Tái sử dụng chất thải chăn nuôi cho sản xuất nông nghiệp không chỉ nâng cao giá trị kinh tế mà còn giải quyết tốt vấn đề môi trường. Tuy nhiên còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là thiếu hành lang pháp lý.
>> Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói gì về gia cầm "ngoại" ồ ạt vào Việt Nam?
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong quý I/2023, chăn nuôi gia cầm trên cả nước phát triển ổn định, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Tuy nhiên, trái ngược với tình hình phát triển ổn định của ngành chăn nuôi là việc suy giảm trầm trọng môi trường sinh thái do bị ô nhiễm nặng nề. Theo thống kê cả nước đang có trên 13.700 trang trại chăn nuôi gây phát sinh chất thải lớn, gồm 68 triệu tấn chất thải rắn từ gia súc, gia cầm cùng lượng lớn nước thải chăn nuôi trâu, bò, lợn.
Một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm chính là từ việc xử lý chất thải trong chăn nuôi không đúng cách gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Ông Võ Trọng Thành, Cục Chăn nuôi cho rằng: Việc xử lý chất thải, xử lý môi trường đang là vấn đề lớn với ngành chăn nuôi, có một giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề này là phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Theo đó, phần lớn lượng chất thải trên đều có thể tải sử dụng trở thành tài nguyên trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ – đây là biện pháp hiệu quả đã được một số cơ sở, địa phương áp dụng, không chỉ giải quyết tốt vấn đề môi trường mà còn nâng cao giá trị kinh tế.
Tuy nhiên, giải pháp này được đánh giá là chưa thực sự được áp dụng rộng rãi do chưa có hành lang pháp lý cụ thể cũng như chính sách hỗ trợ hiệu quả.
>> Lợi nhuận ròng từ chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững
Cụ thể, các tài liệu hướng dẫn về nông nghiệp tuần hoàn chưa rõ ràng, thậm chí chưa có. Điều này dẫn tới nhận thức của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân còn mơ hồ, chưa đầy đủ.
Đặc biệt chưa có hành lang pháp lý, thiếu hướng dẫn và tiêu chuẩn hóa cho triển khai kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp mà nằm rải rác ở các luật, nghị định khác nhau.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: “Khi khoa học công nghệ chưa phát triển, chưa có phân vô cơ để sử dụng thì toàn bộ chất thải từ chăn nuôi lợn, trâu bò được sử dụng cho nông nghiệp. Thế nhưng bây giờ lại không sử dụng được vì hiện nay quy định về xử lý chất thải còn vướng".
Ông Hà Văn Thắng cũng nhấn mạnh rằng kinh tế tuần hoàn là nền tảng của phát triển bền vững, nền tảng của kinh tế xanh. Và đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có những chính sách phục vụ doanh nghiệp, nông hộ xử lý chất thải chăn nuôi để thí điểm, đánh giá, từ đó lan tỏa mô hình. Ông cũng đề nghị các cơ quan nhà nước, tổ chức "cần phải nghiên cứu để có các quy định, hành lang pháp lý. Nếu chưa có quy định của pháp luật thì cũng phải thông qua để thử nghiệm, thí điểm”.
Về vấn đề này, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhận thấy rằng: “Nếu những vướng mắc trong quy định hiện nay được tháo gỡ thì nguồn chất thải chăn nuôi có thể đáp ứng thay thế 70-80% lượng phân bón hóa học cho ngành trồng trọt hiện nay. Tuy nhiên việc rà soát các văn bản quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bộ ngành có liên quan”.
Thời gian qua, các doanh nghiệp, chủ trang trại đánh giá hệ thống văn bản, chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường đối với chất thải trong chăn nuôi ngày càng cải thiện. Tuy nhiên việc đồng bộ triển khai từ Trung Ương đến địa phương còn nhiều hạn chế và khó thực hiện.
Trong đó những khó khăn, vướng mắc chủ yếu như một số quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ phân công, phân cấp trách nhiệm giữa các ngành, cáp cấp chính quyền địa phương thiếu cụ thể, chưa đồng bộ dẫn đến chồng chéo, bất cập trong tổ chức quản lý, một số văn bản hướng dẫn về quản lý thiếu cụ thể, chưa chi tiết dẫn đến các việc khó áp dụng.
Tái sử dụng chất thải trong chăn nuôi không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích kinh tế lớn, thúc đẩy hình thành nên kinh tế tuần hoàn. Vậy nên, ngoài việc ban hành những chính sách hỗ trợ về mặt pháp lý, công nghệ khoa học kĩ thuật thì các doanh nghiệp kiến nghị cần phải có sự tham gia tích cực của các cơ sở, địa phương để sao cho mô hình tái sử dụng chất thải mang lại hiệu quả và được ứng dụng rộng rãi hơn.
Có thể bạn quan tâm
01:50, 13/06/2023
02:59, 06/06/2023
14:08, 02/06/2023
22:00, 14/07/2022
18:02, 02/03/2021