Chàng trai "đắm đuối" robot

Theo DNSG 19/01/2018 07:53

Mê robot, tham gia cuộc thi Robocon nhưng vì lĩnh vực này chưa phát triển nên Huỳnh Phong Phú - Giám đốc bộ phận Robot Công ty TNHH ABB đành hướng đến con đường kinh doanh để thỏa mãn đam mê, đồng thời lập kế hoạch cho cuộc đời mình trong hai, ba mươi năm tới.

Học Đại học Công nghiệp TP.HCM và mê robot nên ngay từ thời còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, Huỳnh Phong Phú đã tham gia cuộc thi Robocon do Hiệp hội Phát thanh Truyền hình Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức. Mặc dù chưa chạm được chiếc cúp vô địch Việt Nam sau hai lần tham gia nhưng điều này không khiến Phú nhụt chí khi "muốn làm điều gì đó cho ngành tự động hóa Việt Nam".

Từ đam mê

Không có điều kiện nghiên cứu robot, Phú xin vào một công ty thương mại máy móc công nghệ của Nhật để luyện tay nghề và học hỏi kinh nghiệm. Năm 2009, khi biết tin ABB - một trong bốn thương hiệu robot công nghiệp lớn nhất thế giới, có trụ sở chính tại Thụy Sỹ muốn phát triển mảng robot tại thị trường Việt Nam, Phú đã mạnh dạn đầu quân về đây.

ABB không sản xuất robot tại Việt Nam mà chỉ mang các sản phẩm công nghệ tự động - robot từ các nhà máy của ABB trên thế giới đến Việt Nam để đáp ứng nhu cầu nâng cao năng suất cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất. Nhưng, "được tiếp cận công nghệ, được chạm vào những con robot tân tiến nhất thế giới của ABB là niềm hãnh diện của Phú. Vui hơn nữa khi Phú là người mang công nghệ của nước ngoài này giúp các DN Việt Nam phát triển và hội nhập", Phú chia sẻ.

Vì ABB phát triển thương mại nên Phú bắt đầu công việc như một nhân viên bán hàng. Một kỹ sư tự động hóa phải chuyển sang làm kinh doanh quả là khó khăn, nhưng chàng trai trẻ không nản lòng. Phú bảo: "Đam mê là động lực lớn nhất để trau dồi những kỹ năng khác mình chưa có, chưa được đào tạo. Và đây cũng chính là sự kích thích, là thử thách để mình khám phá cái mới".

Những trở ngại, bỡ ngỡ ban đầu cũng dần qua, từ một người chỉ biết về máy móc, với sự nỗ lực từng ngày, Phú đã thông thạo tất cả kỹ năng bán hàng, trở thành người am tường về kinh doanh, quản trị nhân sự và tất cả các vấn đề để khởi tạo và vận hành bộ máy của một DN.

Cũng nhờ vậy mà từ một nhân viên kinh doanh bình thường, Phú được giao nhiệm vụ phụ trách khách hàng, rồi quản lý mạng lưới đối tác phân phối, sau đó là trưởng phòng kinh doanh. Tháng 4/2017, sau hai năm làm công việc của một giám đốc không chính thức, Phú đã được đề bạt lên vị trí này thay thế những người nước ngoài đã giữ vị trí này từ khi ABB thành lập bộ phận robot tại Việt Nam.

Với Phú, đam mê robot không chỉ là kỹ thuật sáng tạo mà còn là ứng dụng để tích hợp hệ thống, giúp DN tự động hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, giảm thiểu chi phí. "Việc ứng dụng công nghệ giúp giải quyết bài toán kinh tế cho DN cũng là niềm đam mê Phú đeo đuổi. Phú rất vui khi thấy DN Việt Nam phát triển nhờ áp dụng hiệu quả robot ABB", Huỳnh Phong Phú thổ lộ.

...đến quản trị cuộc đời

Niềm vui của Phú tăng dần khi những công nghệ robot của nước ngoài do Phú mang về đã giúp ích ngày càng nhiều DN Việt Nam. Vì thế, Phú cho biết sẽ "đắm đuối" với niềm vui này ít nhất trong năm năm nữa.

Mê là vậy, vui là vậy nhưng Phú đã hoạch định sự nghiệp cho mình: sẽ làm điều gì đó có giá trị cho bản thân và cộng đồng. "Khi vào độ tuổi trung niên (40 - 50 tuổi), Phú sẽ trở thành nhà tư vấn về thị trường robot song song với việc truyền đạt những kiến thức đã học, những gì đã trải nghiệm cho thế hệ kế cận qua các chương trình phát triển con người và năng lực lãnh đạo. Chắc chắn sẽ có những cuốn sách về "lãnh đạo" do Phú chấp bút được phát hành", Phú tiết lộ.

Đó là tương lai xa, còn hiện tại Phú đang cùng với đội ngũ của ABB lên kế hoạch đón đầu nhu cầu bùng nổ của thị trường robot trong vài, ba năm tới. Cụ thể là vào tháng 3 tới đây, Công ty sẽ đưa vào hoạt động một trung tâm kỹ thuật và dịch vụ robot tại Bắc Ninh, gồm xưởng lắp ráp, chạy thử, đào tạo và cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho khách hàng. Đây cũng là kho lưu trữ phụ tùng thay thế, phục vụ khách hàng 24/7. Tiếp đó, vào quý III/2018, Công ty sẽ lên kế hoạch xây dựng một trung tâm kỹ thuật và dịch vụ robot tại TP.HCM.

Theo Phú, công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh và nhu cầu sử dụng robot trong sản xuất đang tăng đáng kể tại Việt Nam. Minh chứng cho điều này là số lượng robot công nghiệp ABB được tiêu thụ mạnh trong hai năm qua. Trước năm 2015, mỗi năm có khoảng 200 - 300 robot các loại được tiêu thụ tại Việt Nam nhưng năm 2016 và 2017, số lượng robot ABB bán ra lên đến 2.000 - 3.000 con/năm.

Hiện nay, chênh lệch chi phí giữa lao động thủ công và robot là khá lớn, nhưng trong thời gian tới điều này sẽ thay đổi. Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ robot với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực ASEAN và dự kiến trong 2 - 3 năm nữa sẽ bùng nổ. Lý do để Phú tin vào điều này là Việt Nam tuy có nguồn lao động giá rẻ nhưng khoảng cách chi phí giữa lao động thủ công và robot sẽ được xóa bỏ trong 2 - 3 năm tới.

Môi trường đầu tư Việt Nam đang thu hút DN nước ngoài, đặc biệt là DN Hàn Quốc, Nhật Bản thành lập tại Việt Nam, xây dựng chuỗi sản xuất sản phẩm để xuất khẩu. Bên cạnh đó, Việt Nam có nền chính trị ổn định, đã ký kết nhiều hiệp định thương mại khu vực và thế giới, đồng thời có tốc độ phát triển thương mại điện tử vào hàng nhanh nhất thế giới.

Với kinh nghiệm của một người am hiểu về kỹ thuật, công nghệ, thị trường..., Phú muốn xây dựng ABB thành một thương hiệu robot lớn nhất Việt Nam trong một, hai năm tới. Và hiện tại, chàng trai trẻ này đang ra sức xây dựng một đội ngũ mạnh, có thể thay anh tiếp tục phát triển thị trường và mảng kinh doanh robot trong lâu dài để anh có thể chuyên tâm vào mục tiêu cá nhân đã hoạch định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chàng trai "đắm đuối" robot
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO