Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Lối đi nào cho kinh tế Việt Nam?

An Chi 22/05/2019 07:30

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung tiếp tục có những căng thẳng mới khi hai bên đưa ra các mức thuế mới. Việc này sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam vốn có quan hệ kinh tế với cả hai nước.

Tác động hai chiều đến kinh tế Việt Nam

Theo các chuyên gia, về lý thuyết thì các nước trong khu vực châu Á sẽ có cơ hội bù đắp vào chuỗi cung ứng hàng hóa cho Mỹ thay Trung Quốc, thế nhưng trên thực tế thì tình hình phức tạp hơn nhiều bởi đa số hàng hóa xuất đi của các nước này được Trung Quốc nhập khẩu rồi gia công bán sang Mỹ. Do đó, toàn bộ chuỗi cung ứng tại châu Á sẽ bị tổn thương.

Riêng Việt Nam có quan hệ thương mại sâu rộng với cả 2 nước thì vòng xoáy thương mại giữa 2 cường quốc được dự báo sẽ tác động tới xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam theo cả 2 chiều hướng tiêu cực và tích cực. Tác động tích cực sẽ có, tuy nhiên không nhiều. Theo đó, cả Trung Quốc hay Mỹ đều có thể lựa chọn chuyển hướng đầu tư, sau đó xuất khẩu hàng hóa từ các nước trung gian như Việt Nam sang nước kia để không phải chịu mức áp thuế cao.

Nền kinh tế Việt Nam và những được - mất từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Nền kinh tế Việt Nam và những được - mất từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Theo nhận định của TS.Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì trong điều kiện doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu giá rẻ để xuất khẩu thì đó là lợi thế giảm giá thành xuất khẩu để cạnh tranh. Cụ thể, xung đột thương mại Mỹ – Trung Quốc leo thang sẽ để ngỏ cho Việt Nam cơ hội gia tăng xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến tranh thương mại: Cơ hội bùng phát hàng giả!

    Chiến tranh thương mại: Cơ hội bùng phát hàng giả!

    11:00, 19/05/2019

  • Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: VND sẽ đi về đâu?

    Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: VND sẽ đi về đâu?

    10:03, 17/05/2019

Trên thực tế, Tổng thống Donald Trump ra lệnh cấm hàng hóa máy móc, thiết bị điện tử, công nghệ cao của Trung Quốc nhưng nhu cầu tiêu thụ của người Mỹ vẫn nhiều. Vấn đề đặt ra là làm sao Việt Nam phải thay thế được một phần vào sự thiếu hụt đó. Muốn vậy, trước tiên hàng hóa Việt Nam phải bị chịu mức thuế thấp hơn hàng Trung Quốc, đồng thời hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam phải thực sự có chất lượng.

Về vấn đề này, TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – có cách nhìn lạc quan hơn khi cho rằng đây là cơ hội cho không ít doanh nghiệp Việt có thể mua được nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng với giá rẻ. Từ đó hàng hóa sẽ tăng sức cạnh tranh xuất khẩu sang thị trường Mỹ thay thế phần nào hàng hóa Trung Quốc.

Dưới một góc nhìn khác, thông tin từ chuyên gia kinh tế Adam McCarty thuộc Mekong Economics tại Hà Nội rất đáng quan tâm, theo đó cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã khiến các công ty từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong và Trung Quốc đang đổ tới Việt Nam, chủ yếu để đa dạng hóa đầu tư. Xu hướng này đặc biệt rõ trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo - ngành mà chi phí ở Việt Nam rẻ hơn rõ rệt so với ở Trung Quốc.

Một cuộc chiến tranh thương mại không có sự tham gia của Việt Nam có thể mang lại lợi ích nói chung cho Việt Nam… Nhưng ảnh hưởng tiêu cực nằm ở chỗ Việt Nam có thể bị gộp với Trung Quốc, giống như khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên thép Việt Nam và có thể bị áp thuế đối với những hàng hóa khác nữa”, ông McCarty phát biểu.

Doanh nghiệp Việt làm gì để “bảo toàn” giữa làn đạn Mỹ - Trung?

Giữa những diễn biến khó lường trong cuộc thương chiến giữa hai cường quốc, nhiều doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu lo ngại và tìm các ứng phó với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang ngày một tăng nhiệt. Nhiều doanh nghiệp cho biết họ đang theo dõi sát tình hình và bắt đầu bày tỏ lo ngại cuộc chiến này sẽ tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ.

