Nền kinh tế Trung Quốc đang phải hứng chịu những thiệt hại kinh tế to lớn từ dịch COVID-19. Thế nhưng, chính phủ nước này lại gặp tình thế khó khăn khi đưa ra phản ứng chính sách kinh tế.
Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ có gói chính sách kinh tế lớn hơn 130 tỷ USD, nhưng mục tiêu tăng trưởng sẽ phải nhường chỗ cho mục tiêu ổn định chính trị, xã hội.
Chật vật phục hồi kinh tế
GDP quý 1/2020 của Trung Quốc tăng trưởng âm 6,8% so với cùng kỳ năm 2019 do tác động của COVID-19. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng GDP âm quý 1.
Đến nay, lệnh phong tỏa đang được gỡ bỏ và hoạt động sản xuất có dấu hiệu quay trở lại. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế Trung Quốc sẽ gặp khó khăn vì hai lý do sau:
Thứ nhất, xuất khẩu chưa thể sáng sủa vì dịch bệnh toàn cầu còn đang phức tạp. Trong khi nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu (chiếm 20% GDP). Mỹ chiếm khoảng 20% xuất khẩu của Trung Quốc; Đức, Pháp, Italia và Tây Ban Nha chiếm 9,2%; Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm 10,6%...
Thứ hai, thị trường trong nước chưa thể phục hồi nhanh vì mức thất nghiệp cao (khoảng 6,2%) và sức cầu quá yếu (65% người được hỏi trả lời là họ sẽ tiết giảm chi tiêu và thay đổi thói quen chi tiêu sau dịch COVID-19).
Theo các dự báo của các tổ chức kinh tế quốc tế, tăng trưởng GDP năm 2020 của Trung Quốc tồi tệ nhất là 1,3% và lạc quan nhất cũng chỉ là 3% (thấp hơn mức 5% của chính phủ Trung Quốc). Thêm vào đó, mức thất nghiệp tăng cao đột biến sẽ là nguồn gây bất ổn chính trị ở nước này nếu không được giải quyết nhanh chóng.
Dịch COVID-19 xảy ra trong bối cảnh kinh tế và chính trị ở Trung Quốc không ổn định. Đó là cơ cấu kinh tế chậm thay đổi; Nợ trong nền kinh tế trên 300% GDP; Nhiều nhà đầu tư nước ngoài chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc…
Trong bối cảnh nền chính trị và xã hội đang có những bất ổn (vấn đề Hồng Kong, Đài Loan, vấn đề người Duy Ngô Nhĩ,..), thì tình trạng thất nghiệp cao đột biến do COVID-19 sẽ khiến tình hình trở nên phức tạp hơn.
Trong bối cảnh đó, khi các chính phủ các nước nhanh chóng kích thích kinh tế thì Trung Quốc tỏ ra thận trọng. Lý do là Trung Quốc lo sợ khoản nợ trên 300% GDP, nếu kích thích qui mô lớn sẽ tạo bong bóng và gây bất ổn thị trường.
Có thể bạn quan tâm
02:00, 07/02/2020
06:49, 13/11/2019
06:59, 21/10/2019
06:45, 02/10/2019
01:47, 29/09/2019
Nhưng nếu kích thích không đủ mạnh thì khó có sự phục hồi như mong muốn, thất nghiệp sẽ duy trì ở mức cao gây bất ổn chính trị. Bên cạnh đó, các chính quyền địa phương đã kiệt sức vì phải giảm thuế hồi năm 2019 nên thiếu ngân sách. Trong khi đó, trung ương muốn địa phương cẩn trọng vì sợ họ chi tiêu quá mức.
Do vậy đến nay, Trung Quốc mới chỉ có vài phản ứng yếu ớt. Đó là giảm thuế và bơm tiền vào thị trường, lãi suất cũng chỉ giảm nhẹ và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc khoảng 0,5 đến 1% xuống còn khoảng 10% nhằm bơm khoảng 78,8 tỷ USD vào nền kinh tế và chủ yếu hướng tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm chạp, thì nguồn cung ứng nguyên vật liệu sẽ khó phục hồi trở lại hoàn toàn trong ngắn hạn. Do đó, Việt Nam cũng cần tìm cách tự chủ nguồn nguyên liệu, tìm kiếm nguồn thay thế; đồng thời tìm kiếm thị trường xuất khẩu thay thế trong dài hạn. Đặc biệt, cần điều chỉnh linh hoạt tỷ giá để tránh bất lợi cho xuất khẩu trong bối cảnh Trung Quốc duy trì đồng CNY yếu.