Quảng Nam sẽ tăng cường quản lý, giám sát các dự án, yêu cầu chủ đầu tư hiện công khai thông tin về bất động sản,... tránh tình trạng “sốt ảo”.
Thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, ông Trần Nam Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn. Cụ thể, địa phương này sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về thị trường bất động sản, nhất là trong giai đoạn sắp xếp đơn vị hành chính hiện nay.
Tại công văn này, tỉnh Quảng Nam giao Sở Xây dựng có trách nhiệm đăng tải công khai khi có văn bản xác nhận dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản đủ điều kiện được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân xây dựng nhà ở. Đồng thời, chỉ đạo Thanh tra Sở tăng cường kiểm tra, thanh tra, nắm bắt thông tin, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, xây dựng và pháp luật khác có liên quan (nếu có).
Tương tự, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công an tỉnh chủ động nắm bắt tình hình các chủ đầu tư dự án mở bán trên địa bàn tỉnh (hoặc địa phương khác) khi chưa đủ điều kiện để kịp thời chấn chỉnh, xử lý theo quy định. Đồng thời, chủ động kiểm tra, nắm bắt thông tin để xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo, lũng đoạn, xúi giục, kích động, gây bất ổn thị trường bất động sản.
“Tăng cường nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản và hoạt động môi giới bất động sản vi phạm pháp luật, các hành vi trốn thuế, đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường bất động sản, tín dụng trên địa bàn tỉnh”, công văn do ông Hưng ký nêu rõ.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố có nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra, kịp thời phát hiện những thông tin rao bán, đặt cọc đất nền tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn và đất nền tại các khu vực khác trên địa bàn khi chưa đủ điều kiện để chấn chỉnh, xử lý.
Với các chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu dân cư, khu đô thị, các đơn vị được yêu cầu thực hiện công khai thông tin về bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh theo quy định, công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp; công khai thông tin tại vị trí dự án về tình hình thực hiện dự án, thông tin rõ các dự án chưa đủ điều kiện theo quy định.
Theo tìm hiểu, thời gian qua UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn. Qua đó, công tác quản lý nhà nước về thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh đã cơ bản phát huy hiệu lực, hiệu quả; khắc phục một số nội dung tồn tại, bất cập, giảm tình trạng khiếu nại, khiếu kiện.
Tuy nhiên, thời gian gần đây tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu xuất hiện hoạt động “sốt ảo”, “thổi giá”, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, có khả năng phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, an ninh trật tự và môi trường đầu tư. Đặc biệt hơn, khi thông tin về sáp nhập tỉnh lan truyền trên mạng xã hội thì giá đất tại khu vực giáp ranh giữa Quảng Nam – Đà Nẵng liên tục “nhảy múa” khiến nhiều người quan ngại.
Ông Nguyễn Đức Lập – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản cho rằng nhu cầu mua bất động sản tăng cao là bởi thông tin sáp nhập 2 địa phương Đà Nẵng – Quảng Nam được lan truyền trong thời gian qua, khi trung tâm hành chính dời về TP Đà Nẵng nên giá tăng. Đồng thời, khu vực giáp ranh giữa 2 địa phương có nhiều tiện ích, dịch vụ nên rất nhiều người thăm dò tìm cơ hội đầu tư hoặc mua đất định cư.
“Nếu sáp nhập thật sự và Trung tâm hành chính được dời về Đà Nẵng thì sẽ có một lượng lớn người di chuyển về đây. Tại đây công việc, di chuyển của người dân khi sở hữu nhà ở khu vực này cũng thuận tiện hơn”, ông Lập nói.