Câu chuyện khởi nghiệp của thiếu gia “ngậm thìa vàng” Anthony Tan

HOÀNG QUÂN 19/08/2021 03:20

Anthony Tan sinh và lớn lên trong gia đình giàu có ở Malaysia nhưng lại không chọn con đường đã trải sẵn hoa hồng mà chọn hướng đi riêng dù bị ngăn cản và cho rằng đó là ý tưởng điên rồ.

CEO Anthony Tan là con út trong gia đình Tan Heng Chew, Chủ tịch Tan Chong Motor, công ty lắp ráp và phân phối xe Nissan tại Đông Nam Á. Cha của anh tin vào việc dạy dỗ nghiêm khắc nên Anthony Tan đã làm việc tại dây chuyền lắp ráp và được theo cha đến các cuộc họp với những ông chủ liên đoàn khó tính, giúp anh được tiếp xúc với một thế giới khác. Nhờ đó, dù xuất thân giàu có, Anthony lại gây ấn tượng nhờ tinh thần hăng say làm việc. Đối với Tan Hooi Ling, Anthony Tan là “một trong những người chăm chỉ nhất tôi từng gặp bất chấp lợi thế không nhỏ từ gia đình”.

Từng là sinh viên Đại học Harvard nên Anthony Tan được bố mẹ mong đợi sẽ nối nghiệp gia đình trở thành một doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực dầu khí ở Malaysia. Khi còn nhỏ, anh từng có vệ sĩ và tài xế riêng cho đến tận năm 13 tuổi. Tuy nhiên, khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, thấy bản thân cũng như bạn bè gặp khó khăn trong việc đón taxi ở quê nhà, chàng trai này đã nghĩ ra ý tưởng tạo ra ứng dụng chỉ cần một nút bấm trên điện thoại là có thể gọi được xe. Ý tưởng về Grab (tên gốc là MyTeksi) nảy ra khi hai sinh viên họ Tan ngồi cạnh nhau trong lớp học MBA. Nếu như các dịch vụ gọi xe như Uber hay Didi Chuxing tập trung vào kết nối cung - cầu giữa hành khách và tài xế, Anthony và Hooi Ling lại nghĩ khác.

CEO Anthony Tan chia sẻ: “Khi nảy ra ý tưởng này, tôi đã chia sẻ và giải thích với bố về ứng dụng, nhưng ông ấy coi đây chỉ là một trò tào lao và cho rằng Harvard đã làm hại não của tôi. Thuyết phục bố không được, tôi chuyển sang trình bày với mẹ. Dù không hiểu gì cả nhưng mẹ vẫn ủng hộ, tin tưởng và cho tôi tiền để khởi nghiệp. Tuy nhiên, bà cũng ra điều kiện rằng, tôi hãy thử nghiệm với nó trong vòng 6 tháng, nếu không thành công thì phải quay về với công việc của gia đình”.

Thuyết phục thành công được mẹ, Tan dựa vào đó để kêu gọi sự đồng tình của mọi người trong gia đình và chàng trai tiếp tục thuyết phục người cha một lần nữa rằng: “Con rất tôn trọng cha, tôn trọng công việc cha đang làm. Con không nói rằng những việc con sắp làm sẽ tốt hơn cha. Con chỉ muốn nói rằng cha hãy để cho con bước ra đời, để cho mọi người đánh con tơi bời nhưng con không chết mà sẽ trưởng thành. Với lời thuyết phục ấy, tôi đã có được sự đồng thuận của cha. Vì vậy tôi khuyên các bạn, hãy tâm sự chia sẻ ý tưởng của mình với mẹ - người yêu thương bạn vô điều kiện. Người đó sẽ giúp chúng ta rất nhiều và tạo động lực giúp ta vượt qua khó khăn”, Tan thổ lộ.

Sau khi được sự đồng thuận của cha mẹ, năm 2011, Anthony Tan bỏ công việc kinh doanh của gia đình để cùng một bạn học nữ là Tan Hooi Ling ở Trường Kinh doanh Harvard sáng lập ra Grabtaxi. Ở giai đoạn đầu này anh gặp muôn vàn thách thức khi thuyết phục các hãng taxi, rồi đi tới từng nơi hướng dẫn tài xế cài ứng dụng. Khi giới thiệu ứng dụng, hầu hết các tài xế đều cho rằng Tan là một người trẻ điên rồ, còn các hãng taxi thì nói cậu ta chẳng hiểu gì về kinh doanh. Bởi lẽ, nhiều tập đoàn lớn họ bỏ ra hàng triệu USD mà còn chưa đi đến đâu, trong khi ứng dụng này chỉ là thứ vặt vãnh.

Ứng dụng gọi xe Grab giúp các khách hàng đặt xe thông qua hệ thống chia sẻ vị trí. Mỗi khi công ty bước vào thị trường mới, công ty cung cấp ứng dụng trên các thiết bị di động thông minh của lái xe ở các quốc gia mà họ mở rộng. Công ty kiếm tiền bằng cách cắt giảm chi phí mặt bằng. Mặc dù một số các công ty taxi truyền thống không thích sự có mặt của Grab, cố gắng chặn các trình điều khiển ứng dụng nhưng Grab đã có giải pháp liên hệ trực tiếp với tài xế bằng cách đăng kí tại các sân bay, khu vực trung tâm… Công ty cũng đào tạo lái xe sử dụng điện thoại thông minh và sử dụng ứng dụng. Ngoài các thành phố lớn, Grab cũng đã cố gắng thâm nhập vào thị trường các thành phố nhỏ hơn.

Khi tuyển dụng, Grab tìm kiếm những ứng viên có 4 yếu tố: khao khát, khiêm tốn, chân thành và có trái tim. Trong một cuộc phỏng vấn, đồng sáng lập Tan Hooi Ling thừa nhận công ty đã có những sai lầm trong tuyển dụng và rút kinh nghiệm từ nó. Như nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác, Tan cũng có quyết định khó khăn khi đưa người ngoài có năng lực vào, xếp họ ở vị trí cao hơn những người cộng tác với anh từ đầu.

Cả hai nhà sáng lập Grab đều dành phần lớn thời gian ngoài văn phòng. Anthony Tan và Hooi Ling góp mặt trong danh sách những người trẻ có ảnh hưởng lớn nhất trong kinh doanh 40 Under 40 của Fortune năm 2018, còn Anthony được nêu tên trong 100 người sáng tạo nhất trong kinh doanh của Fast Company.

Đối với cách thức thanh toán, Grab Pay đem lại sự thuận tiện khi không cần đến tiền mặt để thanh toán. Được tích hợp ví Grab (Grab Wallet) và tài khoản ngân hàng (Grab Pay Credits), khách hàng dễ dàng trả tiền cho chuyến đi và quan trọng nhất là an toàn khi không dùng tiền mặt. Khách hàng có thể chuyển khoản tín dụng, dùng thẻ ghi nợ, nạp tiền vào ví trước để sử dụng. Như vậy chi tiêu của khách hàng sẽ được kiểm soát minh bạch trong quá trình sủ dụng dịch vụ.

Để đạt đến dấu mốc này, Anthony Tan đã phải trải qua một hành trình rất dài. Những ngày đầu, Anthony Tan còn phải gõ cửa từng chiếc taxi một để thuyết phục tài xế tải ứng dụng Grab. Anh nhớ lại: “Chú ơi cho cháu cơ hội đi, chắc chắn thu nhập của chú sẽ tăng”. Chúng tôi thực sự phải cầu xin họ. Có lẽ trong 10 tài xế tôi tiếp cận, chỉ có 2 người đồng ý”.

Với vị thế của Grab hiện tại, Tan vẫn khiêm tốn không gọi đây là “thành công” mà dùng từ khác: “bắt đầu cất cánh”. “Thành công là gì? Không có điểm dừng nào cả. Chúng tôi luôn tìm nhiều cách để đột phá bản thân”, Tan nói. Mỗi ngày với Grab cũng là thử thách, không chỉ đến từ các cơ quan quản lý (Grab đang gặp trở ngại tại Singapore sau khi thâu tóm mảng kinh doanh tại Đông Nam Á của Uber) mà còn đến từ các đối thủ, chẳng hạn Go-Jek, một dịch vụ gọi xe của Indonesia. Cho tới hiện tại, Go-Jek vẫn đang hoạt động chính tại thị trường quê nhà nhưng cũng đã bắt đầu kế hoạch triển khai tại Thái Lan và Việt Nam.

Vào thời điểm Grab phát triển mảng giao thức ăn và ra mắt GrabFood vào năm 2018, đã có một số doanh nghiệp trên thị trường khiến ứng dụng này không giành được thế tiên phong. Tình hình này khiến "kỳ lân tỷ đô" buộc phải đầu tư mạnh hơn để cạnh tranh thị phần. Tuy nhiên với chiến lược phù hợp, Grab hiện thuộc top ứng dụng giao đồ ăn phổ biến, dẫn đầu tại nhiều thị trường khu vực. Theo khảo sát của Q&Me tháng 4/2020 cho thấy 79% người dùng lựa chọn GrabFood, dẫn dầu trong số các ứng dụng tại thị trường Việt Nam.

Chia sẻ về bí quyết thành công, Anthony Tan cho biết, khi thấy bất cứ điều gì mới lạ anh sẽ không đợi người khác tiếp cận mình mà chính anh sẽ trực tiếp đến gặp người đó. Bên cạnh đó, để giải quyết được mọi công việc một cách tốt nhất thì phải luôn kiếm cho mình một người bạn đồng hành. Do vậy, anh thường kiếm cho mình những người cố vấn tuyệt vời.

Có thể bạn quan tâm

  • Grab

    Grab "đạp ga" vào cuộc đua ngân hàng số ở Đông Nam Á

    05:20, 22/07/2021

  • Grab bắt đầu “hái quả ngọt”

    Grab bắt đầu “hái quả ngọt”

    04:27, 18/07/2021

  • Thế khó cho Grab triển khai xe điện ở Việt Nam

    Thế khó cho Grab triển khai xe điện ở Việt Nam

    13:31, 29/06/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Câu chuyện khởi nghiệp của thiếu gia “ngậm thìa vàng” Anthony Tan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO