Nhiều tín hiệu cho thấy càng về cuối năm, tỷ giá USD/VND sẽ hạ nhiệt và có thể dừng dao động trong biên độ kiểm soát mục tiêu.
>>>Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Linh hoạt đồng bộ các giải pháp, tỷ giá tiếp tục ổn định
Một số ngành hàng kinh doanh ở Việt Nam dự kiến cũng sẽ có cơ sở hưởng lợi từ biến động này của tỷ giá.
Tại 19/7/2024, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố ở mức 24.251 VND/USD, giảm 5 VND. Trong khi đó, giá mua - bán USD tại các ngân hàng thương mại nằm trong khoảng 25.084 – 25.143 VND/USD, giảm so với tuần giao dịch trước.
Trên thị trường thế giới, USD Index (DXY) đóng cửa ngày 20/7 tại 104,36 - ghi nhận tăng điểm nhẹ. Việc chỉ số đồng bạc xanh tụt giảm xuống quanh ngưỡng 104 là khá nhanh, theo nhận xét của ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu Ngân hàng UOB Group. Theo dự báo của ông Suan Teck Kin, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ có hai lần cắt giảm lãi suất USD, mỗi lần 0,25% vào tháng 9 và tháng 12 năm 2024.
“Chúng tôi nhìn thấy khả năng đồng VND có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2024 cùng với sự phục hồi của Nhân dân tệ (CNY) và sự suy yếu của đồng USD trên diện rộng khi việc cắt giảm lãi suất của FED được chú trọng. Chúng tôi kỳ vọng đồng VND sẽ mạnh dần so với USD lên 25.200 VND/USD trong quý 3 năm 2024, 25.000 VND/USD trong quý 4 năm 2024”, ông Suan Teck Kin cho biết.
Tương tự, bà Lee Young Hwa, chuyên gia kinh tế cấp cao của Shinhan Bank nhận định, tỷ giá USD/VND có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực mất giá trong ngắn hạn do bị ảnh hưởng bởi các điều kiện tiêu cực bên ngoài, như xung đột Trung Đông, chênh lệch lãi suất với Mỹ gia tăng và nền kinh tế Trung Quốc suy thoái.
>>>Ưu tiên tỷ giá hay lãi suất?
Bên cạnh đó, sự phục hồi của ngành sản xuất và xuất khẩu cùng sự can thiệp của NHNN trong việc bán vàng và ngoại tệ dữ trự đã góp phần hạn chế tỷ giá USD/VND tăng cao. Tuy nhiên, VND có thể sẽ mất giá nhẹ và dự kiến sẽ phục hồi sau khi FED xoay trục chính sách tiền tệ và các yếu tố về chi tiêu đầu tư công và dòng vốn FDI tăng mạnh. Shinhan Bank cho rằng tỷ giá USD/VND sẽ sớm đạt đỉnh trong quý III/2024 và sau đó sẽ hạ nhiệt. Tỷ giá USD/VND bình quân cả năm 2024 dự kiến sẽ ở mức 25.040 đồng.
Nếu các dữ liệu lạm phát của Mỹ tiếp tục giảm xuống mức thấp hơn, FED có thể thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất sớm nhằm giảm thiểu rủi ro và ổn định kinh tế vĩ mô. Điều đó cũng đồng nghĩa có khả năng NHNN sẽ bớt áp lực bán dự trữ ngoại hối. Đến nay, lượng bán dự trữ ngoại hối của NHNN được cho đã lên trên 6,5 tỷ USD, để can thiệp và ổn định cung ngoại tệ trong thời gian qua.
Với dự báo tỷ giá USD/VND hạ nhiệt, một số ngành có câu chuyện hưởng lợi về tỷ giá sẽ là nhóm xuất khẩu, thép, dầu khí… và một số ngành hàng liên quan như nhóm đón vốn FDI (bất động sản, chế biến chế tạo, bán lẻ…) hay nhóm vật liệu xây dựng, chi tiêu đầu tư công (với tiền tệ và tài khóa tiếp tục hỗ trợ, mở rộng, thúc đẩy tăng trưởng), ngân hàng (kinh doanh ngoại hối)....
Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia lưu ý là không chỉ tỷ giá, mà xa hơn là ảnh hưởng có thể diễn ra từ kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ. “Nếu ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, khả năng cao sẽ có nhiều thay đối trong chính sách thương mại đối với Việt Nam khi Mỹ thắt chặt chính sách bảo hộ thương mại. Thặng dư thương mại lớn với Mỹ có thể khiến Việt Nam khó khăn”, theo chuyên gia Shinhan Bank.
Còn nhớ hồi tháng 2/2024, ông Trump tuyên bố ông sẽ xem xét áp thuế quan lên tới 60% hoặc cao hơn nữa đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, cũng như mức thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ, nếu ông đắc cử Tổng thống Mỹ. Ông Suan Teck Kin cho rằng, điều đó có nghĩa rằng sẽ có những mặt hàng của doanh nghiệp Việt Nam, nếu có “nguồn gốc” Trung Quốc, sẽ phải rất thận trọng khi xuất khẩu vào Mỹ.
Trước viễn cảnh nói trên, nhiều chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp nên thúc đẩy mở rộng lựa chọn thị trường xuất, nhập khẩu và đa dạng hóa, lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi, gắn kết với những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng những công cụ tài chính phái sinh để phòng vệ rủi ro tỷ giá tốt nhất. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tăng tốc ứng dụng số hóa, cắt giảm chi phí, tăng cường quản trị nhân lực, đầu tư bền vững để tối ưu chi phí nhằm bù đắp một phần cho những thiệt hại thuế quan, giả định trường hợp chi phí thuế tăng.
Có thể bạn quan tâm