Câu chuyện khởi nghiệp từ con số 0 của CEO Khương Minh Huấn

Diendandoanhnghiep.vn Khương Minh Huấn đã chọn lĩnh vực BĐS cho thuê để khởi nghiệp tại Nhật Bản dù đây là lĩnh vực mới mẻ. Sau gần 5 năm, ông đã xây dựng nên một doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực BĐS cho thuê.

Tại Nhật Bản, Công ty Cổ phần Hinode là một trong những doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực bất động sản cho thuê. Ít ai biết rằng, đây là doanh nghiệp của một người Việt được khởi nghiệp từ con số 0 cách đây 5 năm. Hiện nay, công ty có nhiều đối tượng khách hàng, không chỉ là người Việt, người nước ngoài mà còn có cả những người người Nhật. Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã có trao đổi với ông Khương Minh Huấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Hinode Nhật Bản.  

- Tại sao ông lại chọn Nhật Bản chứ không phải Việt Nam để khởi nghiệp?

Tôi thích một câu nói của người Nhật: “Cách bạn làm một việc là cách bạn làm tất cả mọi việc”. Cách chúng ta làm những công việc nhỏ nhặt hằng ngày thực ra phản ánh cách làm việc chung của chúng ta và được cấp trên để ý rất kỹ.

Năm 2008, bước chân vào năm cuối Đại học Bách khoa, chuyên ngành Điện, tôi còn chưa biết tương lai mình sẽ làm gì và như thế nào? Lúc này, yôi có cơ hội tiếp xúc với những người đi trước và được biết thu nhập tại Nhật Bản là mơ ước với bất cứ ai. Vì thế tôi định hướng sẽ sang Nhật làm việc sau khi tốt nghiệp Đại học. Từ đó, tôi bắt đầu khoá học tiếng Nhật.

Sau khi tốt nghiệp, tôi làm quản lý & sửa chữa hệ thống điện tại một công ty của Nhật ở Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội. Tháng 4/2011, “giấc mơ Nhật” của tôi thành hiện thực khi tôi trúng tuyển vào một công ty về điện có trụ sở tại Kawagoe-Saitama, Japan.

 - Cơ duyên nào ông đến với đầu tư, kinh doanh, bất động sản?

Tôi rất thích kinh doanh, nhưng khi sang Nhật tôi lại nhanh chóng có một công việc đúng chuyên ngành Điện với mức lương ổn định. Tuy nhiên, công việc của tôi cũng rất áp lực, có thời điểm phải ở lại công ty làm suốt 36 tiếng đồng hồ không ngủ vì sự cố, bởi lịch test máy móc với công ty đối tác đã định vào hôm sau. Chính vì áp lực công việc kéo dài, cuộc sống và công việc không cân bằng được khiến tôi giảm dần đam mê với nghề. Lúc này, giấc mơ kinh doanh, thương mại dần hiện hữu.

Ông Khương Minh Huấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Hinode Nhật Bảnp/

Ông Khương Minh Huấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Hinode Nhật Bản

Trong thời gian ở Nhật Bản, tôi nhận thấy khó khăn của người nước ngoài đến đất nước mặt trời mọc đầu tiên là nhà ở, thứ 2 là việc làm. Vì vậy, tháng 4/ 2017, tôi quyết định nghỉ việc để tìm hướng mở công ty riêng. Lĩnh vực tôi quyết định dấn thân là giới thiệu nhà ở cho người nước ngoài. Đây là lĩnh vực không có liên quan chút nào với chuyên môn và kinh nghiệm mà tôi có được. Tuy nhiên, trong thời gian ở Nhật tôi đã có dịp tiếp xúc với nhiều người nước ngoài và cả nước Việt. Tôi thấy, thuê nhà ở Nhật khác Việt Nam, bởi nếu người có nhu cầu nhưng không biết tiếng thì chủ nhà không cho thuê. Lý do là bởi sẽ không biết được quy định trong hợp đồng, không hiểu được văn hoá người Nhật nên xảy ra nhiều mâu thuẫn trong quá trình lưu trú. Vì thế, tôi đã chọn lĩnh vực mới mẻ này để thử sức.

Để có thêm kiến thức, sau khi nghỉ việc ở công ty cũ, tôi nhờ bạn bè giới thiệu vào làm thử tại một công ty bất động sản của Nhật trong 3 tháng để học hỏi các kinh nghiệm và quy trình làm việc. Để có thêm nguồn thu nhập giúp duy trì công ty những ngày mới thành lập, bên cạnh mảng bất động sản, tôi phối hợp cùng anh trai làm thêm cả mảng xuất nhập khẩu các thiết bị điện phụ trợ công nghiệp của Nhật về Việt Nam. Các kinh nghiệm, kiến thức cũng như mối quan hệ có được trong thời gian đi làm đã giúp tôi rất nhiều trong việc tìm nguồn hàng, khảo sát và đàm phán, giúp công ty ký được nhiều hợp đồng và đưa mảng xuất nhập khẩu dần đi vào hoạt động ổn định. Nguồn thu đều từ mảng này đã giúp tôi có thêm vốn để tự tin triển khai dịch vụ bất động sản theo hướng win-win, chậm mà chắc, vẫn có lợi nhuận cho công ty mà vẫn đem lại các giá trị cho cộng đồng.  

