Trung Quốc tiếp tục “khiêu khích” ở Biển Đông

LAM SONG 01/04/2021 04:00

Trung Quốc dường như không có xu hướng hạ nhiệt ở Biển Đông.

Ảnh chụp vệ tinh tại đá Ba Đầu hôm 23-3, lúc nhiều tàu Trung Quốc quy tụ - Ảnh: AFP/Maxar Technologies

Ảnh chụp vệ tinh tại đá Ba Đầu hôm 23/3, lúc nhiều tàu Trung Quốc quy tụ - Ảnh: AFP/Maxar Technologies

Câu chuyện tàu Trung Quốc dàn ở đá Ba Đầu là tâm điểm của dư luận quốc tế suốt tuần qua. Sự xuất hiện của hơn 220 tàu Trung Quốc xung quanh Đá Ba Đầu tại cụm đảo Sinh Tồn qua các hình ảnh được Philippines công bố đánh dấu một bước leo thang nguy hiểm ở Biển Đông.

Mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết các tàu Trung Quốc xuất hiện ở Đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam là “tàu cá” đang trú ẩn trong điều kiện thời tiết xấu. Tuy nhiên, theo thông tin của Lực lượng chuyên trách biển Tây Philippines (NTF-WPS), dù thời tiết quang đãng nhưng những tàu của Trung Quốc vẫn không tham gia hoạt động đánh bắt, mà chỉ bật nhiều đèn màu sáng trắng lên vào ban đêm.

NTF-WPS cho rằng sự việc trên gây quan ngại về khả năng Trung Quốc đánh bắt quá mức và hủy diệt môi trường biển, cũng như gây nguy cơ đối với an toàn hàng hải. Philippines ngay sau đó thúc giục Trung Quốc đưa các tàu này ra khỏi khu vực. 

Rất nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về “những hành động gây bất ổn” có thể làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Australia ngày 24/3 cho biết, nước này lấy làm lo ngại về việc Trung Quốc thực hiện động thái như vậy trên tuyến đường biển quốc tế, đồng thời khẳng định tất cả các quốc gia cần phải tôn trọng pháp quyền.

Trong tuyên bố trên trang Twitter, Đại sứ Australia tại Philippines Steven Robinson nhấn mạnh: “Chúng tôi rất lo ngại về những hành động gây bất ổn có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực”. “Australia ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Biển Đông – tuyến đường biển quốc tế quan trọng cần phải được quản lý bởi các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982”. - Ông Steven Robinson cho biết thêm.

Tuyên bố của Australia được đưa ra một ngày sau khi Mỹ và Nhật Bản lên tiếng về vấn đề này. “Các vấn đề về Biển Đông liên quan trực tiếp đến hòa bình, ổn định và là mối quan tâm của tất cả các bên. Nhật Bản phản đối mạnh mẽ bất cứ hành động nào làm gia tăng căng thẳng. Chúng tôi ủng hộ việc thực thi pháp quyền ở Biển Đông và phối hợp với cộng đồng quốc tế để bảo vệ các vùng biển tự do, rộng mở và hòa bình”, Đại sứ Nhật Bản tại Philippines Koshikawa Kazuhio thông báo trên trang Twitter ngày 23/3.

Trong một tuyên bố ngày 23/3, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Trung Quốc "ngừng sử dụng lực lượng dân quân biển để đe dọa và khiêu khích những bên khác". “Chúng tôi chia sẻ quan ngoại với đồng minh Philippines về sự xuất hiện của các tàu dân quân biển Trung Quốc gần Đá Ba Đầu. Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt việc sử dụng lực lượng dân quân biển nhằm khiêu khích và đe dọa các quốc gia khác, gây tổn hại hòa bình và an ninh trong khu vực", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói.

Hình ảnh các tàu Trung Quốc tập kết xung quanh Đá Ba Đầu. Ảnh: NTF-WPS.

Hình ảnh các tàu Trung Quốc tập kết xung quanh Đá Ba Đầu. Ảnh: NTF-WPS.

Về phía Việt Nam, ngày 25/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của UNCLOS 1982 về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và tuyên bố của các bên về cách ứng xử ở Biển Đông DOC, làm phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (COC).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. "Là quốc gia ven biển và là thành viên của UNCLOS 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập bởi công ước này", bà Hằng nói.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện công ước, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng đến quá trình đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc; đồng thời yêu cầu Trung Quốc đóng góp vào việc duy trì hòa bình an ninh ổn định và trật tự pháp lý trên biển trong khu vực.

Mới đây nhất, giới chức quốc phòng Nhật Bản cảnh báo rằng bất kỳ ý đồ làm tổn hại những lợi ích hợp pháp của Nhật cũng như những nước khác và khuấy động căng thẳng ở biển Hoa Đông và Biển Đông là hoàn toàn không thể chấp nhận. Quan chức quốc phòng Nhật đưa ra cảnh báo trên trong cuộc họp trực tuyến gần đây với những người đồng cấp Trung Quốc, theo Đài NHK hôm nay 30/3. Phía Nhật còn cảnh báo về bất kỳ ý đồ đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở biển Hoa Đông và Biển Đông.

Giới chức Nhật cũng bày tỏ quan ngại về luật Hải cảnh mới của Trung Quốc. Luật này, có hiệu lực từ ngày 1.2, cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc nổ súng chống lại tàu nước ngoài trong cái gọi là vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.

Trước làn sóng phản đối liên tục như vậy, nhưng việc tàu Trung Quốc vẫn không rời khu vực đá Ba Đầu, kèm theo màn tuyên bố tập trận ngày 29-30, Bắc Kinh dường như muốn thể hiện rằng họ không có ý định xuống thang căng thẳng.

Bình luận trên SCMP, TS Collin Koh Swee Lean (Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore) cho rằng cuộc tập trận này dĩ nhiên sẽ góp phần vào căng thẳng trong khu vực. Vì vậy, dù lúc này tình hình có vẻ yên ổn khi tất cả duy trì kiềm chế, không có gì đảm bảo sự yên ổn này sẽ tiếp tục. 

"Tôi cho rằng Trung Quốc có thể đang gửi tín hiệu về ý định đáp trả, hoặc chính xác hơn là leo thang đáp trả, nếu Philippines hay các nước khác có hành động trực tiếp nhằm vào các con tàu đang neo ở đá Ba Đầu. Vì vậy, đây là một tín hiệu nhắm vào việc ngăn chặn Philippines, và mở rộng ra là người Mỹ nếu Mỹ có biểu hiện can thiệp". - TS Collin Koh Swee Lean nói.

Thiếu tướng, GS. TS Nguyễn Hồng Quân - nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược quốc phòng. Ảnh: Gia Chính

Thiếu tướng, GS. TS Nguyễn Hồng Quân - nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược quốc phòng. Ảnh: Gia Chính/VnE

Trả lời phỏng vấn trên VnExpress, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân - nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng cho rằng, việc Trung Quốc dùng tàu cá do dân quân biển chỉ huy, với sự hộ tống của tàu hải cảnh nhằm từng bước thực hiện tham vọng phi pháp độc chiếm Biển Đông.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, yếu tố đóng vai trò chủ yếu gây nên nguy cơ xung đột ở Biển Đông đó là tham vọng bá quyền phi pháp của Trung Quốc. Trung Quốc muốn độc quyền quản lý, tiến tới độc chiếm Biển Đông để hiện thực hóa giấc mơ trở thành cường quốc. Trung Quốc muốn lấy Biển Đông làm nơi xuất phát các hạm đội tàu ra Thái Bình Dương, ra các đại dương. Đây còn là một trong những điểm để Trung Quốc triển khai chiến lược trong sáng kiến "Vành đai - Con đường".

Trong khi đó, Mỹ và nhiều nước lớn không muốn vùng biển quốc tế nào bị hạn chế đi lại. Mỹ coi Biển Đông là một trong những điểm quan trọng của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cuộc cạnh tranh Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt, lôi kéo thêm một số nước lớn tham gia. Thời gian gần đây, các nước lớn không ngừng gia tăng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông không chỉ với tàu chiến, máy bay chiến đấu mà còn có cả tàu sân bay, máy bay ném bom chiến lược. Vậy nên, mức độ căng thẳng và nguy cơ xung đột trên Biển Đông thời gian qua nặng nề, khẩn trương hơn so với trước đây.

Trước những diễn biến mới ở Biển Đông, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã và đang triển khai các biện pháp đồng bộ, nỗ lực cao nhất để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ở góc độ nghiên cứu, chúng tôi nghĩ rằng, trước mắt Việt Nam cần tiếp tục các biện pháp khẳng định chủ quyền biển đảo bằng bằng chính trị, ngoại giao và trên thực địa.

