Chuyện làm ăn

Chiến lược kết hợp sản xuất xe và gọi xe

Quân Bảo 21/01/2025 14:50

Chiến lược kết hợp sản xuất xe và gọi xe đang nở rộ trong hơn 1 năm trở lại đây nhưng có nhiều kết quả trái ngược.

Công ty Grab Holdings có kế hoạch mua và đưa vào sử dụng 50.000 xe điện BYD (Trung Quốc) tại Đông Nam Á, cụ thể là 6 quốc gia gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.

Kế hoạch này về lý thuyết sẽ giải quyết được rào cản về xe đối với cánh tài xế. Bởi vì ở đây, các nền tảng gọi xe sẽ đứng ra kết hợp với đơn vị sản xuất xe, từ đó tài xế có thể thuê xe này, hoặc mua xe với chính sách ưu đãi, với điều kiện là phải tham gia vào đội xe của nền tảng ấy. Tức là thay vì tài xế phải có xe rồi mới gia nhập nền tảng gọi xe, thì ở đây bên gọi xe có sẵn xe để tài xế chạy.

GrabEV-07 (1)
Grab vừa có kế hoạch mua 50.000 xe điện BYD

Theo thỏa thuận hợp tác mới, các tài xế và đối tác cung cấp xe cho Grab, bao gồm cả các công ty cho thuê xe, sẽ được tiếp cận với xe điện BYD với mức giá cạnh tranh. Xe còn được hỗ trợ bảo hành mở rộng cho pin. Tài xế có thể chọn thuê xe từ đối tác của Grab hoặc tham gia chương trình hỗ trợ tài chính để mua xe. Hay nói cách khác, việc hợp tác này sẽ giúp giảm các rào cản tài chính khi chuyển sang xe điện.

Thương vụ hợp tác giữa Grab và BYD là một kiểu chiến lược hợp tác sản xuất xe và gọi xe khá thịnh hành hiện nay.

Khởi nguồn của trào lưu này có thể coi là từ thương vụ đa phương Tesla-Herzt-Uber. Cuối năm 2021, hãng cho thuê xe Herzt ký hợp đồng mua 100.000 xe điện của Tesla. Sau đó, Herzt lại bắt tay tiếp với Uber để các đối tác tài xế Uber dùng xe điện đi chở khách.

Sách lược này cho thấy sự hiệu quả bước đầu. Sau khoảng 1 năm hợp tác, gần 50.000 tài xế Uber đã thuê được xe điện Tesla để chạy, đạt hơn 24 triệu cuốc xe thuần điện và chạy hơn 260 triệu dặm.

Từ thành công ở Bắc Mỹ, cả hai mở rộng mối quan hệ đối tác sang Châu Âu từ tháng 1/2023. Địa điểm đầu tiên của đợt mở rộng này là London, dự kiến sau đó là các thủ đô khác như Paris hoặc Amsterdam. Mục tiêu của thương vụ là cho thuê được 25.000 xe điện đến năm 2025.

Rất nhanh sau đó, chiến lược này đã được nhân rộng ra khắp thế giới. Năm 2024, hãng sản xuất xe điện XPeng của Trung quốc cũng vừa bắt tay hãng gọi xe lớn nhất Trung quốc Didi.

Tại Việt Nam, Grab cũng không phải là cái tên đi đầu trong xu hướng này. Bởi vì trước đó đã có những cái tên khác.

Chẳng hạn, đầu tháng 12/2022, Ahamove khai trương dịch vụ xe ôm điện chở khách mang tên AhaRide với dàn xe điện mới của VinFast, có định vị xe và thống kê lịch sử hành trình. Theo đại diện của Ahamove, việc triển khai song song hai dịch vụ giao hàng và chở khách bằng xe điện sẽ thúc đẩy nhanh chóng mục tiêu có 10.000 xe điện đến năm 2025 của Ahamove và VinFast đặt ra trước đó.

Tuy chỉ trong một thời gian ngắn đã có hàng loạt thương vụ kết hợp hãng gọi xe và hãng sản xuất xe, nhưng kết quả cho thấy chiến lược này không hẳn là một sự đảm bảo cho thành công. Điển hình nhất chính là người tiên phong Herzt.

Sau 2 năm thực thi chiến lược này, Herzt đột ngột tuyên bố bán đi 1/3 đội xe điện của mình, khoảng 20.000 xe. Sau đó họ đặt tiếp mục tiêu bán tổng cộng 30.000 xe trong năm 2024 vì "không hiệu quả". Sau khi công bố, tin này đã trở thành một cú sốc đối với thị trường xe toàn thế giới.

Như vậy có thể thấy, mặc dù đang có rất nhiều thương vụ bắt tay giữa hãng gọi xe và hãng sản xuất xe, thế nhưng chưa thể khẳng định chiến lược này sẽ thành công ra sao. Tuy nhiên, trước mắt nó là một cách để các nền tảng có thể nhanh chóng điện hóa đội xe, cũng là phương án để cánh tài xế có thể không cần tốn quá nhiều tiền mua xe mà vẫn có thể làm việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chiến lược kết hợp sản xuất xe và gọi xe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO