Tiện lợi, nhanh chóng… nhưng có đồng nghĩa với chất lượng đi kèm như quảng cáo hay không, quản lý như thế nào? Là nội dung phản ánh về tình trạng bán hàng trên online trong thời gian vừa qua.
Thời kỳ công nghiệp 4.0, chúng ta không phủ nhận về sự phát triển mạnh và nhanh về công nghệ số, thêm vào đó là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu mua hàng trên online của người dân ngày càng tăng cao. Và câu chuyện về sự tiện lợi, nhanh chóng… thì ai cũng thấy rõ, song, sự tiện lợi này có đồng nghĩa với chất lượng đi kèm như quảng cáo hay không? Đây là câu hỏi được dư luận đặc biệt quan tâm về tình trạng bán hàng trên online ngày một phát triển và có dấu hiệu “biến tướng”, suy thoái về đạo đức kinh doanh.
Tiền mất, tật mang...
Hiện nay nhiều khách hàng mua hàng hóa trên mạng lại đang tỏ ra lo lắng vì khi nhận được những sản phẩm không đúng như những gì “quảng cáo”. Đáng chú ý, khi khách hàng phản ánh về tình trạng những sản phảm kém chất lượng, không đúng với những gì quảng cáo trước đó, thì ngay lập tức bị người bán hàng “khủng bố” tinh thần, thậm chí còn cho người đến tìm tận nhà để hăm dọa, là những vấn đề rất đáng lưu ý.
Theo phản ánh của một số người dân trên địa bàn TP.HCM, sau khi nghe những lời quảng cáo có cánh, họ đã bị sập bẫy bởi những trang mua bán hàng gian dối, kém chất lượng… khiến tiền mất, tận mang, thậm chí bị những người lạ mặt tới tận nhà để đe dọa nếu cung cấp thông tin cho báo chí và các cơ quan chức năng.
Bà Đ.T.Y.T, địa chỉ phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM, cho biết: Trong thời gian vừa qua, bà mua hàng chục món đồ trang sức với tổng trị giá hàng chục triệu đồng, mua bán online trên một trang fanpage có tên 2hand fashion có địa chỉ tại quận Tân Bình, TP. HCM. Tuy nhiên, những món đồ này sau khi mua về và mang trên người có vài lần thì đã chuyển sang màu khác.
Theo bà T, lúc chưa mua hàng thì quảng cáo là đá Rubi Nam Phi, nhưng nhận về thì không đúng như vậy. Và khi phản ánh tới thì shop phản hồi vô trách nhiệm, thậm chí có những lời đe dọa. Sau khi đi kiểm định thì kết quả chỉ là đá nhân tạo.
Tương tự, bà N.D.C, địa chỉ phường Tân Hưng Thuận, quận 12, cho biết: Do tin tưởng vào những lời quảng cáo có cánh, kèm theo cam kết bao kiểm định rằng hàng hóa đấu giá từ Mỹ, chuẩn Mỹ, bà đã bỏ ra hơn mấy chục triệu để mua một số món đồ là đồng hồ và dây chuyền… Tuy nhiên, khi nhận được hàng hóa thì đây là những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc đặc biệt là không như cam kết của người phụ nữ livestream bán hàng tại 2Hand fashion.
Hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Nhìn vào câu chuyện nêu trên cho thấy, đây không phải là câu chuyện mới phản ánh về tình trạng bán hàn gian dối, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, mà dư luận đã phản ánh trong thời gian qua. Bởi trên thực tế, chúng ta không quá khó để tìm ra các trang mạng mua bán hàng qua mạng khi chỉ cần gõ từ khóa “mua hàng online” trên google sẽ cho ra rất nhiều kết quả. Tình trạng mua bán hàng không giống như hình quảng cáo, chất lượng sản phẩm không như minh họa, thậm chí kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đã và đang ngày càng trở nên phổ biến, thậm chí đang có dấu hiệu “biến tướng” về loại hình kinh doanh này.
Chắc hẳn chúng ta còn nhớ, sau khi nghi ngờ có sự gian lận xuất xứ hàng hóa từ website “samsungvietnam.online”. Các cơ quan chức năng đã kiểm tra đột xuất Cửa hàng kinh doanh điện thoại Di động số tại địa chỉ số 27 Trần Bình, Cầu Giấy, Hà Nội thuộc Cty TNHH Relex Việt Nam. Thời điểm kiểm tra, Cty khai nhận đã mua 19 chiếc Samsung S10+ từ Lạng Sơn với giá 1.350.000 - 1.700.000 đồng/chiếc và đã bán qua website samsungvietnam.online với mức giá từ 1.800.000 - 3.500.000 đồng/chiếc. Việc mua bán số điện thoại trên không có hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật.
Tương tự, mới đây, cơ quan chức năng đã đột nhập vào kho hàng lậu 'khủng' giữa Lào Cai, doanh thu mỗi tháng hơn 10 tỉ đồng. Đáng chú ý, kho hàng này chưa tới hàng chục nghìn sản phẩm tiêu dùng nghi giả các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Burberry, Nike, Adidas, LV, Chanel, Gucci... cùng dàn máy móc để livestream quy mô trong kho hàng lậu 10.000m2 khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Và để vạch trần hành vi này, các cơ quan chức năng phải mất hơn 6 tháng điều tra, theo dõi. Và ngày 7/7, tổ công tác của Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) Bộ Công an và Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai đã đột kích kiểm tra kho hàng lậu khủng có diện tích hơn 10.000m2 tại số 145 Hoàng Diệu, phường Lào Cai, thành phố Lào Cai.
Kho hàng này do Trần Thành Phú, 28 tuổi, thường trú tại phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, đứng tên.
Từ minh chứng trên cho thấy, chính sự dễ dàng của hình thức kinh doanh qua thương mại điện tử đã gây ra nhiều hệ lụy về nạn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, tính đến hết năm 2018, tổng số sản phẩm vi phạm buộc gỡ bỏ trên các sàn thương mại điện tử là 35.943 và hơn 3.126 tài khoản/gian hàng trên các sàn đã bị khóa.
… và chế tài nào để quản lý?
Nhận định về những thủ đoạn nêu trên, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho biết: Hiện phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm kinh doanh thương mại điện tử ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, mà chỉ tiếp nhận đặt online. Các đối tượng cũng phân tán hàng hóa nhiều nơi, chỉ giao hàng với số lượng nhỏ lẻ hoặc bán hàng qua cộng tác viên trung gian. Hoặc nhiều khi trên website đăng nhiều sản phẩm nhưng thực tế, nhiều đối tượng chỉ nhận đơn hàng, rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời… Do đó, các lực lượng chức năng rất khó tìm kiếm và xử lý các vụ việc vi phạm.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho biết: Có ba loại hình thương mại điện tử tiềm ẩn nguy cơ gian lận thương mại cao: Bán hàng trên mạng xã hội, bán hàng trên các website và sàn thương mại điện tử. Số gian hàng trên các website thương mại điện tử là vô hạn, không có ai chịu trách nhiệm. Hiện nay, hầu hết sản phẩm bán ra đều không có hoá đơn chứng từ nên việc xử lý càng khó khăn, không biết ai cung cấp hàng hoá cho các website này.
Phân tích về những hành vi nêu trên, Luật sư Trương Văn Tuấn - Đoàn luật sư TP. HCM, cho rằng: Trong bối cảnh bán hàng online đang lên ngôi, không phủ nhận sự tiện lợi của loại hình này mang lại. Song, việc quản lý của các cơ quan chuyên môn còn nhiều hạn chế. Do đó, để không bị thiệt hại thì người dân cần có sự chọn lọc, tìm hiểu kỹ thông tin về hàng hóa và đơn vị bán hàng. Nếu phát hiện ai kinh doanh online gian dối, mọi người có thể gửi thông tin tố giác, hoặc thông báo cho công an, quản lý thị trường sở tại để được xử lý theo quy định của pháp luật.
"Hành vi của người bán hàng hoá khi bán các sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đúng với chất lượng hàng hoá đã cam kết với người tiêu dùng, thì hành vi này có dấu hiệu của tội lừa dối khách hàng, theo Điều 198 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Ngoài ra còn bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả, theo Điều 192 BLHS, với khung phạt tù từ 1 năm đến 15 năm" - Luật sư Tuấn nói.
Như vậy, nhìn vào câu chuyện trên cho thấy, trong bối cảnh bán hàng online đang lên ngôi, không phủ nhận sự tiện lợi của loại hình này mang lại. Nhưng sự tiện lợi, nhanh chóng đó có đồng nghĩa với chất lượng đi kèm như quảng cáo hay không? Và chế tài nào cho quản lý bán hàng online kém chất lượng, gian lận thương mại… đang có dấu hiệu “biến tướng”? Là câu hỏi được dư luận đặc biệt quan tâm về tình trạng bán hàng trên online trong thời gian vừa qua.
Có thể bạn quan tâm
11:03, 03/08/2020
06:36, 02/08/2020
11:03, 01/08/2020
04:00, 28/07/2020
12:33, 21/07/2020
06:28, 07/07/2020