Chị Phan Thị Châm – Thái Bình đã khởi nghiệp từ một cơ sở nhỏ chuyên làm bánh kẹo thủ công. Đến ngày hôm nay, doanh nghiệp của chị đã trở nổi tiếng khắp cả nước và đã vươn mình ra nước ngoài.
>>>Thúc đẩy khởi nghiệp từ Techfest địa phương
Từ nghề bánh kẹo thủ công
Khởi nghiệp từ một cơ sở nhỏ chuyên làm bánh kẹo thủ công, bỏ mối cho các cửa hàng tạp hóa, đại lý... Đến ngày hôm nay, Công ty TNHH SXKD XNK Bánh kẹo Bảo Hưng ( Công ty Bảo Hưng) đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước và đã vươn mình ra nước ngoài, với nhiều sản phẩm chất lượng không thua kém gì những thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng khác.
Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp chị Phan Thị Châm cho biết: năm 2024 là năm chị thành lập công ty được 20 năm và hơn 30 năm khởi nghiệp từ nghề làm bánh kẹo truyền thống của gia đình.
Chị Châm chia sẻ: Thời kỳ trước nhiều người dân ở Vũ Thư đã biết đến thương hiệu Bảo Châm bởi những sản phẩm như kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi, bánh dẻo, bánh nướng gia truyền, nhà phân phối bánh kẹo cho các đại lý khắp nơi trong tỉnh. Nhờ làm ăn có uy tín, khách hàng đến hợp tác với Bảo Châm ngày càng nhiều và mở rộng ra các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Đây chính là yếu tố quan trọng khiến chị Phan Thị Châm nảy ý nghĩ và quyết tâm khỏi nghiệp và trở thành nhà sản xuất bánh kẹo quy mô lớn. Năm 2004, chị quyết định thành lập Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu bánh kẹo Bảo Hưng và đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất công nghệ cao với quy mô diện tích gần 10ha tại cụm công nghiệp Tân Minh.
Năm 2019, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng, đánh dấu bước chuyển mình không chỉ về cơ cấu tổ chức, hình thức, quy mô doanh nghiệp mà còn đổi mới tư duy phát triển từ chiếm lĩnh thị trường trong nước sang chinh phục thị trường nước ngoài.
Nói về hành trình phát triển của Công ty, chị Châm bộc bạch: Con đường đi của Bảo Hưng không hề dễ dàng. Người ta nói “thương trường như chiến trường” quả là rất đúng. Bảo Hưng trải qua biết bao trở ngại, thậm chí vấp ngã tưởng khó có thể đứng dậy được bởi sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Song, những khó khăn đó đã cho tôi thêm kinh nghiệm và ý chí quyết vươn lên. Bảo Hưng luôn xác định lấy chất lượng sản phẩm làm hàng đầu kết hợp giá thành hợp lý, tích cực quảng bá, xúc tiến thương mại để phát triển thị trường tiêu thụ làm công thức thành công.
Từ khi chị thành lập cơ sở sản xuất bánh kẹo Bảo Châm vào năm 1992, đã có nhiều sản phẩm nổi tiếng như bánh nướng, bánh dẻo, kẹo lạc, kẹo vừng… được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, đó là những cơ sở tiền đề đầu tiên đề chị quyết tâm xây dựng thương hiệu bánh kẹo Bảo Châm trước đây và Bảo Hưng sau này trở nên lớn mạnh như ngày hôm nay.
... đến xây dựng và phát triển bền vững
Xây nền móng vững, không ngừng đổi mới sáng tạo mới có thể đưa doanh nghiệp phát triển nhanh và vươn xa được - đó là câu nói và cũng là triết lý sản xuất, kinh doanh xuyên suốt hành trình khởi nghiệp của chị Châm.
Chị Châm cho biết: Để lấy niềm tin của khách hàng, ngay từ ngày đầu thành lập, bên cạnh việc đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao trình độ tay nghề, áp dụng quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 22000 -2005, thay đổi mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, sản xuất thêm nhiều dòng sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khách hàng... thì việc đầu tư xây dựng nhà xưởng, thiết bị máy móc cũng luôn được công ty chú trọng và không ngừng đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất hiện đại.
Đến nay 100% dây chuyền sản xuất của công ty đều tự động hóa, thay thế hoàn toàn khâu làm thủ công, đã góp phần để Bảo Hưng cho ra đời rất nhiều sản phẩm, đa dạng về chủng loại, mẫu mã và chất lượng đang được xuất khẩu sang các nước.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Từ một cơ sở sản xuất nhỏ, bằng sự mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm của nữ doanh nhân Phan Thị Châm, mỗi năm Công ty sản xuất và bán ra thị trường hàng nghìn tấn sản phẩm bánh kẹo các loại, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Doanh nghiệp đã công tư đầu tư gần 400 tỷ đồng xây dựng thêm nhà máy trên diện tích gần 10.000m2, với công nghệ của Đài Loan, Hàn Quốc, Đan Mạch đạt tiêu chuẩn quốc tế để sản xuất ra những sản phẩm mang tầm quốc tế, để thị trường Việt Nam giảm bớt nhập khẩu bánh kẹo từ nước ngoài, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân, qua đó đã góp phần nâng doanh thu của công ty năm 2018 đạt gần 400 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 450 lao động với mức lương từ 5 triệu – 15 triệu đồng/ tháng....
Chia sẻ về thời gian sắp tới chị Châm cho biết: Trong suốt 20 năm qua, chúng tôi đào sâu nghiên cứu công thức chế biến sản phẩm, đầu tư hệ thống dây chuyền máy móc sản xuất tiên tiến nhất của châu Âu. Đến nay, Công ty đã cho ra thị thường gần 200 sản phẩm với nhiều dòng bánh như: bánh Pie, bánh cracker, bánh cookies, bánh custard, kẹo cứng, kẹo mềm, thạch các loại, bánh trung thu. Các sản phẩm đã có mặt tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu đến gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có những thị trường lớn và khó tính như: Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan…
Trong suốt quá trình khởi nghiệp của mình doanh nhân Phan Thị Châm được cán bộ, công nhân trong Công ty luôn nể trọng bởi sự nhạy bén với thị trường, giàu khát vọng vươn lên, kiên trì và quyết đoán trong công việc.
Từ một cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, dưới sự dẫn dắt của bà Phan Thị Châm, đến nay Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh, một trong những nhà sản xuất bánh kẹo lớn nhất cả nước, sản phẩm với nhận diện thương hiệu Omeli được bình chọn là thương hiệu quốc gia. Doanh thu của Công ty liên tục đạt mức tăng trưởng cao: năm 2021 đạt 561 tỷ đồng, năm 2022 đạt 700 tỷ đồng và năm 2023 đạt gần 1.000 tỷ đồng.
Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Chị Phan Thị Châm là một trong những hội viên nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản trị doanh nghiệp và đi đầu hưởng ứng các hoạt động do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phát động như ủng hộ quỹ phòng, chống dịch COVID-19, ủng hộ tặng quà tết, quỹ vì người nghèo. Chị được thật sự là tấm gương cho thế hệ trẻ Thái Bình trong quá trình khởi nghiệp.
Có thể bạn quan tâm