Bối cảnh kinh tế hiện nay đang tạo ra một cuộc chạy đua mới giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong việc tăng cường tầm ảnh hưởng, nhằm giành ưu thế ở khu vực chiến lược Ấn Độ Dương.
Từ đầu năm 2021, chính phủ theo chủ nghĩa cực đoan của Tổng thống Sri Lanka – ông Gotabaya Rajapaksa đã thêm nghệ vào danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm ngăn chặn dòng chảy của đồng bạc xanh ra khỏi hòn đảo này.
Trong khi đó, Maldives – một quốc đảo khác trong khu vực Ấn Độ Dương, cũng đã áp đặt các giới hạn việc sử dụng đồng USD để thanh toán các hóa đơn thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ. Cụ thể, tháng 9/2020, Ngân hàng Maldives đã đặt ra hạn mức áp dụng cho đồng USD. Theo đó, mỗi tháng các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở quốc đảo này chỉ được thanh toán không quá 250 USD cho các đơn hàng nhập khẩu.
Các chính sách tiền tệ của hai quốc gia Ấn Độ Dương có điểm chung là thể hiện nhu cầu tăng cường dự trữ ngoại tệ, cụ thể là đồng bạc xanh trong bối cảnh các khoản nợ quốc tế của cả hai quốc gia này đều đang gia tăng.
Và bối cảnh kinh tế này đang tạo ra một cuộc chạy đua mới giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong việc tăng cường tầm ảnh hưởng, nhằm giành ưu thế ở khu vực chiến lược Ấn Độ Dương. Mặc dù cả Ấn Độ và Trung Quốc đều không che giấu tham vọng kinh tế, tài chính và địa chính trị rộng lớn, nhưng cuộc chạy đua ở Sri Lanka và Maldives đã đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc cạnh tranh về tài chính cơ sở hạ tầng vốn đã diễn ra trong nhiều năm.
Theo cựu Tổng thống Maldives Mohamed Nasheed, chính phủ của Tổng thống đương nhiệm Ibrahim Solih đang đàm phán với Trung Quốc về khoản nợ trị giá hàng triệu USD với hy vọng Trung Quốc sẽ cho quốc gia này trì hoãn việc thanh toán các khoản nợ ít nhất trong vài năm tới.
Trung Quốc vốn luôn tự coi mình là "người bạn trong mọi hoàn cảnh" của Sri Lanka, đã bơm 500 triệu USD từ khoản vay hợp vốn 1,2 tỷ USD mà nước này cam kết giải ngân thông qua Ngân hàng Phát triển Trung Quốc. Thế nhưng số tiền nói trên vẫn chưa đủ để quốc đảo nhỏ bé vùng Nam Á phát triển, các nhà chức trách Sri Lanka hiện vẫn đang đàm phán với Bắc Kinh để trao đổi về một gói vay tiếp theo trị giá 1,5 tỷ USD.
Không có gì ngạc nhiên khi các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Colombo hoan nghênh các gói tài chính bổ sung. "Thỏa thuận cơ sở vật chất trị giá 700 triệu USD sẽ được hoàn tất giữa Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Bộ Tài chính Sri Lanka", người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Sri Lanka Luo Chong cho biết, "chúng tôi hiện đang rất tích cực thúc đẩy quá trình đàm phán này."
Trong khi đó ở Maldives, Ấn Độ đã hào phóng hơn với quốc gia láng giềng sau khi Đảng Dân chủ Maldives thân Ấn Độ của Tổng thống Solih đã giành chiến thắng trong cuộc đua bầu cử trước cựu Tổng thống Abdullah Yameen – vốn được biết đến là một chính trị gia nổi tiếng với các chính sách thân Trung Quốc và chống Ấn Độ. Tính đến thời điểm hiện nay, New Delhi đã tài trợ cho Maldives khoản tiền ước tính tới hơn 2 tỷ USD thông qua các khoản vay, viện trợ không hoàn lại, hạn mức tín dụng và hoán đổi tiền tệ.
Theo nhận định của Giáo sư Pankaj Kumar Jha tại Đại học Jindal Global, New Delhi: “Ấn Độ đã áp dụng cách tiếp cận trọn gói trong đó hoạt động dựa trên nhu cầu của các nước Nam Á trong việc hỗ trợ các quốc gia nàyhoàn thành các dự án ngắn hạn. Đồng thời, Ấn Độ cung cấp các khoản tài trợ và viện trợ có thể được tái cơ cấu thông qua các khoản trả chậm và các điều khoản hoàn trả phù hợp."
Mặc dù vậy, việc mới đây các cơ quan xếp hạng toàn cầu đã hạ chỉ số tín nhiệm tài chính đã khiến Maldives và Sri Lanka rơi vào cuộc khủng hoảng nợ, khiến các quốc gia Nam Á này không còn nhiều dư địa để tìm kiếm nguồn tài chính thay thế trên thị trường quốc tế.
Các nhà phân tích dày dạn kinh nghiệm không ngạc nhiên trước các biện pháp nghiêm khắc mà chính phủ Sri Lanka đã áp dụng để bảo toàn đồng bạc xanh vốn đang cạn kiệt của mình. Sự thay đổi chính sách này là "để giải quyết một vấn đề kinh tế vĩ mô là thâm hụt cán cân thanh toán ngày càng trầm trọng”, theo chuyên gia kinh tế Ganeshan Wignaraja tại Tổ chức Phát triển Nước ngoài có trụ sở tại London, cho biết Học viện. Ông cho biết thêm rằng "vấn đề cơ cấu dài hạn do sản xuất trong nước không phù hợp trong nông nghiệp và chế tạo dẫn đến phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu".
Nhưng trên tất cả Trung Quốc, Ấn Độ hay bất kể một cường quốc nào cũng đều đang phải hứng chịu nặng nề những thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra. Tăng trưởng của Trung Quốc đã sụt giảm và tác động lây lan tới khắp các nền kinh tế Châu Á. Các nền kinh tế đang phát triển gặp khó khăn về tài chính và bắt buộc phải đi tìm những nguồn tài trợ khác. Đây có lẽ là cơ hội để những đất nước như Sri Lanka hay Maldives hướng tới những khoản vay từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc. Chưa kể đến khả năng chính bản thân Bắc Kinh cũng đang phải trích xuất các khoản dự trữ tiền tệ và tài chính riêng của mình để khắc phục hậu quả kinh tế và xã hội mà khủng hoảng y tế gây nên.
Lợi thế duy nhất của Bắc Kinh trong những cuộc đam phán “vay – trả” này đó là Trung Quốc dễ dàng giải ngân mà không đòi hỏi quá nhiều về những điều kiện trong lĩnh vực chính trị, hay minh bạch chống tham nhũng. Khi giải ngân những gói vay như vậy thì Trung Quốc cũng có lợi khi Bắc Kinh được bảo đảm rằng những “con nợ” của mình sẽ không về hùa với phương Tây. Trong bối cảnh đó, bất chấp những rủi ro như trên, các nền kinh tế đang phát triển tại Châu Á nói chung, đặc biệt là khu vực Nam Á sẽ tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán, cầu viện Bắc Kinh rót vốn xây dựng những dự án khổng lồ!
Có thể bạn quan tâm
Vỡ nợ trái phiếu Trung Quốc: Hậu quả từ đầu tư công không hiệu quả
06:30, 01/04/2021
Trung Quốc tiếp tục “khiêu khích” ở Biển Đông
04:00, 01/04/2021
Cú trượt dài của ông trùm bất động sản Trung Quốc
03:15, 01/04/2021
Ẩn họa khi Trung Quốc gỡ “bom nợ”
05:03, 27/03/2021
Chính phủ Mỹ "quyết" giành ưu thế trong cuộc đua công nghệ với Trung Quốc
06:04, 26/03/2021