Nói về những tác động của cuộc chiến Mỹ - Trung đến doanh nghiệp của mình, ông Phạm Hải Long - Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Argex Sài Gòn, cho biết các động thái tăng thuế mới của cả Mỹ và Trung Quốc khiến các doanh nghiệp Việt không thể ngồi yên được nữa. Công ty Argex Sài Gòn xuất khẩu thực phẩm, thủy sản chế biến sang Mỹ, lại nhập khẩu một số nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc ông Long nên càng quan tâm tình hình thương chiến. Ông Long lo lắng: "Đồng CNY giảm giá liên tục những ngày qua, USD tăng giá trên thị trường quốc tế và tỉ giá USD/VNĐ biến động đều ảnh hưởng tới các DN xuất nhập khẩu. Dù DN xuất khẩu hưởng lợi nhờ tỉ giá USD/VNĐ tăng nhưng nếu tỉ giá tăng cao, nhà nhập khẩu ở nước ngoài sẽ phải nhập giá cao, khó bán cho người tiêu dùng, khi đó DN Việt Nam cũng bị ảnh hưởng".

Do đó, theo ông Long, mong muốn của doanh nghiệp là nhà nước cần có chính sách ổn định tỉ giá, không để biến động quá mạnh.

Ở một khía cạnh khác, ông Phạm Xuân Trình - Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Phong Phú đánh giá,  ngành dệt may đã chịu những ảnh hưởng nhất định từ diễn biến leo thang của cuộc chiến thương mại này. Cụ thể, doanh nghiệp dệt may nhập khẩu bông để sản xuất sợi cotton xuất khẩu, trong đó có thị trường Trung Quốc. Hiện giá bông nhập khẩu đã giảm gần 10% so với 2 tuần trước, khiến những doanh nghiệp đặt hàng trước đó gặp khó dù hàng chưa về đến cảng. Hàng dệt may Trung Quốc bị đánh thuế cao vào Mỹ sẽ giảm xuất khẩu, khi đó cũng tác động làm giảm nhu cầu nhập khẩu sợi cotton từ Việt Nam.

"Ai cũng nghĩ từ cuộc chiến thương mại này, hàng dệt may từ Trung Quốc qua Mỹ bị đánh thuế cao giúp Việt Nam và các nước khác hưởng lợi. Nhưng nhìn ở góc độ khác, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ dịch chuyển sang Việt Nam và các nước trong khu vực để né thuế, khi đó doanh nghiệp Việt sẽ phải cạnh tranh về nguồn lao động" - ông Phạm Xuân Trình chia sẻ.

Quan trọng nhất, theo ông Trình, Trung Quốc đang nắm thị phần lớn về cung cấp nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp Việt. Do đó, nếu không xuất được qua Mỹ, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ thu hẹp sản xuất, chỉ cung cấp nguyên liệu cho nhu cầu trong nước, từ đó doanh nghiệp Việt sẽ gặp khó trong nguồn cung nguyên liệu đầu vào.

Bên cạnh đó, một mối lo khác hiện hữu, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu dệt may, da giày, sắt thép là các hoạt động sản xuất hàng Trung Quốc ở Việt Nam rồi gắn mác "made in Việt Nam" xuất qua Mỹ để tránh xuất xứ. Thực tế đã có trường hợp bị phát hiện hàng giả hoặc giày dép ở khu vực biên giới đóng mác "made in Việt Nam" rồi xuất ra nước ngoài. Lúc này, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ, vào cuộc của cơ quan quản lý nhằm bảo vệ hàng Việt. Về lâu dài, nếu không có hàng rào phòng vệ thương mại, quản lý thị trường sẽ ảnh hưởng đến những doanh nghiệp xuất khẩu làm ăn chân chính.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng thương chiến Mỹ - Trung đã kéo dài gần 1 năm nhưng thời gian qua doanh nghiệp Việt chưa được hỗ trợ thông tin đầy đủ trong tìm kiếm các giải pháp ứng phó. Do đó, họ kiến nghị nhà nước cần thông tin nhanh, kịp thời các chính sách để giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời, tránh nguy cơ thiệt hại từ cuộc chiến thương mại này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Lối đi nào cho kinh tế Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO