Phương án cơ cấu lại theo định hướng mới đối với 2 ngân hàng TNHH MTV: Ngân hàng Xây Dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) đã được hoàn thiện với hướng xử lý cụ thể.
>> Thấy gì từ chuyện các ngân hàng bàn nhận "chuyển giao bắt buộc” tổ chức tín dụng?
Theo Báo cáo "Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022" của Chính phủ, năm 2021, nhiều nhiệm vụ quan trọng đã được triển khai trong 2021 bao gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Trong đó đáng chú ý, theo báo cáo, Chính phủ đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp để xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongABank), tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng; sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn... trên nguyên tắc quyết liệt, thận trọng, chặt chẽ.
Cùng với đó là rà soát, hoàn thiện phương án cơ cấu lại theo định hướng mới, trong đó đã có phương án xử lý đối với Ngân hàng Xây Dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank). Đây là 2 trong 3 ngân hàng thương mại TNHH MTV mà NHNN đã tiếp nhận 0 đồng (cùng với GPBank) và triển khai tái cơ cấu trong những năm qua.
Theo đó, đến hiện tại, Vietcombank (VCB) và MBBank (MB) là hai ngân hàng đã được lựa chọn để tham gia tái cơ cấu hai ngân hàng yếu kém theo hình thức chuyển giao bắt buộc.
VCB và MB như được biết, đã trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) 2022 kế hoạch này với các hướng triển khai cụ thể khi nhận chuyển guao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém là: Tổ chức tín dụng được chuyển giao sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ, là pháp nhân độc lập và không thực hiện hợp nhất BCTC vào BCTC hợp nhất của hai ngân hàng nhận chuyển giao.
Hai ngân hàng nhận chuyển giao sẽ không góp vốn vào TCTD trong thời gian TCTD còn lỗ lũy kế, đồng thời, không chịu trách nhiệm về thanh khoản và các nghĩa vụ tài chính của TCTD trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc.
Hai ngân hàng cũng sẽ tham gia quản trị, điều hành và triển khai các biện pháp hỗ trợ tại Phương án chuyển giao bắt buộc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, cả hai bên nhận chuyển giao và được chuyển giao đều được áp dụng các biện pháp hỗ trợ theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, các quy định của pháp luật có liên quan được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại Phương án chuyển giao bắt buộc.
Với kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém, các nhà băng cũng đặt kỳ vọng về hiệu quả tích hợp trong tương lai.
>> MB có thể “nhận chuyển giao bắt buộc” ngân hàng nào?
Cụ thể, tại ĐHĐCĐ của MB năm 2022, ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ MB cho biết việc nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD giúp MB có cơ hội để tăng trưởng quy mô cao hơn mức tăng trưởng bình quân thị trường khoảng 1,5 - 2 lần trong dài hạn, cải thiện thứ hạng cạnh tranh và có nhiều không gian tăng trưởng mới.
Ông Thái cũng nhấn mạnh với cổ đông là “Khi giải quyết câu chuyện khó của ngành ngân hàng, giá trị thương hiệu của MB được cộng hưởng với tốc độ tăng trưởng, tăng sức cạnh tranh, tăng vốn hoá nhờ mở rộng vốn hoá. Bên cạnh đó, cũng sẽ làm lành mạnh hoá hệ thống, từng bước giải quyết khoản lỗ, giảm gánh nặng cho ngân sách. Trong khi quyền lợi, lợi ích hợp pháp được kế thừa, với tiềm lực MB cung cấp giá trị tốt hơn cho khách hàng”.
Còntại ĐHĐCĐ 2022 của Vietcombank, ngân hàng này tổ chức sau và trình chủ trương sau MB, Lãnh đạo VCB cũng nhấn mạnh các mục tiêu và lợi ích đạt được của ngân hàng khi thực hiện chủ trương này như: Tiếp nhận tổ chức tín dụng yếu kém này sẽ cho phép Vietcombank có điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng, mạng lưới… và có thể nhận sáp nhập, hoặc tiếp tục duy trì.
Đáng chú ý, theo VCB, ngân hàng sẽ được được ưu tiên chấp thuận cho vay vượt 15%/25% vốn tự có của VCB đối với khách hàng và nhóm khách hàng liên quan của VCB; Cho vay trung dài hạn bằng ngoại tệ đối với các dự án trọng điểm; Tăng thị phần phục vụ các dự án vốn tín dụng quốc tế cho VCB trong suốt thời gian tổ chức tín dụng chưa hết lỗ luỹ kế.
Đồng thời NHNN sẽ không giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm của VCB nếu VCB đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định. Và VCB cũng được hưởng đặc quyền ngay sau khi nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng, ngân hàng được phát hành trái phiếu dài hạn cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam…
Các nhà băng đều khẳng định việc tham gia tái cơ cấu này phù hợp với chủ trương của Chính phủ, NHNN và quy định pháp luật, góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của ngành ngân hàng, nền kinh tế.
Như vậy, theo định hướng mới với danh tính của các ngân hàng yếu kém được chuyển giao (CBBank và OceanBank) và 2 ngân hàng lớn nhận chuyển giao bắt buộc đã được gọi tên, song hướng xử lý nhà băng nào chuyển giao bắt buộc cụ thể ra sao, vẫn chưa chính thức công bố.
Thị trường cho rằng OceanBank sẽ là ngân hàng được “khớp lệnh” cùng MB; còn CBBank sẽ về tay Vietcombank. Bởi trong thực tế, chỉ xét riêng với trường hợp CBBank, Vietcombank đã có quá trình "ngắm" và gần gũi khá sớm khi ngân hàng đã tham gia hỗ trợ tái cơ cấu và từ 2015, đặc biệt cử nhân sự với cấp lãnh đạo Phó Tổng Giám đốc sang làm Chủ tịch HĐTV. Do đó, đây được dự đoán là kịch bản diễn ra tới đây.
Trước đó, chia sẻ quan điểm trong bài viết trên DĐDN, ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, chuyên gia Tài chính nhận định, “Nhìn chung, với các ngân hàng thì đây là kế hoạch có lợi cho chính họ và cả hệ thống. Bởi thời gian các ngân hàng yếu kém thuộc NHNN sở hữu trực tiếp đã khá lâu và khá đủ cho họ tái cơ cấu phần nào. Theo đó, đã đến lúc các ngân hàng này cần được trả về hoạt động thông thường để tiến đến tạo được bước mở nút thắt cho câu chuyện bán vốn (mà như được biết đã có những ngân hàng ngoại muốn tìm hiểu, se duyên cùng các ngân hàng này nhưng không đi đến kết quả), dần dần làm lành mạnh hóa chính các tổ chức này và toàn diện hệ thống”.
Có thể bạn quan tâm