Thay vì cố gắng chạy theo chip tiên tiến, Singapore hoàn toàn có thể củng cố lợi thế sẵn có của mình trong ngành chip truyền thống.
>>Chiến lược bán dẫn của Singapore (Kỳ I): "Bước đi" khác người
Lợi thế này đã được hình thành từ những năm 60 và 70 của thế kỷ nước, khi Singapore đón nhận các nhà khai thác thử nghiệm và lắp ráp chất bán dẫn toàn cầu, hay còn gọi là những công ty “back-end”, dần dần tạo nên một hệ sinh thái phục vụ hiệu quả cho các nhà sản xuất chip (công ty front-end). Từ đó, họ đã thu hút thành công những tập đoàn sản xuất chip lớn của thế giới như GlobalFoundries, Micron và STMicroelectronics.
Ông Ang Wee Seng, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Singapore (SSIA) nhận định rằng do những công ty này đã quen hoạt động tại Singapore, nên khi có kế hoạch mở rộng, họ sẽ có xu hướng mở rộng những nơi đã cắm rễ, thay vì xây dựng nhà máy mới ở địa điểm mới. Mở rộng nền sẵn có cũng tiết kiệm thời gian và công sức hơn.
Chẳng hạn, GlobalFoundries chỉ mất khoảng 2 năm để mở rộng nhà máy Fab 7 tại Woodlands (Singapore). Trong khi đó, từ năm 2022 TSMC đã công bố dự án nhà máy thứ hai tại Arizona, nhưng phải đến năm 2027 hoặc 2028 chúng mới được đưa vào sản xuất.
Sức hấp dẫn của thị trường chip Singapore có thể được minh chứng bằng việc họ vẫn đều đặn nhận các khoản đầu tư.
Hồi tháng 6/2024, NXP Semiconductors và Vanguard International Semiconductor Corp (do TSMC hậu thuẫn) công bố liên doanh trị giá 7,8 tỷ USD tại một nhà máy ở Singapore nhằm sản xuất chip 40 - 130nm cho ngành công nghiệp ô tô, tiêu dùng và di động.
Mặc dù Singapore vẫn có sự hiện diện mạnh mẽ của những công ty front-end, nhưng mảng back-end của họ đã bị thu hẹp đáng kể vì nhiều bên chuyển qua những quốc gia khác rẻ hơn. Chẳng hạn Utac, một công ty chuyên cung cấp dịch vụ lắp ráp và thử nghiệm, đã chuyển một số mảng sản xuất thủ công và lạc hậu hơn sang Thái Lan.
Tuy nhiên bù lại, trọng tâm của Utac ở Singapore chuyển sang nghiên cứu và phát triển. Tháng 9/2020, Utac mua lại Powertech Technology Singapore để nắm được quy trình kết nối giữa khuôn và đế chip, thông qua độ cảm kháng và điện trở thấp, cũng như vật liệu sản xuất chất lượng cao, đáng tin cậy. Sau đó, Utac tiến hành nghiên cứu và phát triển kỹ thuật sâu hơn để có thể tích hợp các hoạt động của Powertech vào hoạt động của mình.
Ngay cả trong lĩnh vực chip nút tưởng như đã già cỗi thì vẫn có những sự đổi mới sáng tạo. Những cải tiến không chỉ trong chế tạo tấm bán dẫn mà còn trong các lĩnh vực như thử nghiệm. Ví dụ: một máy kiểm tra trước đây chỉ kiểm tra được hai chip cùng một lúc, nhưng giờ đây có thể kiểm tra song song tới 32 chip.
Trong những nỗ lực nhằm duy trì lợi thế mảng bán dẫn của mình, Singapore có thể yên tâm phần nào nhờ nguồn lao động dồi dào trong nước.
Chẳng hạn, ngày càng nhiều sinh viên theo học vi điện tử tại Đại học Công nghệ Nanyang. Trước đây, ngành này chỉ có 25 đến 30 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm, nhưng giờ đây con số đã lên đến 80.
Khi sức mạnh bán dẫn của Singapore được nâng cao, cơ hội việc làm cũng nhiều hơn. Chẳng hạn công ty chip AMD có khoảng 1.200 nhân viên làm việc tại Singapore, bao gồm cả giám đốc công nghệ, cùng 12 đến 15 người có bằng tiến sĩ. Không chỉ trong nước, Singapore cũng rất chào đón nhân tài nước ngoài để có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực chất lượng cao.
Ngược lại, người lao động ngoại quốc cũng rất sẵn sàng đến Singapore làm việc vì đây là quốc gia sử dụng tiếng Anh rộng rãi và khá an toàn.
Han Byung Joon, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc công ty khởi nghiệp sáng tạo bán dẫn Silicon Box, đánh giá cao chiến lược này. Ông cho rằng sự cởi mở đối với nhân tài nước ngoài sẽ giúp Singapore phát triển nền tảng bán dẫn trong nước tốt hơn. Theo ông, những thị trường như Hàn Quốc và Đài Loan đạt được tiến bộ vượt bậc như vậy một phần nhờ vào nguồn nhân tài bên ngoài có sẵn kinh nghiệm. Trong khi đó, Nhật Bản đã ngừng trao đổi nhân tài từ khoảng 30 năm trước, khiến tốc độ phát triển bị chậm lại. Đây là một kinh nghiệm quý báu cho các quốc gia muốn bứt phá trong lĩnh vực công nghệ cao.
Có thể bạn quan tâm