“Luật pháp và chính sách của ta thế nào mà để khởi nghiệp của ta phải chạy sang Singapore để mở doanh nghiệp kinh doanh, đây là việc mà các bộ, ngành phải suy nghĩ”, Thủ tướng đặt câu hỏi.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ TT&TT phải sớm nghiên cứu để xây dựng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp phát triển. Phải tạo chính sách thuận lợi, tạo điều kiện cho khởi nghiệp một cách rõ nét hơn, thực tế hơn, sát với nhu cầu của các startup.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ TT&TT phải sớm nghiên cứu để xây dựng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp phát triển. Phải tạo chính sách thuận lợi, tạo điều kiện cho khởi nghiệp một cách rõ nét hơn, thực tế hơn, sát với nhu cầu của các startup.
“Luật pháp và chính sách của ta thế nào mà để khởi nghiệp của ta phải chạy sang Singapore để mở doanh nghiệp kinh doanh, đây là việc mà các bộ, ngành phải suy nghĩ”, Thủ tướng đặt câu hỏi.
Hiện nay, hoạt động trong lĩnh vực ICT có khoảng 50.000 doanh nghiệp, bên cạnh những doanh nghiệp và tập đoàn tỷ USD như Viettel, VNPT, MobiFone, FPT, CMC… thì còn rất nhiều doanh nghiệp startup, trong đó có không ít doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ cả về nhân lực và nguồn vốn.
Câu chuyện các doanh nghiệp trong lĩnh vực ICT, đặc biệt là doanh nghiệp nội dung số phải sang các nước ASEAN như Singapore, Malaysia, Indonesia để hoạt động kinh doanh như Thủ Đô Media, VTC Mobile, VNG, VTC Online… đã diễn ra từ chục năm trước. Chính sách cởi mở, hỗ trợ các doanh nghiệp mới, cũng như chính sách kiểm duyệt nội dung (nhất là nội dung game online) thông thoáng hơn chính là động lực để các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam tiến quân ra nước ngoài.
Gần đây nhất, hồi tháng 12/2018, một doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ blockchain đã ra mắt sàn giao dịch blockchain đầu tiên ở Việt Nam, nhưng sàn giao dịch này lại được đăng ký kinh doanh ở Singapore. Ông Ngô Hoàng Quyền, nhà sáng lập Bytecoin Foundation Vietnam, CEO sàn giao dịch công nghệ blockchain (Bcnex Exchange) cho biết, sàn giao dịch công nghệ blockchain là một sản phẩm công nghệ cao được tạo ra với 100% đội ngũ kỹ sư trẻ tuổi Việt Nam. Tuy nhiên, Bcnex đang được đăng ký hoạt động tại Singapore do Việt Nam chưa có chính sách cấp phép cho các sàn giao dịch blockchain hoạt động.
"Việc đăng ký hoạt động tại Singapore là do Việt Nam chưa có khung pháp lý về lĩnh vực này. Ngay khi Việt Nam cho phép thử nghiệm công nghệ thì Bcnex sẽ quay trở về đăng ký hoạt động tại Việt Nam", ông Quyền cho hay.
Trao đổi với ICTnews mới đây, ông Ngô Hoàng Quyền đề nghị, nhà nước cần sớm thông qua khung pháp lý cho phép đăng ký các sàn giao dịch blockchain ở Việt Nam, để blockchain sớm trở thành một kênh thu hút đầu tư và ngoại tệ xoay trục từ quốc tế về Việt Nam. Bcnex sẵn sàng chia sẻ thông tin cũng như kinh nghiệm về quản lý và vận hành sàn giao dịch công nghệ blockchain với các bên liên quan
Cũng theo chia sẻ của ông Quyền, thủ tục đăng ký sàn giao dịch Bcnex vô cùng thuận lợi, vì Singapore là một chính phủ năng động, bất cứ một doanh nghiệp nào muốn đăng ký đầu tư đều có người của chính phủ hướng dẫn rất tận tình, thủ tục nhanh chóng.
Bcnex là sàn giao dịch công nghệ blockchain đầu tiên ở Việt Nam nhưng lĩnh vực này đã phát triển khá mạnh ở nhiều nước. Tính đến cuối năm 2018, trên thế giới đã có 228 sàn giao dịch blockchain, tăng khá nhanh so với hồi cuối năm 2017 chỉ có 133 sàn.
Để hỗ trợ các startup công nghệ mạnh dạn đầu tư, ông Ngô Hoàng Quyền kiến nghị, nhà nước sớm cho thử nghiệm cơ chế Sandbox (cơ chế đặc khu ảo trong lĩnh vực ICT). Cơ chế này sẽ hỗ trợ các startup mạnh dạn thử nghiệm các công nghệ mới. Bởi nếu khi đưa ra một dịch vụ mới dựa trên công nghệ mà chờ nhà nước nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện xong khung pháp lý thì có khi công nghệ mới đó đã trở thành lạc hậu.
Trước đó, hồi cuối năm 2017, đại diện VCCorp cũng đề nghị lập đặc khu ảo cho các doanh nghiệp công nghiệp nội dung số. Cơ chế này cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm những dịch vụ công nghệ mới, các doanh nghiệp tham gia phải cam kết tuân thủ nghiêm túc quy định đóng thuế nhưng điều kiện, giấy phép sẽ hơi khác với việc quản lý doanh nghiệp nước ngoài. Đặc thù của đặc khu ảo là không có địa lý, nhưng doanh nghiệp cần chứng minh rằng mình làm ăn tử tế, sẽ được hưởng cơ chế thoáng hơn, có điều kiện sử dụng nguồn lực của bản thân để nhân rộng thế mạnh, không bị ràng buộc hạn chế bởi những quan điểm, quy định quá cũ.