Châu Á đang thờ ơ với Đạo luật AI của EU

CẨM ANH 21/07/2023 03:30

Liên minh châu Âu (EU) đang tăng cường thuyết phục các nước châu Á về sự cần thiết của các quy tắc nghiêm ngặt về trí tuệ nhân tạo (AI).

>>Trung Quốc tăng cường quản lý AI tạo sinh

Châu Âu

Châu Âu đang vận động châu Á áp dụng các quy tắc quản lý AI

Theo các quan chức cấp cao của châu Âu và châu Á, EU đang vận động hành lang các quốc gia châu Á đi đầu trong lĩnh vực AI ủng hộ việc áp dụng các quy tắc mới cho các công ty công nghệ để quản lý AI.

EU và các quốc gia thành viên đã cử các quan chức đến đàm phán về việc quản lý sử dụng AI với ít nhất 10 quốc gia châu Á, trong đó có Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Philippines. Mục tiêu của khối là Đạo luật AI sẽ trở thành một chuẩn mực toàn cầu về lĩnh vực công nghệ đang bùng nổ, giống như cách mà luật bảo vệ dữ liệu của khối đã giúp hình thành các tiêu chuẩn về quyền riêng tư toàn cầu.

Theo Bộ trưởng kỹ thuật số Hà Lan Alexandra van Huffelen trao đổi với Reuters trong một cuộc phỏng vấn, những nỗ lực vận động ở châu Á là một phần trong nỗ lực toàn cầu của các quốc gia châu Âu, bao gồm các cuộc đàm phán với các quốc gia như Canada, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel.

Tuy nhiên, theo nguồn tin từ Reuters, nỗ lực thuyết phục các chính phủ châu Á về sự cần thiết của các quy tắc nghiêm ngặt này đang nhận được sự thờ ơ. Nhiều quốc gia ủng hộ cách tiếp cận “chờ và xem” hoặc đang hướng tới một cơ chế quản lý linh hoạt hơn.

Cụ thể, một quan chức Singapore giấu tên cho biết nước này đang xem xét sự phát triển của lĩnh vực công nghệ này trước khi điều chỉnh các quy định có liên quan. Tương tự, các quan chức của Philippines cũng bày tỏ lo ngại rằng việc thay đổi quy định quá vội vàng có thể kìm hãm sự đổi mới của AI.

>>Ứng dụng Trung Quốc “xâm chiếm” Mỹ (bài 1)

Đạo luật AI của châu Âu

Đạo luật AI của châu Âu đang vấp phải sự phản đối từ nhiều công ty

Như Reuters đã đưa tin vào tháng trước, các quốc gia Đông Nam Á đang xây dựng các hướng dẫn tự nguyện liên quan đến việc quản lý AI. Về phần mình, Nhật Bản đang nghiêng về các quy tắc nhẹ nhàng hơn so với cách tiếp cận nghiêm ngặt được EU ủng hộ, vì nước này kỳ vọng AI sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đưa Nhật Bản trở thành quốc gia dẫn đầu về chip tiên tiến.

Sự xuất hiện của AI đã được ca ngợi là một bước đột phá mở ra một kỷ nguyên tiến bộ nhanh chóng của khoa học và công nghệ, góp phần cách mạng hóa tất cả các khía cạnh hoạt động của con người, nhưng cũng được coi là một mối đe dọa hiện hữu.

Trước đó, các nhà lập pháp EU đã nhất trí thông qua một bộ quy tắc về quản lý lĩnh vực AI, khiến các công ty như OpenAI, nhà điều hành ChatGPT, phải tiết lộ những nội dung do AI tạo ra, giúp phân biệt những hình ảnh bị làm giả bằng công nghệ  với hình ảnh thật, cũng như đảm bảo các công ty này có các biện pháp chống lại nội dung bất hợp pháp.

Đạo luật AI cũng đưa ra các khoản phạt tài chính đối với việc vi phạm quy tắc. Theo nhiều chuyên gia, nỗ lực của châu Âu cũng là một phần trong cuộc chạy đua với Trung Quốc trong việc thiết lập khuôn khổ cho việc quản lý AI. Mới đây, Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc (CAC) đang hoàn thiện dự thảo một số quy định đầu tiên để tăng cường quản lý lĩnh vực AI tạo sinh.

Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, Đạo luật này đang vấp phải sự phản đối từ nhiều công ty. Theo đó, khoảng 160 giám đốc điều hành đã ký một lá thư cảnh báo rằng, điều này có thể gây nguy hiểm cho khả năng cạnh tranh, đầu tư và đổi mới của châu Âu.

Tuy nhiên, các quan chức từ EU vẫn bày tỏ sự lạc quan rằng họ có thể tìm thấy điểm chung với các đối tác quốc tế để thúc đẩy hợp tác về quản lý công nghệ bao gồm cả AI. Trước đó, các nhà lãnh đạo G7 bao gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh, Mỹ và EU đã kêu gọi áp dụng các tiêu chuẩn để tạo ra AI “đáng tin cậy” và thành lập một diễn đàn liên chính phủ có tên là "tiến trình AI của Hiroshima".

Có thể bạn quan tâm

  • Trung Quốc vẫn hấp dẫn doanh nghiệp bán dẫn Mỹ

    Trung Quốc vẫn hấp dẫn doanh nghiệp bán dẫn Mỹ

    03:30, 20/07/2023

  • Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc gây lo ngại

    Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc gây lo ngại

    02:30, 18/07/2023

  • Trung Quốc tăng cường quản lý AI tạo sinh

    Trung Quốc tăng cường quản lý AI tạo sinh

    03:04, 15/07/2023

  • Vì sao Trung Quốc đang chiếm ưu thế trong lĩnh vực AI?

    Vì sao Trung Quốc đang chiếm ưu thế trong lĩnh vực AI?

    03:30, 07/07/2023

  • Trung Quốc tung đòn đáp trả Mỹ và phương Tây

    Trung Quốc tung đòn đáp trả Mỹ và phương Tây

    03:30, 05/07/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Châu Á đang thờ ơ với Đạo luật AI của EU
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO