiều cổ phiếu tăng trưởng ấn tượng. Có thể kể đến một vài cái tên đầu ngành như VGT 9 tháng năm 2018 đạt doanh thu 14.470 tỷ đồng, LNST đạt 213 tỷ đồng, VGG doanh thu đạt 7.427 tỷ đồng, LNST đạt 47 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp dệt may cũng đang tích cực tái cơ cấu, tập trung nâng cao năng lực quản trị, tìm kiếm các cơ hội gia tăng thị phần, tiếp cận các đơn hàng mới và thị trường mới. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, ứng dụng các công nghệ trong cuộc cách mạng 4.0 để bắt kịp xu hướng phát triển như vũ bão của ngành kinh tế, sẵn sàng với mọi cơ hội phía trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Cánh cửa tỷ đô” cho dệt may Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO