Chiến lược vườn ươm

BẠCH LÂN 14/10/2022 11:00

Con đường khởi nghiệp thường chông gai. Các nhà sáng lập phải tự mày mò xây dựng từ con số 0, đồng thời phải cố gắng thử sai để tìm ra mô hình đúng.

>>Metaverse hấp dẫn doanh nghiệp khởi nghiệp

Nhưng các tập đoàn lớn thì đã có sẵn những yếu tố phù hợp — con người, quy trình, nguồn vốn. Nếu các tập đoàn tận dụng sức mạnh sẵn có để khởi nghiệp, thì gần như không có gì ngăn cản họ thành công. Đó chính là nền tảng của chiến lược vườn ươm.

p/VPBank thu về gần 1,4 tỉ USD từ việc ươm mầm FE Credit. Ảnh: FE

VPBank thu về gần 1,4 tỉ USD từ việc ươm mầm FE Credit. Ảnh: FE

Thế nào là chiến lược vườn ươm?

Đầu năm 2022, thị trường các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) lại dậy sóng với thông tin VPBank liên tục thâu tóm một số công ty trong mảng tài chính. Cụ thể, VPBank đã hoàn tất nhận chuyển nhượng hơn 97% cổ phần của Công ty Chứng khoán ASC. Sau đó, vào tháng 2/2022, Công ty Chứng khoán ASC đã thông qua việc đổi tên thành Công ty Chứng khoán VPBank (VPBank Securities), đồng thời nâng vốn điều lệ lên 8920 tỉ đồng. Phải nói thêm, trước đó, VPBank đã từng sở hữu một công ty chứng khoán, nhưng đã thoái vốn vào năm 2016. Công ty đó hiện nay đã đổi tên thành VPS—là một trong những công ty đứng đầu về thị phần môi giới chứng khoán trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, vào tháng 7/2022, VPBank cũng bất ngờ thâu tóm CTCP Bảo hiểm OPES. Sau khi quá trình hoàn tất, VPBank sẽ sở hữu 98% vốn của OPES, chính thức tham gia vào thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.

Những nước đi này có thể bất ngờ đối với thị trường chung, nhưng với những người đã theo dõi VPBank từ lâu, thì đây là những nước đi vô cùng thống nhất với chiến lược từ trước đến nay của VPBank: Sử dụng sức mạnh của một công ty lớn để ươm mầm, nuôi dưỡng các công ty nhỏ ở các ngành liên quan, sau đó hoàn tất thoái vốn khi công ty ươm mầm đã trưởng thành.

p/ViettelPost do Viettel “ươm mầm” nhanh chóng chiếm thị phần cao trong lĩnh vực của mình.

ViettelPost do Viettel “ươm mầm” nhanh chóng chiếm thị phần cao trong lĩnh vực của mình.

Ta có thể gọi đó là chiến lược vườn ươm.

Thế Giới Di Động cũng từng là một cửa hàng nhỏ, sau thời gian hoàn thiện từng bước mới bắt đầu lớn mạnh và trở thành công ty thuộc VN30 như ngày hôm nay. Ngoài ra, cũng sử dụng mô hình này có thể kể đến Tiki (khởi đầu là một trang bán sách nhỏ) hay GHN (khởi đầu là một nhóm giao hàng nhỏ).

Có thể thấy, con đường khởi nghiệp từ con số 0 vô cùng gian nan. Thiếu đi các quy trình chuẩn và nguồn nhân tài, mỗi nhà khởi nghiệp đều phải thử sai nhiều lần, và thành công là rất không chắc chắn.
Cũng áp dụng con đường khởi nghiệp, nhưng các công ty lớn sử dụng chiến lược vườn ươm lại có thể khắc phục nhược điểm thiếu hụt nguồn lực chết người của các nhà khởi nghiệp cá nhân. Tận dụng sức mạnh của một công ty lớn, với quy trình vững chắc và nguồn nhân tài dồi dào, các công ty lớn hoàn toàn có thể phát triển nhanh chóng và đúng hướng công ty con đến một mức độ xác định trước, sau đó thoái vốn bằng cách IPO rồi niêm yết, hoặc bán lại cho các nhà đầu tư khác.

VPBank đã từng áp dụng rất thành công con đường này. Năm 2015, họ tách khối tín dụng của ngân hàng và thành lập Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit). Sau quá trình tập trung phát triển mạnh mẽ, chỉ trong thời gian ngắn, FE Credit đã trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.

Tháng 10/2021, VPBank hoàn tất việc bán 49% vốn điều lệ của FE CREDIT cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF), thuộc tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản. Chính nguồn tiền lớn từ việc bán FE Credit là cơ sở để VPBank thực hiện các thương vụ thâu tóm ASC và OPES đã nói ở trên, tiếp tục ươm mầm cho hai công ty ở hai lĩnh vực khác mà họ có thế mạnh: chứng khoán và bảo hiểm.

Phù hợp cho các công ty xuất sắc

Chiến lược vườn ươm là một chiếc lược phù hợp cho các công ty đã có quy trình và nguồn nhân lực xuất sắc. So với các công ty khởi nghiệp từ số 0, các công ty khởi nghiệp do tập đoàn ươm tạo sẽ rút ngắn tối thiểu 3 năm để mày mò hoàn thiện. Đây là chiến lược ưa thích của nhiều công ty lớn trên thế giới, đặc biệt là các công ty định hướng đa ngành.

Ví dụ, năm 1953, Samsung ươm mầm cho Cheil Jedang, một nhà sản xuất đường và bột. Sau 40 năm, năm 1993, Cheil Jedang (nay là CJ CheilJedang) đã trở thành công ty độc lập vô cùng mạnh về nông sản và thực phẩm. Không lâu sau đó, năm 1995, CJ lại thành lập đội ngũ kinh doanh mảng phim ảnh, và đến năm 1996 hợp tác với Golden Harvest (Hong Kong) và Village Roadshow (Úc) để thành lập CJ CGV—hiện là một ông lớn trong mảng điện ảnh.

Tại Việt Nam, Viettel cũng là một tập đoàn với tinh thần khởi nghiệp, chuyên ươm mầm cho các công ty mới. Từ khởi đầu là mảng viễn thông, Viettel đã làm nền tảng cho chuỗi cửa hàng bán lẻ ViettelStore, công ty bưu chính ViettelPost, và gần đây là Tổng Công ty Dịch vụ Số Viettel với sản phẩm Viettel Money. Hầu hết các công ty do Viettel ươm mầm khởi nghiệp đều nhanh chóng chiếm thị phần cao trong thị trường của mình.

Tập đoàn Vingroup cũng thường xuyên “khởi nghiệp” với nhiều công ty ở nhiều mảng đặc sắc. Ngoài các công ty vẫn còn đang ươm mầm như Vinfast (xe ô tô), Vinsmart (điện thoại), v.v. thì họ đã xây dựng và bán thành công VinCommerce cho Masan (2019), bán công ty logistics Phat Loc Express cho SG Holdings (2016).

Có thể nói, quá trình khởi nghiệp là một con đường chông gai. Tận dụng ưu thế sẵn có về quy trình, con người và nguồn vốn, các tập đoàn lớn hoàn toàn có thể giữ vững tinh thần khởi nghiệp, liên tục ươm mầm các công ty mới thành công mà vẫn tránh khỏi các rủi ro và khó khăn không đáng có điển hình của các công ty bắt đầu từ con số 0. Chiến lược vườn ươm là một chiến lược vô cùng phù hợp cho các công ty xuất sắc có thể vừa giữ vững mảng kinh doanh chính, vừa muốn thử thách khởi nghiệp ở một chiến trường mới.

VPBank, Viettel, hay Vingroup đã áp dụng và thành công. Chúng ta có thể kì vọng nhiều tập đoàn lớn khác của Việt Nam ứng dụng và thành công hơn nữa với chiến lược vườn ươm.

Có thể bạn quan tâm

  • Vườn ươm khởi nghiệp vẫn thiếu vốn

    Vườn ươm khởi nghiệp vẫn thiếu vốn

    05:08, 17/04/2021

  • Vườn ươm doanh nghiệp: Tập trung xây vườn nhưng không có người ươm

    Vườn ươm doanh nghiệp: Tập trung xây vườn nhưng không có người ươm

    12:15, 24/03/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chiến lược vườn ươm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO