Thời gian 70 năm kể từ ngày thành lập đã giúp Trung Quốc phát triển thần kỳ, từ một quốc gia nghèo đói, lạc hậu trở thành siêu cường kinh tế thứ hai thế giới.
Trung Quốc đã dành ba thập kỷ, từ năm 1949 đến 1978, tạo ra những cải cách nội bộ với trọng tâm là ý thức hệ, thống nhất và thay đổi tư duy dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Năm 1978, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình là người khởi xướng công cuộc cải cách và mở cửa, được phát động ban đầu với tên gọi “Bốn hiện đại” trong bối cảnh Trung Quốc rơi vào tình trạng nghèo đói sau nhiều biến động về chính trị và yếu kém về kinh tế.
Kể từ năm 1979 tới nay, hơn 850 triệu người đã thoát nghèo kể từ khi chính phủ Trung Quốc áp dụng nền kinh tế định hướng thị trường. Đây được xem là một kỳ tích, mà Ngân hàng Thế giới gọi là "đáng chú ý".
Đi cùng với sự phát triển kinh tế đáng kinh ngạc, nền quân sự Trung Quốc cũng trỗi dậy và vươn tầm ra thế giới khiến Mỹ đưa Trung Quốc “vào tầm ngắm”, cũng như khiến các quốc gia trong khu vực không khỏi hoang mang.
Mặc dù Đảng Cộng sản đang tận dụng dịp lễ kỷ niệm 70 năm quốc khánh Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để khuếch trương thanh thế, phô diễn thành công, tuy nhiên các nhà phân tích cảnh báo rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt với một trận chiến kinh tế khó khăn, và một cách biểu dương lực lượng quá tay trong thời điểm này có thể sẽ gây tác dụng ngược.
Có thể bạn quan tâm
08:00, 01/10/2019
18:40, 01/10/2019
01:47, 29/09/2019
17:00, 28/09/2019
11:00, 28/09/2019
Trong những tuần gần đây, các tổ chức tin tức nhà nước Trung Quốc phô diễn với thế giới rằng Trung Quốc đã thực sự trở thành một cường quốc.
Một bài viết đăng trên thời báo China Daily vào ngày 24/9, trích lời Chủ tịch Tập Cận Bình. "Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể cứu Trung Quốc, chỉ cải cách và mở cửa mới có thể thúc đẩy sự phát triển của Trung Quốc và chỉ có chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc mới có thể dẫn đến sự thịnh vượng của Trung Quốc."
Nhưng trên thực tế nền kinh tế Trung Quốc đang mất đà, thậm chí tuột dốc không phanh do ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ, cùng với đó là các cuộc biểu tình diễn ra ở Hồng Kông. Trong bối cảnh căng thẳng cộng hưởng đó, mục tiêu mở rộng trung bình 6.5% tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc đến năm 2020 dường như đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Vào giữa tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã thừa nhận rằng sẽ rất "khó khăn" cho nền kinh tế Trung Quốc mở rộng với tỷ lệ 6% trở lên, trong bối cảnh có quá nhiều tác nhân bên ngoài. Hiện tại, Bắc Kinh đang ưu tiên cho cải cách cơ cấu để tăng năng suất hơn kích thích tài khóa quy mô lớn.
Nhiều tổ chức đã lên tiếng cảnh báo nền kinh tế Trung Quốc. Viện Nghiên cứu Natixis Châu Á trong một báo cáo vào thứ Năm tuần trước đã chỉ ra rằng nền kinh tế Trung Quốc đang ở trong tình trạng "tồi tệ hơn" so với bốn năm trước, do những ảnh hưởng của căng thẳng thương mại.
Trong khi đó, Ngân hàng đầu tư Mỹ đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ mức 6.3% xuống còn 6,1% cho năm 2019, và từ 6,2% xuống 5,7% cho năm 2020.
Nghiêm trọng hơn, công ty tài chính UBS của Thụy Sĩ ngày 20/9 đã hạ dự báo GDP năm 2019 của Trung Quốc xuống còn 6,0% từ mức 6,1% cho năm 2019 và từ mức 5,8% xuống còn 5,5% cho năm 2020. Bên cạnh đó, công ty này còn đặt ra nghi ngờ về một triển vọng cho một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc.
Thậm chí, Ngân hàng Thế giới trong báo cáo “Trung Quốc đổi mới” gần đây của mình đã đưa ra lời cảnh báo rằng vào những năm 2030, tốc độ tăng trưởng của quốc gia đông dân nhất thế giới có thể giảm xuống chỉ còn 1,7% nếu không có sự phân bổ nguồn lực đáng kể.
Vì vậy, dịp kỷ niệm 70 năm là cơ hội để Đảng Cộng sản Trung Quốc thổi phồng thành tích và đánh bóng hình ảnh của mình khi cố trưng ra những những lợi ích có thể chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.
Theo ông Andrew Kennedy - một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Úc: "Trừ khi có một cam kết rõ ràng để vực dậy cải cách, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không có khả năng đảm bảo bất kỳ lợi ích lâu dài nào của nền kinh tế"
Mặc dù vậy, sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế dường như không làm giảm sức mạnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngược lại, theo nhận định của chuyên gia kinh tế trưởng Diana Choyleva tại Trung tâm nghiên cứu Enodo econom thì vị trí và uy tín của Chủ tịch Tập Cận Bình đã trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết nhờ lập trường cứng rắn với Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại.
Thế nhưng rõ ràng những giải pháp này không thể là lâu dài, nếu Trung Quốc không hãm tốc độ suy giảm của nền kinh tế, ông Tập Cận Bình sẽ là mất niềm tin của giới tinh hoa Trung Quốc - các quan chức hàng đầu và lãnh đạo công ty - những người được hưởng lợi nhiều nhất từ cải cách thị trường. Choyleva nhận định: "Giới thượng lưu sẽ không chịu để tình trạng suy giảm kinh tế này kéo dài quá lâu!”.
Đồng thời, sự tác động và ảnh hưởng ngày càng rõ rệt của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong nền kinh tế và xã hội đang gây ra những mối lo ngại khác. Đầu tháng này, chính quyền thành phố Hàng Châu cho biết họ sẽ tăng cường người của Đảng Cộng sản tới hơn 100 công ty trong thành phố, bao gồm cả tập đoàn bán lẻ điện tử khổng lồ Alibaba Group Holding và nhà sản xuất ô tô Chiết Giang Geely Holding Group.
Tập đoàn Alibaba vốn đang được niêm yết tại Sàn chứng khoán New York đã nhanh chóng đưa ra lời giải thích cho động thái này. "Đại diện chính phủ sẽ hoạt động như một cầu nối đến khu vực tư nhân và sẽ không can thiệp vào hoạt động của công ty".Các doanh nghiệp nước ngoài cũng phải chịu sự giám sát tương tự.
Tháng trước, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo về hệ thống tín dụng xã hội của công ty, nơi đánh giá các công ty dựa trên việc tuân thủ các quy định. "Nếu các doanh nghiệp Trung Quốc không nắm bắt rõ ràng tất cả các khía cạnh của hệ thống và những gì họ cần làm để tuân thủ thì chúng tôi buộc phải đưa ra các lệnh trừng phạt, hoặc thậm chí đưa họ vào danh sách đen trong trường hợp cần thiết”.
Những áp lực như vậy, cùng với chi phí sản xuất tăng, cùng với tác động của cuộc chiến thương mại, đã thúc đẩy các công ty cân nhắc việc dịch chuyển nhà máy sang một quốc gia khác.