Chính sách và những pha “thất lạc” có điểm đến!

Trương Khắc Trà 24/08/2018 11:14

Vì đâu truyền thông mới sản sinh ra những khái niệm “ăn chặn tiền trợ cấp bão lũ”; “bò dê đi lạc vào nhà quan xã”; “gia đình lãnh đạo xã bỗng dưng thành hộ nghèo”…

Cứ mỗi mùa thiên tai đi qua, bên cạnh những nỗi đau mất mát về người và của còn để lại sự mất mát không đáng có về niềm tin với nhiều chính quyền cơ sở.

Trong muôn vàn cách đề làm lệch chính sách của nhà nước với người nghèo, người có công, nhiều địa phương đã thô thiển hóa cách làm để lại những chuyện cười ra nước mắt.

Thế mới có chuyện truyền thông sản sinh ra những khái niệm “ăn chặn tiền trợ cấp bão lũ”; “bò dê đi lạc vào nhà quan xã”; “gia đình lãnh đạo xã bỗng dưng thành hộ nghèo”…

Những chuyện nhũng nhiễu lặt vặt đương nhiên quá nhỏ so với nhiều thứ nổi cộm trên báo chí có liên quan đến tiền. Nhưng niềm tin của người dân vào chính quyền cơ sở hao mòn nghiêm trọng.

Sự minh bạch công khai cần phải triệt để ở chính quyền cơ sở

Sự minh bạch công khai cần phải triệt để ở chính quyền cơ sở

Ở Thanh Hóa, hàng cứu trợ lũ lụt bị xén từng gói mì tôm, họ “cứu trợ” cho cả gia đình lãnh đạo xã, hoàn toàn bình thường nếu thiên tai nhắm đến, nhưng lãnh đạo xã rất hiếm khi là gia đình nghèo đói!

Có thể bạn quan tâm

  • Tham nhũng vặt có xu hướng giảm

    Tham nhũng vặt có xu hướng giảm

    13:01, 14/03/2017

  • Doanh nghiệp khổ vì vấn nạn “tham nhũng vặt”

    12:59, 24/09/2016

  • Bộ máy khổng lồ, tham nhũng vặt - bài toán khó giải!

    10:59, 02/07/2016

  • Không để “một cửa nhưng nhiều khóa”

    16:46, 10/08/2018

  • Chống nhũng nhiễu: "Đơn hàng" đặc biệt!

    06:08, 29/07/2018

  • Xoá... “nhũng nhiễu”!

    10:05, 06/04/2018

Tại Quảng Bình, mẹ và vợ quan xã ùn ùn kéo nhau vào danh sách…hộ nghèo. Theo kết luận thanh tra, giai đoạn 2011-2013, toàn xã Hoàn Trạch có 153 khẩu không nghèo được “ghép nhầm” vào hộ nghèo để được hưởng các chính sách từ sự hỗ trợ của nhà nước.

Tại Quảng Trị, bò chính sách không hiểu sao ai dắt nhầm vào nhà cán bộ xã và thân nhân, kết quả nhiều vị nhận trát kỷ luật.

Ở Quảng Ngãi, dù người được hưởng chế độ chính sách đã qua đời, một số cán bộ xã, phường thành phố Quảng Ngãi có hành vi giả mạo chữ ký, “ăn chặn” 120 triệu đồng.

Tại Nghệ An, vừa qua phát hiện 560 hồ sơ thương binh giả! Kết quả là hàng trăm tỷ đồng tiền chính sách bị trao… nhầm, số tiền tịch thu lại được quá ít…

Những hiện tượng ấy có thể gọi là vô liêm sỉ hay do lòng tham vô đáy? Cả hai đều không sai. Thật khó nghĩ vì chủ nhân của thực trạng đau lòng này là đội ngũ lãnh đạo chính quyền cấp cơ sở.

Nơi gần dân nhất, nơi mà chính sách trực tiếp tác động đến dân lại là nơi phát sinh quá nhiều tham nhũng vặt, chính sách nhân đạo của Đảng, nhà nước bị lệch pha so với mục đích giành cho đối tượng yếu thế trong xã hội.

Những vụ việc tuy vụn vặt nhưng để lại hậu quả ghê gớm, thứ đáng tiếc nhất là mất niềm tin về sự công bằng, liêm chính của cơ quan công quyền - mục tiêu tối thượng mà bất cứ chính quyền nào cũng hướng đến.

Chiếc lò của Tổng Bí thư là biểu tượng của chống tham nhũng, gột rửa những ai đã dính chàm, thời gian qua đã chứng kiến những vụ việc cộm cán bị xử lý bất kể đó là ai.

Chẵng lẽ những sự việc nhỏ nhặt lại để vượt ra khỏi khả năng kiểm soát của địa phương. Vì vậy, mỗi địa phương cũng cần có “chiếc lò” cho riêng mình.

Vì sao nạn ăn chặn tiền cứu trợ, chính sách vẫn xảy ra? Đó là do địa phương chưa nghiêm minh trong việc xử lý sai phạm, và phải chăng có tình trạng bao che, cả nể, cách làm chiếu lệ?

Ăn chặn của dân tức là cán bộ chưa ý thức được vai trò của mình với tư cách là người đại diện cho hình ảnh nhà nước ở địa phương, khi cán bộ bất chấp đạo lý luân thường liệu còn ai nể phục, ai lắng nghe?

Từng gói mì tôm đến vài trăm nghìn đồng còn tạo ra “môi trường lý tưởng” để tham nhũng thì không lấy gì làm chắc chắn nhiều dự án không đội vốn hoặc quyết toán cao hơn ban đầu hàng chục lần!

Chính phủ nỗ lực xây dựng sự liêm chính, Quốc hội tốn rất nhiều thời gian để tìm phương án giải quyết vô số vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh, nhưng nhiều chính quyền cơ sở và cả địa phương vẫn không xem mình là người trong cuộc.

Chính quyền cơ sở là gốc của nhà nước, nơi động chạm trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Nên sự mất công bằng ở đó tác động rất lớn đến nỗ lực chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chính sách và những pha “thất lạc” có điểm đến!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO