Vấn nạn hàng giả, nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, theo các chuyên gia, cuộc chiến này chỉ cân sức khi có sự chủ động phối hợp của doanh nghiệp...
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đã và đang trở thành một trong những vấn nạn nhức nhối của xã hội. Thời gian qua, cùng với sự phát triển của công nghệ, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng với các hình thức tinh vi, phức tạp hơn. Điều này gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng.
>>Chống hàng gian, hàng giả - Bài 3: Khó xử lý, vì đâu?
Hiện nay, chuyển đổi số đang là xu hướng và nền kinh tế số Việt Nam cũng đang phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê của Hội Sáng chế Việt Nam, nước ta hiện đang là 1 trong 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Thương mại điện tử giúp nhà sản xuất phát triển thị phần hiệu quả hơn, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm trong và ngoài nước theo nhu cầu. Song, bên cạnh sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử thì tình trạng làm hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên internet đang là vấn đề nhức nhối và công tác chống hàng giả, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng internet gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất đến từ việc các trang thông tin giả, sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội facebook, zalo… nở rộ, bán hàng thật chung với hàng giả.
Theo các chuyên gia, hiện nay, các văn bản pháp luật, chế tài xử lý hành vi làm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam khá hoàn chỉnh; cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, vấn nạn trên vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm mà còn gia tăng. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ trông cậy vào cơ quan nhà nước thì rất khó và không bao giờ giải quyết được vấn nạn này. Do đó, để chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, cần phải quan tâm nhiều đến việc phòng ngừa.
Về vấn đề này, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Lee và Cộng sự cho rằng, trước hết, cần bắt đầu từ sự chủ động của chính doanh nghiệp, thông qua hoạt động quảng bá sản phẩm, chỉ rõ những dấu hiệu nhận biết hàng giả, hàng nhái cũng như có kênh phân phối sản phẩm chất lượng tốt tới tận tay người tiêu dùng. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tăng cường quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hóa và chủ động khiếu nại khi bị xâm phạm nhãn hiệu.
Bởi theo lý giải của nữ luật sư, thông thường, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Việt Nam thường có tâm lý e ngại, khi biết sản phẩm của mình bị làm giả trên thị trường sẽ ngại ảnh hưởng đến thương hiệu nên tránh né, dẫn đến người tiêu dùng biết thương hiệu sản phẩm có hàng giả nên có thể không mua nữa.
“Điều này càng khiến cho vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ lộng hành. Do vậy, tốt nhất doanh nghiệp cần chủ động phối hợp trực tiếp với các lực lượng chức năng, lực lượng thực thi như quản lý thị trường để cung cấp thông tin hàng giả, phối hợp kiểm tra, xử phạt, xử lý ngay”, luật sư Lê Thị Nhung nói.
>>Chống hàng gian, hàng giả - Bài 1: Nhức nhối từ “chợ” đến “mạng”
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cũng cho rằng, chống hàng nhái, hàng giả là một mặt trận mà đòi hỏi về phía doanh nghiệp cần phải có nhận thức rất sâu sắc. Theo ông Sinh, trước tiên các doanh nghiệp phải tự bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của mình; cần có đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Bởi đây sẽ làm căn cứ xử lý khi phát hiện sai phạm về sản phẩm bị làm giả, làm nhái của doanh nghiệp.
Chia sẻ thêm về điều này, ông Nguyễn Đăng Sinh cho biết, thực tế có rất nhiều doanh nghiệp không đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về thương hiệu, nhãn hiệu của sản phẩm; đến lúc lực lượng xử lý những trường hợp bị làm giả hàng hóa của mình thì ngay chính mình cũng không chứng minh được sản phẩm của mình.
“Hiện doanh nghiệp vừa và nhỏ rất sơ suất trong việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, đây là việc cần phải làm ngay. Tất cả các doanh nghiệp thứ nhất là phải xây dựng được thương hiệu; thứ hai là phải có những giải pháp bảo vệ thương hiệu của mình”, ông Sinh nhấn mạnh.
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm