Dù đã được cải thiện qua nhiều năm, nhưng số lượng doanh nghiệp đạt chuẩn công bố thông tin tại hai Sở Giao dịch Chứng khoán HoSE và HNX vẫn mới chỉ hơn một nửa.
Khảo sát toàn diện về hoạt động công bố thông tin (CBTT) trên thị trường chứng khoán của tất cả doanh nghiệp niêm yết sàn HOSE và HNX trong năm 2021 (giai đoạn 01/05/2020 – 30/04/2021), Ban Tổ chức Chương trình IR Awards 2021 cho biết, có những tín hiệu tích cực về sự chú trọng CBTT của các đơn vị. Cùng với đó là sự "thay đổi" về nội dung lỗi vi phạm chuẩn CBTT.
Khảo sát được thực hiện đối với 724 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE và HNX trước ngày 01/05/2020. Các quy định của Thông tư 155/2015/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 06/10/2015 và Thông tư 96/2020/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 16/11/2020 và các quy định, thông báo khác từ các cơ quan Nhà nước liên quan được áp dụng làm chuẩn mực chính cho Bộ tiêu chí khảo sát, áp dụng cho kỳ khảo sát từ ngày 01/05/2020 đến 30/04/2021.
Theo đó, danh sách doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn công bố thông tin năm 2021 gồm có 389 đơn vị, chiếm 53.73% tống số doanh nghiệp thực hiện khảo sát. Các doanh nghiệp niêm yết ngày càng đáp ứng tốt hơn nghĩa vụ CBTT theo quy định. Số lượng doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn CBTT năm 2021 tăng 60 doanh nghiệp so với năm 2020 (từ 329 doanh nghiệp lên 389 doanh nghiệp), tương ứng với tăng 8.60 điểm phần trăm (từ 45.13% lên 53.73%). Tổng số doanh nghiệp niêm yết được khảo sát năm 2021 giảm 5 doanh nghiệp so với năm 2020 (từ 729 doanh nghiệp xuống 724 doanh nghiệp).
Kết quả: Nhóm Doanh nghiệp vốn hóa lớn (Large Cap) có 30 đơn vị đạt chuẩn CBTT năm 2021, chiếm 68% trong tổng số doanh nghiệp cùng nhóm; Doanh nghiệp vốn hóa vừa (Mid Cap) có 111 doanh nghiệp, chiếm 63%; Doanh nghiệp vốn hóa nhỏ (Small & Micro Cap) có 248 doanh nghiệp, chiếm 49%. Large Cap vẫn là nhóm có hoạt động quản trị công bố thông tin tốt nhất, Small & Micro Cap là nhóm có hoạt động quản trị công bố thông tin yếu nhất.
Về ngành, chứng khoán là ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đạt chuẩn CBTT năm 2021 cao nhất thị trường. Cụ thể, ngành này có 18/24 doanh nghiệp tuân thủ tốt hoạt động công bố thông tin, với tỷ lệ đạt chuẩn là 75%. Theo sau là ngành tiện ích với 28/44 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 63.64%. Ngược lại, ngành xây dựng là ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đạt chuẩn CBTT thấp nhất, với 40/94 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 42.55%.
"Nếu như trong năm 2020 các lỗi công bố thông tin tập trung vào báo cáo tài chính; thì trong năm 2021 này nổi trội là các lỗi về công bố thông tin liên quan đến ĐHĐCĐ thường niên và nhắc nhở hay xử phạt vi phạm công bố thông tin với lần lượt là 128 doanh nghiệp và 88 doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp vi phạm liên quan đến công bố thông tin báo cáo quản trị trong kỳ là 104 đơn vị", khảo sát lưu ý.
Cũng theo BTC, từ mức chỉ 3.02% (2011) đến nay đã ghi nhận thành tích vượt trội với 53.73% (2021), đây là một bước cải thiện lớn. "Năm 2021 là năm đầu tiên có hơn 50% số lượng doanh nghiệp niêm yết vượt qua được vòng khảo sát toàn diện về hoạt động công bố thông tin. Điều này cho thấy doanh nghiệp ngày càng chú trọng và đáp ứng tốt nghĩa vụ đối với nhà đầu tư; chú trọng công tác quan hệ nhà đầu tư; hướng tới hoạt động công khai, minh bạch và đối xử công bằng giữa các cổ đông. Đây cũng là những yếu tố then chốt, tạo cơ sở để thị trường chứng khoán có thể phát triển bền vững dựa trên nền tảng minh bạch và hiệu quả", BTC cho biết.
Các vấn đề cần DNNY lưu ý để đảm bảo về hoạt động CBTT trên thị trường chứng khoán: Ngày CBTT là ngày thông tin xuất hiện trên các phương tiện công bố thông tin theo quy định (không phải là ngày nộp báo cáo/thông tin cho UBCKNN/Sở giao dịch Chứng khoán), do đó doanh nghiệp nên chủ động CBTT sớm hơn hoặc đăng tải ngay trên website doanh nghiệp để hạn chế các vấn đề phát sinh chậm trễ trong việc tiếp nhận và công bố đại chúng. Trang thông tin điện tử phải hiển thị thời gian đăng tải thông tin, đồng thời phải đảm bảo nhà đầu tư có thể dễ dàng tìm kiếm và tiếp cận được các dữ liệu trên trang thông tin điện tử đó. Trường hợp nghĩa vụ CBTT phát sinh vào ngày nghỉ, ngày lễ, doanh nghiệp cần thực hiện CBTT trên website của doanh nghiệp và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ CBTT sau khi ngày nghỉ, ngày lễ kết thúc. Một số thời hạn CBTT tính theo số ngày chứ không phải tính đến cuối tháng. Ví dụ thời hạn công bố BCTC Q2/2020 (được gia hạn, áp dụng theo Thông tư 155/2015/TT-BTC với kỳ báo cáo 2020) là 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý, tương đương vào ngày 30/07/2020 thay vì ngày cuối tháng là 31/07/2020. Ngoài ra một số doanh nghiệp bị nhắc nhở do sơ suất trong việc chậm CBTT các hoạt động như giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh, thay đổi nhân sự, phát hành cổ phiếu, nghị quyết HĐQT, tiến độ sử dụng vốn, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh… Theo giải trình của doanh nghiệp, nguyên nhân chậm trễ CBTT có thể do nhân sự chuyên môn không chuyển thông tin kịp thời đến bộ phận CBTT, nhân sự mới chưa nắm hết thủ tục, hoặc người CBTT không nắm đầy đủ quy định về các loại thông tin cần phải công bố, hoặc là hiểu nhầm về quy định CBTT. Đặc biệt thời gian qua do dịch COVID nên có những doanh nghiệp tổ chức họp trực tuyến và chậm trễ trong việc chuyển phát tài liệu cho các bên liên quan ký tên dẫn đến việc CBTT bị chậm trễ. |
Có thể bạn quan tâm
Vinaseed - TOP 15 doanh nghiệp niêm yết có hiệu quả kinh doanh tốt nhất 3 năm liên tiếp (2017 – 2019)
14:01, 14/12/2020
Doanh nghiệp niêm yết có năng lực cạnh tranh tốt nhất và hiệu quả kinh doanh tốt
04:00, 13/12/2020
Trao chứng nhận cho doanh nghiệp niêm yết có năng lực cạnh tranh tốt nhất và hiệu quả kinh doanh tốt
16:30, 10/12/2020
Vietcombank lọt Top 1.000 Doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu
07:56, 27/05/2020
25 doanh nghiệp niêm yết có báo cáo thường niên tốt nhất 2019
15:47, 28/11/2019
Vinamilk liên tục nằm trong Top doanh nghiệp niêm yết xuất sắc của Việt Nam và Châu Á
22:15, 22/08/2019