 - Trong quá trình đầu tư, kinh doanh BĐS, ông đã gặp khó khăn gì, vượt qua như thế nào?

Ở Nhật, không phải ai cũng có thể thành lập được công ty. Ngoài thủ tục hành chính thì còn cần phải visa phù hợp với loại hình hoạt động. Như tôi, khi sang Nhật với visa kỹ sư thì không thể lập công ty được mà bắt buộc phải chuyển sang loại visa kinh doanh, đầu tư.

Thời điểm mới lập công ty thì vốn là một điều kiện tiên quyết mà tôi nghĩ đa phần doanh nhân khởi nghiệp đều có thể gặp phải. Như công ty bất động sản của tôi, với vốn điều lệ 1 tỷ đồng tiền Việt thì chỉ ngốn trong vài tháng là hết cho các hạng mục thuê mặt bằng, nhân viên, trong khi doanh thu chưa có, khách hàng còn hạn chế… Vì vậy, tôi phải vay mượn, lấy tất cả nguồn chi tiêu hay tiết kiệm của gia đình để duy trì công ty. Khi lượng khách tăng lên, uy tín và thương hiệu của công ty được nhiều người biết đến thì công ty dần đi vào ổn định và phát triển.

Thời gian đầu, khi mới hoạt động, công ty còn mới nên độ tin tưởng của khách hàng còn chưa cao. Thực tế, không ít trường hợp khách sau khi nghe chúng tôi tư vấn xong lại nhờ thuê qua một công ty bất động sản khác có tiếng hơn. Để khắc phục tình trạng này, tôi tập trung vào triển khai các dịch vụ hỗ trợ miễn phí cho khách hàng trước và sau khi thuê nhà để tạo thành lợi thế so sánh riêng về dịch vụ cho công ty như: Gọi điện đăng ký điện nước gas cho các khách hàng không thạo tiếng Nhật, hướng dẫn các địa điểm siêu thị, bệnh viện, hướng dẫn báo thay đổi địa chỉ trên cơ quan hành chính, bưu điện,... giúp người thuê sớm hoà nhập được với cuộc sống tại ngôi nhà mới hơn. Song song với đó, sau khi các người thuê vào nhà, công ty cũng lưu ý hướng dẫn các vấn đề liên quan tới sinh hoạt, rác thải,… bằng tiếng Việt, hay giới thiệu các bạn vào làm baito tại Yamato, khách sạn, quán ăn.  Sau thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, nhờ kiên trì triển khai những dịch vụ phụ trợ bên lề trên mà dần dần công ty đã có được sự tin tưởng của khách hàng. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản của công ty chúng tôi dần đi vào ổn định. 

- Ông thấy môi trường kinh doanh, con người Nhật Bản như thế nào?

Có thể nói, trong kinh doanh, người Nhật cũng thể hiện văn hoá riêng. Văn hoá ứng xử trong kinh doanh của người Nhật cũng không khác gì phương Tây, đó là sự lịch thiệp, nhạy cảm và cung cách tốt. Những trắc trở và biến cố từ thiên tai như động đất, sóng thần,… một Nhật Bản vẫn mạnh mẽ quật cường đứng dậy đã tôi luyện nên một tinh thần dân tộc mạnh mẽ, kiên trì và bền bỉ. Một tinh thần trong làm việc cao độ và chuẩn chỉnh với cách ứng xử và những đức tính cao đẹp.

Môi trường kinh doanh ở Nhật thực sự công bằng và minh bạch. Tôi  thấy được sự bình đằng trong môi trường kinh doanh và điều đó chính là sự “dễ” trong kinh doanh. Nếu kinh doanh ở Việt Nam sẽ phải lo đi đòi nợ, “boom” hàng, “cửa trước, cửa sau,… nhưng ở Nhật thì không hoặc rất hiếm, nên hầu như không phải lo lắng về điều này.

- Ông thấy việc kinh doanh BĐS ở Nhật Bản khác với BĐS ở Việt Nam như thế nào?

