Chia sẻ rủi ro dự án PPP?

Đại Dương 07/04/2019 07:23

Một trong những nguyên lý đầu tư là: ở đâu có lợi nhuận ở đó có thể thu hút đầu tư. Đương nhiên, đầu tư cũng có những rủi ro của nó mà thành bại đôi khi không thể đoán định được.

Nhưng, trước một hệ thống chính sách có thể tiên đoán, thì thành bại của một nhà đầu tư thực sự có thể kiểm soát được.

Điều ấy dẫn đến một hệ quả là, các hình thức đối tác công tư (PPP) như BOT, BT… nở rộ tại Việt Nam những năm gần đây chắc chắn phải đem lại cho nhà đầu tư khoản lợi nhuận lớn. Nếu không, chắc chắn các công trình BOT, BT trong nhiều lĩnh vực không thu hút được một khối lượng vốn đầu tư khổng lồ như vậy.

p/Các dự án cao tốc luôn thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Ảnh: Đức Thanh

Các dự án cao tốc luôn thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Ảnh: Đức Thanh

Phải công khai, minh bạch

Tuy vậy, trước hết phải minh định rằng, việc đảm bảo hạ tầng chung cho xã hội là nhiệm vụ của nhà nước. Trước nhu cầu phát triển, thì việc nhà nước kêu gọi các nhà đầu tư đổ vốn vào các công trình giao thông, hạ tầng cũng là một phương cách đúng đắn. Hiệu quả của các công trình BOT, BT trong thời gian qua ít nhiều cũng đã chứng minh được sự cần thiết. Tuy nhiên, vì là một dịch vụ công nên dù các nhà đầu tư tư nhân có “rót” vốn vào, thì nguyên tắc công khai, minh bạch cũng cần phải đặt lên hàng đầu. Bởi khi nhà nước kêu gọi đầu tư như vậy, thì cái dùng để trả cho các nhà đầu tư là đất công, là thuế, phí của công dân.

Cũng chính vì vậy, trong bài trước, chúng tôi đã đặt vấn đề rằng: chỉ có một chính quyền sạch, một môi trường đầu tư bình đẳng, cạnh tranh, an toàn… mới là phương cách thu hút đầu tư tốt nhất, kể cả thu hút đầu tư theo hình thức PPP. Yêu cầu về công khai, minh bạch khi triển khai các dự án PPP vì vậy phải được đặt lên hàng đầu để nếu có hình thức “bảo lãnh” thông qua quy định “bảo đảm doanh thu” mới không bị biến tướng.

Bởi thực tế, những “lùm xùm” trong các dự án BOT giao thông, các dự án BT ở Hà Nội, TP HCM và nhiều tỉnh thành khác những năm gần đây cho thấy có quá nhiều biến tướng. Đó là những việc chỉ láng mặt đường quốc lộ mà thu phí mấy chục năm, đến việc đặt trạm BOT trên những con đường được đầu tư bằng ngân sách, hay việc phát sinh những con đường kim cương, con đường dát vàng…

Mà có thể điểm qua một số nguyên nhân từ chính sách. Chẳng hạn như việc định giá đất. Hiện nay các tỉnh, thành hàng năm vẫn ban hành khung giá đất. Và thực tế là, giá đất do các tỉnh thành ban hành không “theo kịp” giá thị trường. Ấy là chưa kể giá từng loại đất cũng rất khác nhau. Khi một dự án BT được phê duyệt, thì mặc dù các quy định đều nói phải lấy giá thị trường làm căn cứ, nhưng rõ ràng nhà đầu tư BT vẫn lấy rất nhiều đất dù chỉ làm một đoạn đường ngắn vài km. Chênh lệch địa tô là điều khó tránh khỏi. Ấy là chưa kể đến nguy cơ tham nhũng khi định giá đất. Những đại án liên quan tới đất đai làm tổn hại hàng chục quan chức gần đây là một ví dụ.

Tránh chính sách bị lũng đoạn

Thêm nữa, hàng chục năm nay, thất thoát trong xây dựng cơ bản là một thực tế chưa thể “dẹp” được. Từ Quốc hội, Chính phủ đến các chuyên gia đều bàn luận nhiều giải pháp. Công khai, minh bạch cũng đã được đề cập, nhưng thật khó để có thể triển khai trong thực tế khi ngay cả hợp đồng BT, BOT…cũng có những điều khoản “bảo mật” nhằm tách các dự án lẽ ra phải công khai này khỏi sự giám sát của công chúng.

Tham nhũng trong chính sách đã được nhắc tới rất nhiều và cũng không hiếm những quan chức cấp cao đã phải lâm vào vòng lao lý khi “vận dụng chính sách”. Thách thức lớn nhất trong PPP có lẽ còn nằm ở tảng băng chìm này. Bởi khi chính sách dù có minh bạch đến đâu mà những quan chức thừa hành kết hợp với những nhà đầu tư không trong sáng tạo thành “nhóm lợi ích” thì cũng chính là lúc chính sách bị lũng đoạn.

Hậu quả là, chẳng những ngân sách nhà nước thất thu khi giá trị chênh lệch địa tô chạy vào túi “nhóm lợi ích”, mà ngay cả túi tiền còm cõi của người dân cũng bị móc không thương tiếc. Bởi thế, điều chính yếu nếu cần phải có trong vấn đề “chia sẻ rủi ro” cho nhà nước, đại diện của dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư chính là sự công khai, minh bạch trong chính sách và thực thi chính sách.

Nếu chính sách rõ ràng thì công khai, minh bạch các dự án theo hình thức PPP sẽ là đương nhiên. Khi đó, việc thực thi chính sách sẽ đảm bảo được công bằng cho cả người dân, nhà nước và nhà đầu tư. Người dân sẽ không phải trả tiền cho những dịch vụ, công trình mà mình không dùng đến. Ngân sách nhà nước sẽ không thất thu và nhà đầu tư cũng có được những khoản lợi nhuận chính đáng.

Đến khi đó, chắc chắn Kiểm toán Nhà nước cũng không cần đề nghị rút thời gian thu phí lên tới hàng trăm năm đối với các trạm thu phí BOT giao thông như hiện nay; người dân cũng không bức xúc với những dịch vụ mà họ biết là vô lý; Nhà nước cũng không cần loay hoay xem tiếp tục hay không tiếp tục dùng đất công thanh toán cho các dự án BT. Có lẽ, đó là cách chia sẻ rủi ro hợp lý nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chia sẻ rủi ro dự án PPP?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO