Chính phủ yêu cầu rà soát gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

DIỆU HOA 13/06/2024 05:00

Sau gần 1 năm triển khai, Chính phủ tiếp tục yêu cầu rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội.

>>Phát triển nhà ở xã hội cho thuê có khả thi?

Doanh nghiệp làm nhà ở xã hội vẫn khó tiếp cận gói 120.000 tỷ đồng.

Thủ tục làm khó doanh nghiệp 

Tại Nghị quyết số 82/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Chính phủ yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội, khẩn trương có giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân, trong đó tập trung vào các vấn đề liên quan đến đối tượng vay vốn, lãi suất, quy trình, thủ tục cho vay, việc hoàn thiện pháp lý dự án của chủ đầu tư với chính quyền địa phương.

Trước đó, tại báo cáo gửi Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề, chất vấn lĩnh vực xây dựng hồi tháng 5, Bộ Xây dựng cho biết, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được khoảng 640 tỷ đồng cho 8 dự án nhà ở xã hội, tương ứng chỉ giải ngân khoảng 0,53%.

Đáng chú ý, liên quan đến việc khó tiếp cận gói vay 120.000 tỷ đồng, thông tin mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết dù TP có 6 dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với tổng mức dự kiến vay là 2.776 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng TP.HCM, đến nay chưa có dự án nào được vay theo gói tín dụng này. Bởi lẽ, khi tiếp nhận hồ sơ thẩm định để đồng ý cấp tín dụng cho các chủ đầu tư, các ngân hàng có quy định riêng về các điều kiện vay, nhằm đảm bảo thu hồi các khoản cho vay theo quy định.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, đối với dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và căn cứ theo quy định tại Khoản 2 điều 173 Luật Đất đai 2013 thì chủ đầu tư không thể dùng khu đất dự án nhà ở xã hội (đã được chủ đầu tư thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất sang đất dự án nhà ở xã hội phù hợp quy hoạch) làm tài sản bảo đảm thế chấp, vay vốn tại ngân hàng thương mại cho chính dự án nhà ở xã hội trên đất, phải dùng tài sản khác thế chấp để đảm bảo khoản vay.

Trong khi đó, hầu hết các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sau khi có quyết định giao đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất chưa thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên không đủ thành phần hồ sơ để vay theo quy định của ngân hàng.

>>Có nên đấu giá nhà tái định cư để làm nhà ở xã hội?

Cách nào để tăng vốn cho nhà ở xã hội?

Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) để có thể giải ngân nhanh nguồn vốn 120.000 tỷ đồng thì các địa phương cần giao đất sạch cho dự án thực hiện các chương trình phát triển nhà ở xã hội để doanh nghiệp thực hiện đầu tư.

TP.HCM có 6 dự án đủ điều kiện tham gia gói vay nhưng chưa dự án nào được giải ngân.

“Hiện thủ tục vay vốn rất lâu vì phải trải qua quá trình thẩm định hiệu quả của dự án. Do đó, nên bỏ qua quá trình này, bởi đã là phát triển nhà ở xã hội thì dự án có hiệu quả, quy định rất rõ chủ đầu tư được 10% lợi nhuận trên tổng chi phí của dự án”, ông Nguyễn Tuấn Anh đề xuất.

Mới đây, trong báo cáo tình hình triển khai đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, Bộ Tài chính đề xuất giải pháp cần có gói tín dụng mới, dự kiến có lãi suất thấp hơn 3 - 5% so với vay thương mại, để tạo động lực cho người thu nhập thấp mua nhà.

Ngoài gói 120.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng đề nghị NHNN nghiên cứu gói vay ưu đãi mới cho người mua nhà ở xã hội với lãi vay thấp hơn 3 - 5% lãi suất vay thương mại, kỳ hạn vay 10 - 15 năm. Mức lãi đề xuất này mềm hơn gói tín dụng ưu đãi đang thực hiện (thấp hơn 1,5 - 3% lãi vay thương mại).

Trong khi đó, trong một số góp ý gần đây, Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng có kiến nghị Bộ Xây dựng khôi phục gói tín dụng 110.000 tỷ đồng (từng được Bộ Xây dựng đề xuất trước đó) để đạt mục tiêu xây tối thiểu 1 triệu căn nhà xã hội đến năm 2030.

Ở gói này, lãi suất vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8 -5%/năm, thời hạn vay tối đa 25 năm, tương tự gói tín dụng 30.000 tỷ đồng áp dụng hơn 10 năm trước.

Có thể bạn quan tâm

  • Phát triển nhà ở xã hội cho thuê có khả thi?

    Phát triển nhà ở xã hội cho thuê có khả thi?

    05:00, 09/06/2024

  • Có nên đấu giá nhà tái định cư để làm nhà ở xã hội?

    Có nên đấu giá nhà tái định cư để làm nhà ở xã hội?

    12:00, 08/06/2024

  • Ban hành Nghị định về nhà ở xã hội trong tháng 6/2024

    Ban hành Nghị định về nhà ở xã hội trong tháng 6/2024

    13:20, 06/06/2024

  • Tối đa hóa lợi nhuận cho chủ đầu tư nhà ở xã hội

    Tối đa hóa lợi nhuận cho chủ đầu tư nhà ở xã hội

    05:00, 06/06/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chính phủ yêu cầu rà soát gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO