Chặn đứng hành vi thao túng thị trường chứng khoán

Diendandoanhnghiep.vn Việc điều tra, xác minh làm rõ và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi thao túng thị trường chứng khoán, đã góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư, nâng cao uy tín của cơ quan quản lý.

Rủi ro tiềm ẩn

Vừa qua, Phòng An ninh Kinh tế, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, công an TP. Hà Nội đã phối hợp với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) trong công tác xác minh, điều tra một số vụ việc có dấu hiệu giao dịch thao túng thị trường chứng khoán (TTCK), giúp UBCKNN thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng trong vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự.

 Bên cạnh xu thế tăng điểm tích cực trong thời gian qua trên TTCK đang tiềm ẩn một số yếu tố không bền vững (ảnh: Internet)

Bên cạnh xu thế tăng điểm tích cực trong thời gian qua, trên TTCK đang tiềm ẩn một số yếu tố không bền vững (ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng đã hỗ trợ UBCKNN trong điều tra truy tìm đối tượng phát tán tài liệu giả mạo. Căn cứ theo kết quả xác minh, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã xử phạt đối tượng cung cấp thông tin sai sự thật và công văn giả mạo trên mạng xã hội.

Theo báo cáo của Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), bên cạnh xu thế tăng điểm tích cực, trên TTCK đang tiềm ẩn một số yếu tố không bền vững như sau:

Thứ nhất, tăng trưởng của TTCK đang không phù hợp với trạng thái của nền kinh tế và không tương xứng với giá trị của một số doanh nghiệp. Trong đó, tốc độ tăng của các chỉ số chứng khoán cao hơn nhiều lần so với tăng trưởng kinh tế và xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng mạnh.

Thứ hai, dòng tiền lớn chảy vào TTCK gần đây đến từ nguồn các nhà đầu tư cá nhân, trong khi đây là nhóm nhà đầu tư thiếu kiến thức và kinh nghiệm đầu tư với tâm lý dễ dao động. Sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân tuy đã đóng góp tích cực vào sự phục hồi và tăng trưởng của TTCK nhưng cũng tiềm ẩn những biến động khó lường.

Thứ ba, dòng vốn cho vay từ các công ty chứng khoán qua giao dịch ký quỹ và ứng trước tiền bán cũng chảy mạnh vào thị trường. Theo quy định, các công ty chứng khoán không được cho vay quá 2 lần vốn chủ sở hữu. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ dư nợ giao dịch ký quỹ/tổng vốn điều lệ của các công ty chứng khoán vẫn ở mức dưới 1, nhưng thực tế thị trường đã xuất hiện các trường hợp tiến sát mức trần giới hạn.

Thứ tư, tình trạng thao túng giá cổ phiếu có dấu hiệu nghiêm trọng hơn, tác động tiêu cực đến niềm tin, tính minh bạch trên thị trường. Với khối lượng giao dịch trên TTCK hiện còn tương đối nhỏ thì việc thao túng giá cổ phiếu tương đối lớn. Mặc dù thời gian qua có nhiều vụ việc thao túng giá bị phát hiện và xử phạt nhưng với chế tài của Việt Nam còn rất thấp, chưa tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi thì chưa đủ tính răn đe.

 Xử lý nghiêm hành vi thao túng thị trường

Theo UBCKNN, các vụ việc thao túng thị trường chứng khoán, lan truyền thông tin sai sự thật trên mạng gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nhà đầu tư, tính bền vững, công khai, minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc điều tra, xác minh làm rõ các vụ việc và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm đã góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư, nâng cao uy tín của cơ quan quản lý.

Để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, pháp luật Việt Nam đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt, xử lý các hành vi thao túng thị trường chứng khoán (ảnh: Internet)

Để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, pháp luật Việt Nam đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt, xử lý các hành vi thao túng thị trường chứng khoán (ảnh: Internet)

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Vũ Minh Tiến, đại diện công ty Luật VIAD cho biết, câu chuyện thao túng thị trường chứng khoán xảy ra không hiếm trong thời gian vừa qua, tuỳ vào phương thức, mức độ để có những chế tài xử lý khác nhau.

Trong đó, có nhiều công ty phát hành cổ phiếu sử dụng thủ đoạn lập ra một số tài khoản để thực hiện giao dịch chéo cổ phiếu của mình, nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo trên thị trường chứng khoán, thu hút các nhà đầu tư, giúp tăng giá cổ phiếu và tăng tính thanh khoản.

Để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, pháp luật Việt Nam đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt, xử lý các hành vi thao túng thị trường chứng khoán như trên. Tại Khoản 3, Điều 12, Luật Chứng khoán năm 2019 quy định, hành vi thao túng giá chứng khoán là một trong các hành vi bị cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, cụ thể như sau: “Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán”.

Về trách nhiệm hình sự, trong Bộ luật Hình sự 2015, các tội phạm liên quan đến chứng khoán đã được cụ thể hơn rất nhiều, tại Điều 211 quy định về tội thao túng thị trường chứng khoán, thu lợi bất chính từ 500 nghìn đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng, hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Với hành vi phạm tội: Có tổ chức; Thu lợi bất chính từ 1,5 tỷ đồng trở lên; Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3 tỷ đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tiền từ 2 tỷ đồng đến 4 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Điển hình như vụ án vào tháng 5/2020, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Hinh (SN 1975), nguyên Chủ tịch HĐT CTCP Công nghiệp và khoáng sản Bình Thuận (KSA) mức án 18 tháng tù vì tội “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Theo đó, bà Phạm Thị Hinh, cựu Chủ tịch HĐQT KSA và các đồng phạm đã sử dụng 69 tài khoản chứng khoán để giao dịch chéo, tạo cung cầu giả, đẩy tăng giá cổ phiếu KSA, dụ các nhà đầu tư nhỏ lẻ “đua theo sóng”.

Cơ quan điều tra cũng xác định trong giai đoạn tháng 12.2015 - 7.2016, có 1.490 NĐT tham gia giao dịch CP KSA và mua, bán hơn 29,7 triệu cổ phiếu với chênh lệch giá bán thấp hơn giá mua là 8,1 tỉ đồng và đây cũng là thiệt hại của các nhà đầu tư.

Chia sẻ với báo chí, đại diện một công ty chứng khoán lớn ở TP.HCM nhận xét: “Những chiêu trò như KSA đã diễn ra 4 - 5 năm, sau đó mới bị cơ quan điều tra phát hiện thì bản thân nhà đầu tư cũng đã mất tiền. Vì vậy, các nhà đầu tư cá nhân cần tỉnh táo, không nên để lòng tham dẫn dắt với tâm lý muốn làm giàu nhanh hay chỉ thích lao vào đầu tư những cổ phiếu tăng trần liên tục, cùng các thông tin thiếu xác thực”.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Chặn đứng hành vi thao túng thị trường chứng khoán tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713950924 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713950924 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10