Ban đầu, 2 anh gặp nhiều khó khăn cho đầu ra. Dần dần, sản phẩm Bánh đa Lương Sơn của Thắng đã có uy tín, đảm bảo an toàn thực phẩm để xuất khẩu ra các nước trên thế giới.
Thành công từ nghề làm bánh đa vừng truyền thống, 2 chàng trai thế hệ 9X Nguyễn Bá Thắng và Nguyễn Ngọc Phương ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đã không dừng lại mà đang tính sẽ cho ra lò thêm các sản phẩm như: bún khô, bánh đa nem… với mục tiêu đưa thêm nhiều sản phẩm truyền thống của làng quê Việt Nam ra thế giới.
Bỏ làm kỹ sư để làm bánh đa
Chúng tôi có mặt tại Cơ sở sản xuất bánh đa vừng Lương Sơn của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh thực phẩm Lương Sơn ở xóm 7, xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương trong những ngày đầu năm mới Quý Mão. Không khí lao động tuy mới đầu năm nhưng vẫn mang nhịp độ khẩn trương. Trong xưởng, những chiếc bánh đa giòn đang nối đuôi chạy trên băng chuyền. Mùi bánh thơm phức như níu giữ chân khách đến tham quan.
Qua tìm hiểu được biết, sau khi tốt nghiệp khoa Xây dựng, trường Đại học Vinh, anh Nguyễn Bá Thắng (32 tuổi) ở xóm 7, xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương đã có 4 năm làm kỹ sư xây dựng với thu nhập tương đối cao. Nhưng năm 2017, anh đã từ bỏ công việc xa nhà quanh năm để bám sát công trường và quyết định lập nghiệp tại quê nhà để làm nghề sản xuất bánh đa vừng.
>>Khảo sát nhu cầu hỗ trợ dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Ban đầu, với 700 triệu đồng, từ số vốn tích lũy của bản thân và vay mượn từ bạn bè, anh Thắng đã làm nhà xưởng và đầu tư máy xay bột, máy tráng bánh, máy nướng, máy đóng gói ép chân không, máy bóc và xay tỏi để sản xuất. Đồng hành với ý tưởng khởi nghiệp này là Nguyễn Ngọc Phương (32 tuổi), là bạn học cùng lớp ở thời phổ thông trung học với Thắng. Anh Phương cũng là kỹ sư xây dựng, đã có việc làm ổn định với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, khi được Thắng rủ nghỉ việc để về quê làm bánh đa vừng xuất khẩu, anh Phương liền đồng ý cùng hợp tác tạo bước đột phá cho đặc sản quê nhà.
Ban đầu, 2 anh gặp nhiều khó khăn cho đầu ra. Dần dần, sản phẩm Bánh đa Lương Sơn của anh Thắng đã có uy tín được nhiều khách hàng đặt mua, đảm bảo an toàn thực phẩm. Trung bình mỗi ngày, xưởng của 2 anh làm hết 300 kg nguyên liệu gồm: gạo, vừng đen, tỏi, tiêu và muối, sản xuất được khoảng 6.500 cái bánh đa. Mỗi tháng cho doanh thu từ 150-160 triệu đồng.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường, sau đó, Thắng và Phương còn mở thêm cơ sở tại Bình Dương. Cùng với ý chí và nghị lực vượt khó để lập nghiệp, cơ sở bước đầu đã tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức lương bình quân từ 4.000 đồng đến 5.000.000 đồng/người/ tháng.
Sau gần 1 năm khởi nghiệp bằng nghề bánh đa truyền thống, bước đầu đã sản phẩm bánh đa vừng đã thu nhập ổn định và có chỗ đứng trên thị trường. Thị trường tiêu thụ sản phẩm, không chỉ ở huyện Đô Lương mà còn lan rộng cả ra các tỉnh, thành như: Vinh, Hà Nội, Sài Gòn, Bình Dương và Đắc Lắc.
>>Khởi nghiệp thành công từ liên kết chăn nuôi gia cầm
Anh Nguyễn Bá Thắng chia sẻ: “Quá trình đi làm công trình ở nhiều địa phương trong nước, khi đến Tây Ninh, tôi thấy đặc sản bánh tráng ở đây đã xuất khẩu nhiều nước nên nghĩ đến đặc sản bánh đa vừng của quê mình. Bởi bánh đa vừng Đô Lương từ lâu đã nổi tiếng vì ngon, được nhiều người biết. Nhưng nó vẫn chỉ loay hoay tiêu thụ trong tỉnh, sản xuất vẫn chỉ là cách thủ công truyền thống, nhỏ lẻ, nên mình nghĩ tại sao không làm lớn để đưa bánh đa quê mình vươn ra các tỉnh, thành và xuất khẩu ra thế giới”.
Chắp cánh cho đặc sản quê nhà vươn xa
Tuy quy mô sản xuất ban đầu chưa lớn nhưng dần dần, năng suất, chất lượng bánh đa của các anh cũng nâng lên và được khách hàng ưa chuộng. Năm 2018, anh Thắng và anh Phương đã thuê khu đất gần nhà Thắng ở xóm 7, xã Nhân Sơn để mở xưởng làm bánh đa. Lần này, các anh cùng vay mượn tăng cường nguồn vốn đầu tư để thành cơ sở sản xuất chuyên nghiệp. Những thiết bị hiện đại được đem về xưởng như: máy xay bột, máy tráng bánh, lò nướng bánh bằng điện.
Trước đây, bánh đa ở trong vùng vẫn chủ yếu là sản xuất thủ công, bánh được tráng rồi mang đi phơi nắng. Tuy nhiên, cách này bộc lộ nhiều khuyết điểm vì phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Khi gặp mưa, cả ngày không có nắng là toàn bộ bánh phải đổ bỏ. Còn nếu trời nắng yếu, không đủ để hong khô bánh, chất lượng bánh cũng giảm. Chưa kể, việc phơi bánh ngoài trời cả ngày cũng không đảm bảo vệ sinh. Mưa kéo dài ngày thì bánh không có, không đáp ứng được nhu cầu cho khách hàng.
Vì vậy, khâu làm khô bánh chính là công đoạn phức tạp nhất để cho ra sản phẩm tròn trịa. Để xử lý khẩu trọng yếu này, 2 anh đã quyết định đầu tư hơn 2 tỉ đồng để lắp hệ thống sấy khô. Hệ thống sấy này đã tạo thành dây chuyền sản xuất khép kín, hoàn chỉnh từ khâu ngâm gạo, xay bột, tráng bánh, sấy khô, nướng bánh cho đến đóng bao với tổng mức đầu tư hơn 4 tỉ đồng. Để có chất lượng bánh đa ngon, ngoài bí quyết truyền thống của vùng quê này, Thắng và Phương còn tìm tòi, thử nghiệm nhiều lần để tìm ra công thức làm bánh thơm ngon, an toàn, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Bánh đa được làm từ bột gạo, tiêu, tỏi và các gia vị khác để có được chiếc bánh ngon.
Với uy tín sẵn có, cùng với dây chuyền sản xuất hiện đại nên khi sản phẩm bánh đa vừng của 2 chàng kỹ sư xây dựng này tung ra thị trường, được nhiều đầu mối tiếp nhận tiêu thụ. Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất bánh đa đã giúp giá thành sản phẩm thấp hơn so với cách làm thủ công truyền thống mà năng suất lại tăng lên.
>>Công ty khởi nghiệp WeMo huy động được 15 triệu USD trong vòng vốn Series A+
Sau 4 năm ra lò, hiện nay, bánh đa vừng thương hiệu “Lương Sơn” đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong nước và xuất khẩu sang các nước khác. Xưởng bánh đã tạo công ăn việc làm cho 40 lao động ở địa phương, doanh thu hơn 14 tỉ đồng mỗi năm. Ngoài bánh đa vừng bằng gạo thông thường, cơ sở này đã tạo ra sản phẩm bánh đa vừng bằng gạo lứt. Loại bánh này tuy giá thành cao hơn gạo thường nhưng chất lượng ngon hơn nên được thị trường ưa chuộng.
Năm 2022, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh thực phẩm Lương Sơn của 2 chàng trai này đã xuất sang Nhật Bản 1 triệu chiếc bánh đa vừng, giá trị 2,2 tỉ đồng, được phân phối ở các siêu thị, đại lý ở Nhật. Bánh đa vừng có được chỗ đứng ở thị trường khó tính như Nhật Bản đã giúp cho hai chàng trai này mở rộng thị trường xuất khẩu sang nhiều nước khác.
Anh Nguyễn Ngọc Phương cho biết: “Thị trường Nhật Bản đòi hỏi rất khắt khe từ truy xuất nguyên liệu đầu vào, chất lượng, mẫu mã, trọng lượng chính xác đến từng gram, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, quy trình sản xuất bánh đa vừng đều được đối tác kiểm tra, giám sát, kiểm nghiệm chặt chẽ. Sắp tới, chúng tôi sẽ xuất bánh sang Hàn Quốc và các nước châu Âu. Đồng thời, hoàn thiện thủ tục để xuất thẳng sang các nước mà không cần thông qua một đối tác trung gian”.
Có thể bạn quan tâm