Về ngoại giao, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân  cho rằng, Việt Nam tiếp tục thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong khối ASEAN để đàm phán COC hiệu quả, thực chất, đúng luật pháp quốc tế. COC phải có tính pháp lý ràng buộc, trong đó nêu rõ các nước không xây dựng đảo nhân tạo; không quân sự hóa các thực thể; không chặn các tàu chở hàng tiếp tế hoặc luân chuyển nhân sự; không thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ); không đe dọa sử dụng vũ lực khi giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Liên quan đến vấn đề này, PGS-TS Vũ Thanh Ca, giảng viên cao cấp ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho rằng, Việt Nam và các nước xung quanh Biển Đông cần luôn cảnh giác, theo dõi những động thái của Trung Quốc để có đối sách phù hợp. Đối với những hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế, Việt Nam cần kết hợp tốt các hình thức đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý trên cơ sở tạo sự đồng thuận với các nước xung quanh Biển Đông và các nước ASEAN khác. 

Vẫn theo PGS-TS Vũ Thanh Ca, Việt Nam và các nước ASEAN nói chung và các nước xung quanh Biển Đông nói riêng cần tiếp tục hợp tác mạnh mẽ hơn với các nước ngoài khu vực để đảm bảo sự thực thi của luật pháp quốc tế, duy trì tự do hàng hải, hàng không, hòa bình và ổn định trên Biển Đông.

"Chỉ có tạo thành một mặt trận rộng khắp toàn thế giới mới có thể kiềm chế được Trung Quốc. Đặc biệt, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển phải luôn kiềm chế để không tạo cớ cho Trung Quốc gây chiến tranh, nhân cơ hội chiếm đảo và chiếm biển".- PGS-TS Vũ Thanh Ca nhấn mạnh.

Từ năm 2009, Trung Quốc đã đưa dân quân biển tham gia nhiều vụ đụng độ đáng chú ý trên Biển Đông, như quấy rối tàu Impeccable của Mỹ năm 2009 tại phía nam đảo Hải Nam; hỗ trợ hải quân Trung Quốc chiếm bãi cạn Scaborough năm 2012; hỗ trợ tàu Hải Dương 981 thăm dò trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam năm 2014; đánh cá trộm tại vùng biển Indonesia năm 2016; quấy rối tàu thăm dò dầu khí của Malaysia tại bãi Luconia năm 2019; hộ tống, bảo vệ tàu Hải Dương 8 hoạt động thăm dò trái phép tại Bãi Tư Chính của Việt Nam tháng 7/2019...

Dân quân biển Trung Quốc ngày càng được tăng cường trên Biển Đông nhằm đảm bảo sự hiện diện thường xuyên, lâu dài, kiểm soát xung đột, lâu dần biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp, vùng tranh chấp thành vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc, tiến tới độc chiếm Biển Đông mà không gây ra xung đột với nước nào. Đó chính là mục đích sâu xa việc Trung Quốc sử dụng tàu dân quân biển.

Tham khảo: 

https://vnexpress.net/trung-quoc-dang-dung-chien-thuat-vung-xam-o-bien-dong-4255200.html

https://tuoitre.vn/trung-quoc-dang-tang-khieu-khich-o-bien-dong-ra-sao-20210328215213782.htm

https://plo.vn/quoc-te/tram-tau-trung-quoc-o-da-ba-dau-pham-phap-nghiem-trong-975082.html

Có thể bạn quan tâm

  • Sách lược mềm dẻo ở Biển Đông

    05:30, 30/03/2021

  • Tàu Trung Quốc tại Đá Ba Đầu: Bước “leo thang” nguy hiểm ở Biển Đông

    05:08, 26/03/2021

  • Trung Quốc lại “đun sôi” Biển Đông

    05:27, 10/03/2021

  • Đồng minh của Mỹ "hợp lực" đối phó Trung Quốc trên Biển Đông

    05:15, 04/03/2021

  • Căng thẳng Biển Đông tiếp tục leo thang

    04:00, 02/03/2021

  • Việt Nam nói gì về hoạt động của tàu chiến Mỹ ở Biển Đông thời ông Biden?

    18:12, 25/02/2021

  • Mỹ tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông

    15:31, 24/02/2021

  • “Qủa bom hẹn giờ” trên Biển Đông

    05:30, 22/02/2021

  • Càng lấn sâu vào Biển Đông, Trung Quốc sẽ càng bất lợi (Bài 2)

    05:30, 19/02/2021

  • Càng lấn sâu vào Biển Đông, Trung Quốc sẽ càng bất lợi (Bài 1)

    10:00, 18/02/2021

  • Việt Nam có thể làm gì ở Biển Đông?

    06:32, 05/02/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trung Quốc tiếp tục “khiêu khích” ở Biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO