Sau 3 năm thực hiện thu phí dịch vụ, BQL cảng cá Hà Tĩnh phải “ôm” khoản nợ hàng trăm triệu đồng. Việc thu hồi khoản nợ này đang là vấn đề nan giải…
13 chủ tàu nợ hơn 235 triệu đồng
Thực hiện Quyết định 16/2017/QĐ-/UBND ngày 21/4/2017 của UBND Hà Tĩnh về việc giá dịch vụ sử dụng cảng cá được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý. Theo đó, những tàu thuyền khi ra vào, neo đậu tại cảng cá và khu neo đậu, tránh trú bão trên địa bàn phải thực hiện nghiêm túc việc nộp phí theo quy định.
Nội dung của Quyết định ghi rõ, mức phí dịch vụ cho một lần cập cảng (không quá 48 giờ) đối với tàu thuyền đánh cá được quy định mức từ 8.000 đồng đến 80.000 đồng tùy theo công suất của tàu. Đối với tàu vận tải cập cảng từ 15.000 đồng đến 130.000 đồng/lần (tùy theo tải trọng).
Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện việc thu phí, số tiền ngư dân nợ phí bến bãi đã lên đến 235 triệu đồng. Theo BQL cảng cá Xuân Hội (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) thì việc thu hồi số nợ này đang rất khó khăn.
Cảng cá Xuân Hội hiện có hơn 60 tàu đang hoạt động và neo đậu, trong đó có 20 tàu lớn và hơn 40 tàu nhỏ. Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 20/5/2020, tại cảng cá Xuân Hội có khoảng 27 tàu thuyền của 13 chủ tàu “chây ì” việc đóng phí. Hiện, tổng số tiền của các chủ tàu này đã lên đến hơn 235 triệu đồng, trong đó chủ tàu nợ ít nhất khoảng 3 triệu đồng, nhiều nhất khoảng 30 triệu đồng.
Theo Đinh Sỹ Long, Cảng trưởng Cảng cá Xuân Hội, các chủ tàu đã đăng ký nộp giá dịch vụ sử dụng cảng cá theo năm kể từ ngày 1/6/2017, mỗi năm nộp 2 đợt vào thời gian đầu tháng của mỗi đợt. Nhưng đến nay qua nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở nhưng một số chủ thuyền vẫn chưa thực hiện theo quy định.
“Họ (ngư dân – PV) không nói là không nộp nhưng mỗi lần đến thu họ đều bảo chưa có. Một số tàu thuyền đã được bán cho người khác nhưng số nợ này vẫn không thể thu hồi. Chúng tôi cũng không còn cách nào khác bởi số nợ này không thu được, cũng không thể xóa nợ. Hằng năm chúng tôi tổng hợp lại và báo cáo cấp trên”, ông Long nói.
Do cảng cá bồi lắng?
Theo ông Long, một trong những nguyên nhân khiến việc thu các khoản phí dịch vụ cảng cá gặp nhiều khó khăn bởi ngư dân cho rằng cảng cá bị bồi lắng không thỏa mãn được hoạt động cập cảng và neo đậu của ngư dân.
Ngư dân Lê Văn Nhâm hiện có 2 tàu cá công suất 320CV. Trước đây, mỗi tháng, ông Nhâm phải đóng mức phí 320.000 đồng. Tuy nhiên, khoảng 2 năm lại đây, mức phí tăng lên, mỗi tháng ông phải đóng khoảng 1,8 triệu đồng.
Giải thích cho việc chậm nộp phí, ông Lê Văn Nhâm cho rằng lâu nay cảng bị bồi lắng, tàu thuyền ra vào rất khó khăn. “Mỗi lần ra vào cảng chúng tôi phải căn theo nước thủy triều lên xuống, rất vất vả. Để đưa thủy hải sản vào bờ, chúng tôi phải bỏ chi phí thuê thuyền nhỏ tăng bo vào và đưa đá lạnh ra tàu. Nếu cảng cá hoạt động hiệu quả thì chúng tôi không phải mất khoản phí này, nhiều hôm phải sang Nghệ An để cập bến. Chúng tôi không phải chống đối nhưng đồng tiền bỏ ra”, ông Nhâm nói.
Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc BQL cảng cá Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc họp, phát văn bản đi, văn bản lại nhưng chưa có hình thức cưỡng chế nên họ không chấp hành. Để đảm bảo các quy định của pháp luật được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và tính công bằng của người dân khi sử dụng cảng, BQL đã báo cáo và đề nghị các cơ quan chức năng liên ngành phối hợp để giải quyết vấn đề này”.
Có thể bạn quan tâm