Nhờ mạnh dạn tích tụ ruộng trồng hoa sen, anh Vũ Anh Tuấn - Đông Hưng - Thái Bình đã khởi nghiệp thành công. Mỗi năm sau khi trừ chi phí anh thu nhập từ trồng sen gần 500 triệu đồng.
Sau nhiều năm bôn ba, anh Vũ Anh Tuấn, thôn Thọ Nam, xã Minh Phú, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đã quyết định đưa cây sen bén duyên trên đồng đất quê hương, mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm đẹp cảnh quan môi trường.
Vào những ngày này, cánh đồng sen của anh Tuấn đang vào vụ thu hoạch, hoa sen đua nhau khoe sắc thắm, tỏa hương thơm ngào ngạt. Ngày nào anh Tuấn cùng 20 lao động cũng phải ra đồng, hái hoa sen từ sáng sớm mới đủ hoa để giao cho khách.
Chia sẻ với phóng viên về bén duyên với nghề anh Tuấn cho biết: Tôi rất thích vẻ đẹp tao nhã của sen, thích mùi sen thơm ngát. Đặc biệt nhìn thấy tiếc ruộng đất bị bỏ hoang, nên năm 2023, tôi đã mạnh dạn thuê lại ruộng của trên 40 hộ để trồng sen.
Năm đầu, tôi trồng 8ha, năm nay, tôi mở rộng thêm gần 2ha trồng hoa sen Phật Quan Âm trắng, hoa Phật Quan Âm hồng để nở hoa, trồng sen lấy hạt, lấy củ.
Anh Tuấn chia sẻ: Dù là cây dễ trồng, không mất quá nhiều thời gian chăm sóc. Song để đem lại hiệu quả cao, anh Tuấn phải tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch. Năm nay, thời tiết thuận lợi, sen được mùa, bông to, nở đẹp, thương lái gọi điện thoại rồi tới tận ruộng mua, không phải lo đầu ra.
Nhờ kiên trì học hỏi, đúc rút được kinh nghiệm, lựa chọn được giống sen phù hợp với chất đất nơi đây. Đây cũng là mô hình trồng sen lấy củ đầu tiên của Đông Hưng và đến nay anh có thể tự nhân giống nên chủ động được nguồn giống cho các vụ sau, giảm được rất nhiều chi phí mua cây giống.
Theo anh Tuấn, cây sen dễ trồng, ít bị sâu bệnh, chỉ cần làm đất kỹ, bón phân chuồng là chính, hầu như không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, tôi trồng sen lấy củ với 2 giống sen hương và sen ngọt (chủ yếu), ngoài ra tôi trồng sen lấy hoa để sản xuất trà, sen lấy hoa làm cảnh, sen lấy bát để thu hạt. Sen lấy củ được trồng 2 vụ/năm.
Các sản phẩm tươi từ sen của anh Tuấn đã ký hợp đồng cung cấp thường xuyên cho một số cơ sở sản xuất, chế biến tại một số tỉnh thành lân cận như: lá sen tươi, hoa, củ sen thái lát. Nhờ thời tiết thuận lợi, thâm canh đúng kỹ thuật, nên năng suất sen hương đạt khoảng 12,5 tấn/ha, giá bán dao động từ 25-30 nghìn đồng/kg; sen ngọt năng suất đạt gần 22,2 tấn/ha, giá bán dao động từ 18-20 nghìn đồng/kg.
Trừ chi phí, người trồng thu lãi bình quân hơn 138 triệu đồng/ha, sau 6 tháng trồng, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Với diện tích 10 ha trồng sen cho thu hoạch củ tươi, lá sen, hoa bát, anh Tuấn đang tạo thu nhập cho hàng chục lao động địa phương.
Anh Vũ Anh Tuấn cho biết: Tầm tháng 1 âm trở ra, bắt đầu cải tạo đất, cho nước vào để sen lên. Trong quá trình ấy, sen lên rồi mình sẽ tháo nước, sau đó phun thuốc ốc. Mình bón cũng như lúa thôi, bón đạm và lân, bón thúc, sau bón thúc sẽ bón thêm nhiều lân và kali. Cho nước đều chứ mình mà để khô thì không được vì sen ưa nước.
Mỗi loại sen trồng ở một vùng để tiện cho việc đưa nước, chăm sóc, thu hoạch. Thời gian thu hoạch sen từ tháng 3 cho đến tháng 10, chính vì thế lúc nào anh cũng có thu nhập.
Là người đầu tiên đưa cây sen về trồng tại đất Minh Phú – Đông Hưng nhưng do sen mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, anh Tuấn đã thuê thêm ruộng để trồng sen, trở thành đồng sen rộng lớn nhất của huyện Đông Hưng. Trồng sen không chỉ làm giàu cho gia đình anh Tuấn, mà còn mang lại cho miền quê này một sức sống mới, diện mạo mới, đưa du lịch địa phương phát triển.
Chị Nguyễn Lan Hương - Đông Hưng – Thái Bình: Ngày ngày khi đi làm qua đây, tôi rất thích bởi mô hình trồng hoa nơi đây có mô hình rất là đẹp, chị em chúng tôi thường xuyên rủ nhau ra đây để check in, lưu lại những kiểu ảnh đẹp nhất với đầm sen.
Ông Vũ Văn Diễn – Giám đốc HTX DVNN xã Minh Phú, huyện Đông Hưng: Ruộng này nhân dân cũng bỏ hoang được vài năm rồi, cỏ mọc rất là nhiều nên đã mạnh dạn đầu tư một số tiền tương đối lớn cho trồng sen. Đây là mô hình mới nhưng cho thu nhập rất khả quan, tăng thu nhập cho gia đình cũng như lao động địa phương. Đây là mô hình nên nhân ra diện rộng, HTX cũng tạo điều kiện nước non, đánh thuốc chuột cho chỗ anh Tuấn để tạo thêm điều kiện phát triển cây sen này.
Mạnh dạn tích cực chuyển đổi đất, đưa giống cây mới vào trồng, anh Tuấn không chỉ hồi sinh vùng đất trũng mà còn biến vùng đất sình lầy, cỏ mọc um tùm thành một vùng bát ngát hoa sen. Sen nở trên đất lúa đã đem về thành công cho người nông dân chăm chỉ, ham học hỏi, giỏi tính toán. Mô hình này, góp phần đa dạng thêm sản phẩm nông nghiệp, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch nông thôn.
Qua đây, tôi cũng mong muốn là các cấp chính quyền xã Minh Phú cũng tạo điều kiện để mô hình trồng sen của anh Tuấn được phát triển hơn, thu hút được thêm khách đến tham quan du lịch nhiều hơn.