Tại Việt Nam, mảng mảng giới thiệu cho thuê BĐS chưa nhiều, nhưng ở Nhật thì cho thuê và mua bán sẽ phát triển song hành. Tuy nhiên, ở Nhật thì kinh doanh fairplay tuyệt đối, sự công bằng thành hệ thống, chứ không kiểu manh mún, “chộp giật” như ở Việt Nam. Tôi ví dụ, ở Việt Nam, một mảnh đất chưa sổ đỏ, hoặc sổ đỏ mang tên vài người, sổ đỏ thật hay giả hoặc có vấn đề về nguồn đất… thì rất khó để khách hàng tìm hiểu chính xác. Còn ở Nhật, việc xác nhận nguồn đất chỉ trong “tích tắc”, chỉ cần ra cơ quan hành chính là xác nhận được luôn nguồn ất và chủ sở hữu. Người có nhu cầu chỉ cần vào nguồn data dữ liệu thì ai cũng có thể lấy được sổ đỏ của bất kỳ mảnh đất nào.

Cán bộ, nhân viên Công ty Hinode Nhật Bản

Cán bộ, nhân viên Công ty Hinode Nhật Bản

- Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, trong đó có BĐS. Vậy doanh nghiệp của ông xử lý như thế nào?

Đại dịch COVID-19 thật sự ảnh hưởng không chỉ công ty chúng tôi mà kinh tế toàn cầu cũng chịu ảnh hưởng. Không chỉ bất động sản mà hầu hết các ngành nghề khác từ dịch vụ đến sản xuất kinh doanh đều bị đình trệ và tôi tin chắc sẽ có một hậu quả nặng nề khi đại dịch càn quét qua. Như công ty của tôi, làm việc trực tiếp với người nước ngoài, như các du học sinh, lao động xuất khẩu,… Tuy nhiên, vì dịch nên họ không sang được, các giao dịch cho thuê và mua bán giảm, dẫn đến doanh thu giảm đáng kể.

Mặc dù vậy, chính phủ Nhật đã hỗ trợ một phần cho các doanh nghiệp lúc khó khăn. Rất nhanh chóng ngay từ lần đầu tiên bùng phát đại dịch tại Nhật, chính phủ đã có động thái rà soát, đánh giá đối với các doanh nghiệp giảm doanh thu từ 50% so với cùng kỳ năm trước thì sẽ được gói hỗ trợ khoản tiền nào đó. Như công ty của chúng tôi ngay vào thời điểm đó đã nhận được gói hỗ trợ khoảng 400 triệu đồng để duy trì. Khi chính phủ Nhật ban bố tình trạng khẩn cấp thì chúng tôi cũng nhận được thêm gói hỗ trợ 2/3 tiền thuê mặt bằng trong 6 tháng.

- Mục tiêu của công ty trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?

Nhu cầu hiện tại của người nước ngoài tại Nhật thì cho thuê nhiều hơn mua bán, còn những khách hàng đã sống và làm việc 5-10 năm sẽ có nhu cầu mua nhà thì tôi sẽ hướng theo những khách hàng đó.

Hiện tại tôi đang đẩy mạnh việc giới thiệu việc làm cho người nước ngoài tại Nhật. Từ năm 2019, Nhật có một hình thức visa mới chấp nhận lao động thuần tuý, nên cuối năm 2020 công ty tôi xin thêm giấy phép về giới thiệu việc làm cho hình thức visa mới này.

Ngoài ra, kế hoạch tương lai tôi cũng muốn về Việt Nam đầu tư ngành nghề liên quan khi có cơ hội.

- Để có được thành công như hiện nay, gia đình đóng vai trò như thế nào với ông?

Tôi cũng phải cảm ơn vợ vì đã luôn sát cánh đồng hành, chia sẻ và luôn ủng hộ tôi vượt qua những khó khăn từ thời điểm khởi nghiệp cho đến hiện tại. Những áp lực của công việc luôn được sự động viên từ cô ấy. Ngoài ra, vợ tôi còn hỗ trợ tôi việc nhà, chăm sóc con cái để tôi có thể nỗ lực cho công việc kinh doanh. Đặc biệt, vợ tôi hiện là phiên dịch, quản lý thực tập sinh trong nghiệp đoàn nên cũng tư vấn, hỗ trợ giúp tôi trong công việc để tôi có thể xử lý công việc nhanh hơn và thuận tiện hơn.

- Với kinh nghiệm của mình, ông có lời khuyên gì cho các bạn trẻ khởi nghiệp?

Nếu thể nói gì đó với các bạn trẻ, dù ở bất kỳ nơi nào bạn muốn khởi nghiệp, với bất kỳ lĩnh vực gì. Bạn hãy cứ đam mê đi, dồn hết tâm lực và nhiệt huyết của các bạn, lên kế hoạch dài hơi sẵn sàng cho việc khởi nghiệp. Ngoài ra, bạn trẻ đừng quên nguồn vốn dài hơi để quay vòng với các phương án khi bắt tay khởi nghiệp. Bạn thích làm gì thì hãy làm. Tôi tin nó sẽ là chia khoá của thành công trong khời nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Câu chuyện khởi nghiệp từ con số 0 của CEO Khương Minh Huấn tại chuyên mục Khởi nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714040776 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714040776 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10